Chúng tôi tìm về xã Thạch Bình, một trong những địa bàn ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Tĩnh đúng vào thời điểm Ban Công an xã Thạch Bình nói riêng và lực lượng Công an trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đang trong đợt cao điểm thực hiện chủ trương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho nhân dân tránh xa các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, nhất là lừa đảo qua không gian mạng đang ngày càng nở rộ trong thời gian gần đây.
Bất chấp cái nắng miền Trung trong những ngày tháng 7 như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ C nhưng Đại úy Trần Thị Thơ Mây (SN 1988), Phó trưởng Công an xã vẫn cùng với CBCS kiên trì đến tận từng nhà dân để tuyên truyền, dán áp phích cảnh báo.
Tấm áo xanh màu lá mạ ướt đẫm mồ hôi, nhưng đôi chân thoắn thoắt, nụ cười luôn thường trực trên môi, điều mà phóng viên cảm nhận được là đến bất cứ nhà nào, Đại úy Thơ Mây cũng nhận được sự niềm nở, quý mến, chào đón từ phía người dân. Thậm chí, không ít gia đình, khi cán bộ Công an xã đi, còn chạy theo giúi vào tay túi quà là chùm ổi, quả khế vốn là đặc sản cây nhà lá vườn.
Trước đó, vào tháng 9/2020, khi đang là cán bộ Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đại úy Trần Thị Thơ Mây đã xung phong về cơ sở và được phân công về nhận nhiệm vụ tại Công an xã Thạch Bình, một xã vùng ven của thành phố Hà Tĩnh, giáp ranh với các huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Sau gần 2 năm về với cơ sở, thành quả lớn nhất mà Đại úy Thơ Mây nhận được, không chỉ đơn thuần là các lĩnh vực mà mình phụ trách được đảm bảo và được “bổ túc” kinh nghiệm công tác tại cơ sở, mà quan trọng nhất là được người dân tin yêu. Từ việc gần gũi với nhân dân, thường xuyên bám địa bàn cơ sở đến việc tận tình, linh hoạt hướng dẫn cho bà con xử lý nhanh gọn các thủ tục hành chính công, Đại úy Thơ Mây đã góp phần giúp người dân trên địa bàn bắt kịp xu thế với hành chính công thời đại 4.0, thượng tôn pháp luật và góp phần làm cho mối quan hệ giữa lực lượng Công an với nhân dân thêm gần gũi, thân thiết.
May mắn của Đại úy Trần Thị Thơ Mây là có chồng cùng làm trong lực lượng CAND, nên cũng hiểu và thông cảm, chia sẻ cho vợ bởi có những lúc, đang nửa đêm hoặc ngày nghỉ, vẫn phải tất bật xuống địa bàn để tham gia phá án, xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra. Ngoài ra, từ tháng 10/2020, Trung úy Nguyễn Thị Hương (SN 1997) được điều động về Công an xã Thạch Bình công tác, đã trở thành cộng sự và chia sẻ nhiều phần việc với Đại úy Thơ Mây nên công việc cũng đỡ phần áp lực hơn.
Là một trong những “bóng hồng” viết đơn xung phong về xã trong những ngày đầu thực hiện chủ trương, ngay từ khi về nhận nhiệm vụ tại Công an xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, Trung úy Nguyễn Thị Khánh Lam đã khẩn trương bắt tay vào việc thực hiện 2 dự án: Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và cấp CCCD. Nữ Trung úy sinh năm 1997 này cho biết, thời điểm đó vừa tham gia phòng, chống dịch COVID-19, vừa lăn lộn địa bàn để kịp tiến độ 2 dự án, có những lúc phải làm xuyên ngày, xuyên đêm. Thậm chí, bất luận nắng hay mưa, ngày hay đêm, bản thân phải ôm cả máy tính cá nhân đến từng nhà để đối chiếu, soát xét khiến bản thân sụt mất mấy cân.
Vất vả qua đi, ngẫm lại quãng thời gian công tác tại đây, Trung úy Trần Thị Khánh Lam cho biết, bản thân đã học được nhiều điều sau hơn 2 năm cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nhân dân. Tại xã, ngoài việc phải bổ túc và trang bị kiến thức ở nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính, cũng có những va vấp và bỡ ngỡ, nhưng rồi qua đó, bản thân đã gần dân hơn, hiểu dân hơn.
Thời điểm có mặt tại trụ sở Công an xã Thạch Đài, câu chuyện của tôi với Trung úy Trần Thị Khánh Lam liên tục bị ngắt quãng bởi có nhiều công dân đến để xin xác nhận các loại giấy tờ tùy thân. Mỗi lần như vậy, nữ Trung úy này đã xử lý tình huống hết sức nhanh gọn, người dân ai cũng hài lòng. Chủ tịch UBND xã Thạch Đài Trương Quang Anh cho biết thêm, từ ngày Công an chính quy về cơ sở, diện mạo xã nhà đã thay đổi hoàn toàn, ANTT được giữ vững, hình ảnh người chiến sĩ CAND đã thực sự lan tỏa, gần gũi và là những người bạn thực sự của nhân dân.
Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã bố trí 55 nữ cán bộ Công an chính quy công tác tại xã, trong đó có 4 trường hợp là Phó trưởng Công an xã. So với nam giới, họ có những khó khăn riêng, đặc biệt là với đặc thù thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở. Mặc dù vậy, những nữ cán bộ Công an xã này vẫn luôn sắp xếp hài hòa giữa gia đình và công việc, vừa đảm đương tốt việc nhà, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, có những nữ cán bộ được ví là “khắc tinh” của các loại tội phạm, hoặc trở thành những “người hòa giải” tại cơ sở như Thượng úy Phan Thị Thủy, Phó Trưởng Công an xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà; Trung úy Nguyễn Thị Việt Hà, Công an xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc; Trung úy Đoàn Thanh Bình, Công an thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn…
Đây là những địa bàn rộng, trước đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT. Nhưng từ khi có lực lượng Công an chính quy về xã, đặc biệt là có sự xuất hiện của những “bóng hồng” làm công tác đảm bảo ANTT, nhiều vấn đề như mâu thuẫn gia đình, xích mích hàng xóm láng giềng, uống rượu say xỉn rồi gây rối trật tự… đã giảm rõ rệt. Nhiều trường hợp, các chị đã trở thành những hòa giải viên bất đắc dĩ nhưng hiệu quả.
Theo đánh giá từ cơ sở, sự xuất hiện của những nữ cán bộ Công an xã ở địa bàn như thổi luồng gió mới trong công tác đảm bảo ANTT. Chính các chị đã phối hợp với các lực lượng của xã nắm bắt, giải quyết kịp thời mọi mâu thuẫn phát sinh trong đời sống của người dân, không để kéo dài. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định về ANTT trên địa bàn. Tại các địa bàn có lực lượng Công an chính quy là cán bộ nữ, phần lớn những vụ việc phát sinh từ cơ sở đều được các chị giải quyết một cách linh hoạt, mềm dẻo nên các vụ việc đều được xử lý dứt điểm, không phát sinh các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ về ANTT.