Anh nói thêm: “Nhưng cái này là chuyện nhỏ thôi, chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau mất mát, thiệt hại mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua”.
Người luôn có mặt tại các “điểm nóng”
Nhắc đến Trung tá Nguyễn Chí Thành không chỉ người trong lực lượng biết đến mà rất nhiều người dân đều có cùng chung tâm trạng ngưỡng mộ. Mới đây khi tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh cùng đồng đội đã giải cứu thành công một nạn nhân 17 tuổi kẹt lại dưới đống đổ nát. Khi phát hiện nạn nhân, lực lượng đã nhanh chóng đưa ra giải pháp đào ngay đường hầm để mở đường đưa nạn nhân ra ngoài. Để đảm bảo an toàn cho nạn nhân bên trong, đoạn đường hầm ấy đã được anh em đào hoàn toàn bằng tay không suốt 7 mét trong cái lạnh âm độ, bên dưới tâm chấn vẫn còn đang rung lắc.
Hay một lần cứu hộ nguy hiểm đến tính mạng mà không thể không nhắc tới của Trung tá Thành là vụ cứu hộ ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hồi cuối tháng 2/2020. Hôm đó Trung tá Thành đang dạy 2 con học bài thì nhận nhiệm vụ lên đường ngay để trợ giúp Hà Giang giải cứu người bị rơi xuống hang. Ra đến hiện trường, người dân địa phương cho hay: “Đây là hang nguyên thủy, chẳng ai biết được chính xác độ sâu của hang là bao nhiêu, chỉ biết hang sâu lắm!”. Sau khi khảo sát, Trung tá Thành nhận định hang sâu, hẹp, nguy cơ thiếu dưỡng khí cao và sẽ rất nguy hiểm cho người lính cứu hộ khi đi xuống. Thế nhưng nhìn thấy thân nhân đang khóc nghẹn tức tưởi, Trung tá Thành quyết định xung phong xuống hang.
Chiếc dây cứu hộ từ từ đưa Trung tá Thành xuống hang hẹp, lởm chởm đá nhọn dọc thành hang. Nạn nhân nằm dưới độ sâu hơn 280m (tương đương với tòa nhà 90 tầng) đang trong quá trình phân hủy, mùi tử khí gây ngạt. Sau khi xác định vị trí Trung tá Thành trở lên miệng hang xin ý kiến chỉ đạo rồi mang theo bộ đàm, dụng cụ quấn thi thể cùng 5 lít rượu và cồn trở lại xuống hang. Lúc này bên trên miệng hang mưa bắt đầu nặng hạt, đất đá rơi xuống hàng đập trúng người Trung tá Thành. Lấy bộ đàm gọi cho đồng đội để kéo lên chờ mưa tạnh mới tiếp tục công việc nhưng lần này bộ đàm không tín hiệu, Trung tá Thành bị lơ lửng giữa hang. Lúc này Trung tá Thành nghĩ mình coi như “xong!”, bởi bình dưỡng khí bắt đầu cạn, mùi tử khí bốc lên gây ngạt. Một giờ đồng hồ bị treo lơ lửng giữa hang với bao nhiêu suy nghĩ... May mắn thay mưa tạnh, tín hiệu bộ đàm được nối lại, Trung tá Thành tiếp tục xuống hang tiếp cận và đưa thi thể nạn nhân vào trong thiết bị chuyên dụng và chuyển ra khỏi hang. Khi vừa cùng nạn nhân lên khỏi miệng hang, nhìn thân nhân bật khóc, làm động tác quỳ lạy mà Trung tá Thành cũng không kìm được nước mắt.
Tính đến nay, từ khi phục vụ trong lực lượng cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC, Trung tá Thành đã hơn 1.000 lần trực tiếp thực hiện công tác cứu hộ tại các vụ cháy, sập công trình, chìm tàu và trong các hang sâu. Chỉ từ năm 2019, anh đã tham gia hơn 300 vụ cứu nạn cứu hộ, đưa 119 người thoát lưỡi hái tử thần, tìm thấy 42 nạn nhân xấu số bàn giao cho gia đình. Đó còn là những lần nhận nhiệm vụ mà giống như cược mạng sống của mình khi phải đu dây vào hang sâu, lặn dưới dòng nước xoáy, lao vào trong biển lửa hay những thảm họa rúng động như vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) ngày 29/10/2002, vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn khiến 16 người thiệt mạng (năm 2011)… Các vết sẹo chi chít trên người Trung tá Thành, từng vết, từng vết đều là những dấu ấn sâu đậm về những lần tham gia cứu nạn sẽ đi theo suốt đời Trung tá Thành.
Cứu người là hạnh phúc lớn lao!
