Không để đốm lửa nhỏ âm ỷ thành đám cháy lớn
Biến những khó khăn, thử thách thành động lực, các điển hình tiên tiến Trưởng Công an xã chính quy đã có nhiều cách làm hay, giải pháp, việc làm, hành động ý nghĩa, thực sự trở thành “chỗ dựa” của nhân dân, thực sự “sống trong lòng dân”. Đại úy Mai Hoàng Cường, Trưởng Công an thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai là một tấm gương như vậy. Những câu chuyện gần dân của anh được kể thông qua góc nhìn từ những chiếc camera an ninh mà đồng chí đã tự vận động, xin tài trợ để lắp quanh thị trấn.
Địa bàn nơi Đại úy Mai Hoàng Cường công tác diện tích trên 9.000ha, dân số khoảng 11.600 người, trong đó 1/3 là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đợt cao điểm làm Căn cước công dân, các anh gần như lấy cơ quan làm nhà, cùng đồng đội vượt núi, băng rừng đến từng hộ gia đình thu thập thông tin dân cư. Khi biết một gia đình đồng bào dân tộc Mông theo đạo tin lành có hai cháu nhỏ chưa có giấy khai sinh do bố mẹ không có đăng ký kết hôn, anh và CBCS trong đơn vị đã trực tiếp làm đăng ký kết hôn và giấy khai sinh, Căn cước công dân cho cả gia đình và động viên các cháu tới trường…
“Thời điểm lúc đó đang dịch bệnh, người con dâu lại không biết tiếng phổ thông nên không thể nào di chuyển vào trong quê nhà ở Đắk Lắk để làm các thủ tục hành chính này. Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với đồng chí Trưởng Công an xã trong đó và người nhà của họ để hướng dẫn họ lên trụ sở Công an gặp cán bộ làm các thủ tục chuyển khẩu ra ngoài này. Hiện các cháu nhỏ đã đi học được hơn 1 năm, các cháu hoạt bát hơn trong giao tiếp…” - Đại úy Mai Hoàng Cường vui mừng cho biết.
Từ ngày có Đại úy Mai Hoàng Cường và các CBCS Công an chính quy về cơ sở, công việc của anh Giàng Seo Hòa, Công an viên thôn Sín Thèn, thị trấn Nông trường Phong Hải bớt áp lực hơn rất nhiều bởi sự dày dặn kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ của các cán bộ Công an chính quy. Qua sự hướng dẫn của các CBCS Công an thị trấn, anh Giàng Seo Hòa cũng dần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân một cách dễ dàng. Không chỉ vậy, những sự việc người dân uống rượu say, thường xuyên quậy phá cũng nhanh chóng được xử lý kịp thời, bằng tình người cảm hóa, các thanh niên sau đó đã hiểu ra và nhận thức được những hành vi của mình là vi phạm, tu trí làm ăn…
“Như trường hợp anh Cử trên địa bàn, mỗi khi rượu say, vợ con thường hay phải trốn sang nhà khác để tránh những trận đòn roi bất ngờ ập tới… Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, anh Cừ đã thay đổi hoàn toàn. Bà con như gặp một con người mới, một anh Cử luôn vui vẻ, hòa nhã với làng xóm…” - anh Giàng Seo Hòa cho biết.
Chia sẻ tại chương trình giao lưu, theo Đại úy Mai Hoàng Cường, mọi nguyên nhân, mọi mâu thuẫn đều nảy sinh từ cơ sở. Do vậy, lực lượng Công an phải làm tốt công tác dự báo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời, cùng các ban, ngành tập trung giải quyết theo phương châm không để phát sinh mâu thuẫn, biến mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ trở thành không còn mâu thuẫn nữa; không để đốm lửa nhỏ âm ỷ thành đám cháy lớn...
Không phải là thực hiện nhiệm vụ, mà đó là tình người
Khoảng 19h ngày 14/12/2020, sau khi nhận được cuộc điện thoại từ một người thanh niên không quen biết, tự xưng là Bình, bà Lê Thị Lý cùng chồng hoảng hốt đến Công an xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trình báo việc con gái bà là Diệu (SN 2005), đang bị các đối tượng mua bán người chuẩn bị bán sang Campuchia. Nhận định sự việc đặc biệt nghiêm trọng, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện, Thiếu tá Nguyễn Hữu Thạch, Trưởng Công an xã Khánh Đông cùng các CBCS tinh thông nghiệp vụ đã rà theo các manh mối, bám đuổi theo các đối tượng mua bán người nhằm giải cứu em Diệu.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Thạch, ngay khi đưa được em Diệu đến tỉnh Đồng Nai, các đối tượng liền bán em cho một quán karaoke ở đây. Rất nhanh sau đó, các đối tượng lại bán em cho một đối tượng tên là Tú ở tỉnh Bình Dương. Tú là đối tượng rất lưu manh, hắn sau đó đã bán tiếp em Diệu qua huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.
Đêm 15/12, chúng tôi lập tức di chuyển đến huyện Trảng Bàng và phối hợp với Công an sở tại, xác minh địa chỉ quán karaoke mua em Diệu. Tuy nhiên, khi xác định được địa chỉ quán thì các đối tượng ngay trong đêm đã đưa em Diệu xuống huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bán qua tay một người khác với giá 18 triệu đồng.
Địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An tiếp giáp Campuchia, nếu không ngăn chặn kịp thời, có thể các đối tượng sẽ bán em Diệu qua bên nước ngoài, Thiếu tá Nguyễn Hữu Thạch cùng đồng đội đã lên các phương án, băng suối, vượt rừng bám đuổi không ngừng. Trong quá trình đang rà soát, khoanh vùng tìm đối tượng, các anh đã phát hiện kịp thời, không chế, bắt đối tượng ngay trước cửa ngõ, lối mòn qua biên giới...
“Không có lời nào mô tả được sự biết ơn sâu sắc của gia đình tới các anh Công an. Các anh không có thời gian nghỉ ngơi, băng rừng trong đêm tối để kịp thời cứu cháu Diệu, cho cháu cuộc sống lần thứ 2. Sự vào cuộc của các anh Công an không chỉ là thực hiện nhiệm vụ, mà đó là tình người…” - bà Lê Thị Lý xúc động khi đón được con gái đoàn tụ với gia đình.
Những tràng pháo tay không ngớt. Qua câu chuyện về việc kịp thời giải cứu thành công nạn nhân của vụ mua bán người trước khi nạn nhân bị bán sang biên giới Campuchia, các đại biểu và khán giả đã hiểu thêm được tính chất công việc cũng như sự quyết đoán, nhanh nhạy của các đồng chí Công an tại cơ sở. Với các vụ mua bán người, “thời gian là vàng”. Câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Hữu Thạch đã phản ánh được thực tế quan trọng của việc Công an xã được giao những quyền hạn, nhiệm vụ mới như: tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm để kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở, tránh những hậu quả đáng tiếc.
“4 cùng” với nhân dân
Trong chương trình, các đại biểu và khán giả cũng đã được gặp gỡ và giao lưu với Trung tá Hoàng Minh Tới, nguyên Trưởng Công an xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đồng chí đã xung phong về xã miền núi trọng điểm về ANTT, có 45% hộ nghèo và cận nghèo, thường gặp thiên tai lũ lụt. Trung tá Hoàng Minh Tới luôn bền bỉ, kiên trì làm tốt công tác vận động quần chúng để đồng bào hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Đặc biệt, anh đã thuyết phục, kịp thời giải quyết mâu thuẫn khi mới bắt đầu phát sinh giữa người dân và đơn vị xây dựng dự án điện gió trên địa bàn.