Nhắc lại cơ duyên mà Trung tá Thành đến với nghề cứu hộ, người nhà của anh cho hay, nếu Thành không cãi gia đình đi vào cái nghề này thì không có một người lính cứu hộ xuất sắc như ngày hôm nay. Sống ở Củ Chi, lúc còn nhỏ chứng kiến hình ảnh 2 người anh họ mình chết đuối, cả nhà đau đớn, anh bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ phải đi cứu người. Sau khi hoàn thành 3 năm huấn luyện nghĩa vụ trong ngành Công an, anh được giữ lại phục vụ trong ngành. Lúc này Thành có 3 lựa chọn về các đơn vị như: Cảnh sát cơ động; Cảnh sát bảo vệ và PCCC. Ý nghĩ từ nhỏ muốn được cứu người đã đưa Thành đến quyết định phục vụ trong lực lượng PCCC. Khi nhận nhiệm vụ, anh xung phong ngay vào tiểu đội cấp cứu chuyên đi cứu nạn cứu hộ. Việc cứu nạn cứu hộ thời gian đầu rất nguy hiểm vì các trang thiết bị phục vụ cứu hộ khá thô sơ, không được hiện đại như ngày nay nên anh giấu gia đình vì sợ cha mẹ lo lắng. Anh phải mất một thời gian dài để thuyết phục người nhà, đặc biệt là mẹ mình hiểu và chấp nhận.
Chia sẻ về Trung tá Thành, đồng nghiệp và những người quen biết đều rất phục tính cách chịu khó, tự lực, hòa đồng, hết mình vì công việc của anh. Lúc nhỏ, anh đã phải vừa đi học vừa đi làm để phụ giúp gia đình. Sau này khi đi làm, có thời gian để có tiền mua chiếc xe gắn máy làm phương tiện phục vụ công việc, anh đã phải ăn mì tôm liên tục nhiều tháng từ đó “chết tên” với biệt danh “Thành mì tôm”. Kinh qua hơn ngàn vụ cứu hộ, cứu hàng trăm người, không ít lần người đi cứu nạn phải gặp nạn như lần cứu hộ ở quận 7, Trung tá Thành bị rơi từ trên cao xuống chấn thương cột sống. Hay những lần cứu nạn trong hang sâu, kênh nước bẩn phải hít khí độc, dẫm phải kim tiêm, mảnh chai. Dù vậy sau mỗi lần lành vết thương, Trung tá Thành lại tiếp tục lao vào công việc.
Những câu chuyện của Trung tá Thành xuất phát từ những người đồng đội, những người thân quen, hàng xóm chứ chưa bao giờ anh tự kể về những chiến công của mình. Một điều mà chúng tôi nhận thấy ở Trung tá Thành đó là việc anh có một “hậu phương” vững chắc khi có người vợ hiền luôn cáng đáng mọi công việc trong nhà để anh toàn tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng vợ Trung tá Thành, chị Phạm Thị Thắm không bao giờ than thở với ai lời nào. 22 năm công tác trong lực lượng CAND, lập nhiều thành tích nhưng vợ chồng Trung tá Thành vẫn sống căn nhà trọ cấp 4 ở quận 1. Khi Trung tá Thành đang làm nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi cùng đoàn công tác đến thăm nhà thì mới biết cả gia đình đang ở trong một căn phòng trọ đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng qua trao đổi, chị Thắm không bao giờ kể về hoàn cảnh của mình, mà chỉ nhắc đến chồng mình, mong mỏi anh sẽ vượt qua khó khăn khắc nghiệt tại nước bạn để hoàn thành nhiệm vụ. Chị chỉ mong anh Thành trở về trong bình an là chị và 2 con đã vui và nhẹ lòng rồi! Khi có nhà báo liên hệ muốn viết về hoàn cảnh gia đình anh chị, chị Thắm đều từ chối.
Nói về Trung tá Thành, Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Trung tá Thành là một tấm gương điển hình của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đối với mọi người Thành là người rất mộc mạc, hoà đồng. Đối với công việc, Trung tá Thành luôn làm mọi cách để đạt hiệu quả cao và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung tá Thành sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, truyền “lửa nghề”, tạo động lực để những người lính trẻ tiếp bước mình tham gia các hoạt động cứu nạn cứu hộ hiệu quả.
Khi đề cập đến cuộc sống khá khó khăn của Trung tá Thành, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Trong lực lượng PCCC TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở ổn định, trong đó có Trung tá Thành. Công an TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC rất quan tâm đến các trường hợp của cán bộ, chiến sĩ trên và thường xuyên động viên giúp đỡ. Về trường hợp của đồng chí Thành, Phòng Cảnh sát PCCC đang có hướng sửa chữa lại căn nhà trọ cho đồng chí Thành. Về lâu dài, đơn vị đang liên hệ tìm quỹ đất xây dựng căn nhà nghĩa tình đồng đội hoặc tìm mua căn hộ để đồng chí Thành ổn định cuộc sống, an tâm làm nhiệm vụ.
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 1251 Trong tuần: 42404 Trong tháng 104536 Tất cả: 17198086