“Lực lượng Công an xã phải làm tốt công tác dự báo, tham mưu, tập trung cùng với các ban, ngành giải quyết những mâu thuẫn ngay tại cơ sở với phương châm kiên trì thuyết phục, giải quyết mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không có gì…”, Trung tá Hoàng Minh Tới chia sẻ.
“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào”, đó là chìa khóa để Thiếu tá Trịnh Thành Tâm, Trưởng Công an xã Đắk Tơ Re. huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum trở thành người con của buôn làng. Là người Kinh, nhưng Thiếu tá Trịnh Thành Tâm không ngại khó, ngại khổ, xin bà con cùng sinh hoạt chung, học nói tiếng Bahnar, đồng bào đi làm thì anh cũng đi làm. Từ đó, người dân không xem anh là người ngoài, anh tuyên truyền chính sách chủ trương của Nhà nước được bà con nhiệt tình ủng hộ.
Người xem như lặng đi khi xem phóng sự về hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh với cậu con trai bị bệnh từ nhỏ. Nhưng vượt lên tất cả là tình yêu thương dành cho trẻ em, Thiếu tá Trịnh Thành Tâm đã tổ chức các lớp học, xây dựng thư viện sách, xây dựng mô hình quản lý, phòng ngừa trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật. Anh thực sự đã trở thành người con của bản làng và được gọi với cái tên trìu mến “bố Tâm”.
Khi được hỏi vì sao lực lượng Công an phải “4 cùng” với nhân dân và có thực sự “4 cùng” với Nhân dân được không khi mà mỗi người đều chỉ có 24 giờ hàng ngày, Thiếu tá Trịnh Thành Tâm cho biết: “Bà con chủ yếu là lao động sản xuất ban ngày, do đó tranh thủ ngoài giờ hành chính, chúng tôi phải sắp xếp thời gian để đến tuyên truyền, vận động, nắm tâm tư của bà con để bà con hiểu và giúp đỡ lực lượng Công an. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.
Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trưởng thành từ trinh sát ma túy, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh, Trưởng Công an xã Nghi Thịnh, (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã thể hiện là nữ Trưởng Công an xã bản lĩnh, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm nếu việc làm đó mang lại lợi ích cho Nhân dân. Khi dịch COVID-19 có những diễn biến khó lường, nhiều người dân xa xứ quyết định trở về quê hương, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh đã có một quyết định táo bạo. Đó là không lập chốt cứng mà thay vào đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát những người dân không đủ điều kiện, giấy tờ khi ra khỏi nhà để chống dịch lây lan.
Giao lưu cùng khán giả tại chương trình, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Đối với công việc và gia đình của mình, chúng tôi phải sắp xếp xử lý một cách rất linh hoạt. Là nữ Trưởng Công an xã, chúng tôi có những khó khăn nhưng bù lại cũng có những thế mạnh, thuận lợi riêng của phái nữ. Chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh đó để cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.”
Với phương châm “trọng dân”, “gần dân”, Trung tá Hoàng Minh Tới, Thiếu tá Nguyễn Hữu Thạch, Đại úy Mai Hoàng Cường, Thiếu tá Trịnh Thành Tâm, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh và rất nhiều các CBCS Công an xã khác tại các xã trên mọi miền Tổ quốc đã hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của mình. Qua những việc làm bình dị, các anh đã xây dựng được niềm tin trong Nhân dân bằng những hành động, việc làm thiết thực để nhân dân tin và thương, để rồi họ thật sự coi các anh như những người thân trong gia đình mình.
Biến những khó khăn thành động lực, lực lượng Công an xã chính quy đã có những giải pháp, những sáng kiến, những cách làm sáng tạo, thực hiện được tất cả những nhiệm vụ của mình, bởi vượt lên trên tất cả là tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân, để mỗi CBCS Công an về xã thật sự trở thành chỗ dựa của nhân dân, thật sự sống trong lòng dân, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 4869 Trong tuần: 29598 Trong tháng 378568 Tất cả: 16527856