Song ít người biết, Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm có nhiều thành tích rất ấn tượng, anh không chỉ là người truyền cảm hứng cho học sinh ở trường làng quê anh mà còn được nhiều cán bộ giảng viên cũng như học viên thán phục.
“Lâm kinh điển” - từ cậu trò làng trở thành giảng viên
Bạn bè tuổi thơ học cùng khoá, sinh viên, học viên hay gọi thầy giáo Lê Hoàng Việt Lâm là “Lâm kinh điển”, bởi ở thầy giáo này có một trí nhớ cũng như những lần điểm danh, tra hỏi bài trở nên “kinh điển”. Gọi mãi thành quen, nên Lê Hoàng Việt Lâm chơi facebook lấy luôn nickname “kinh điển”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quật cường trong chiến tranh ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, nhiều lần ngồi với chúng tôi, Lê Hoàng Việt Lâm luôn tự hào về những địa danh đã đi vào lịch sử như những huyền thoại của quê mình, đó là Vĩ tuyến 17, là cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị… Lâm bảo; chính lịch sử của quê hương đã hun đúc anh sự khát khao và cố gắng trở thành người cán bộ trong lực lượng vũ trang từ khi còn mới cắp sách tới trường.
Còn nhớ, lần chúng tôi về quê Lâm khi đúng vào nắng lửa mùa hè. Những cơn gió Lào bỏng rát thổi rát ràn rạt, khô quắt cả mặt mày, Lâm cười bảo “đặc sản gió Lào Quảng Trị quê tui đó”. Anh bạn đi cùng cãi “gió Lào thì Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều có, đâu có phải riêng quê ông mà ông coi là đặc sản”. Lâm chống chế “cùng loại gió nhưng đến Quảng Trị nó khác nha, nó nóng hơn, rát hơn vì quê tui còn được coi là vùng đất lửa trong chiến tranh”. Biết có cãi cũng chẳng hơn với tay “kinh điển” nên anh em sà vào làng tìm chỗ tránh nắng.
Quê Lâm nghèo, nhà Lâm cũng chẳng lấy gì làm khá, ba mẹ sức khoẻ đã yếu cuộc sống lại chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi. Quê nghèo, nhưng cái chữ không thể nghèo, Lâm ham học, ham đọc, trở thành tấm gương cho đám học sinh làng noi theo. Người làng bảo, khi ở quê đi học Lâm thường bị ba mẹ mắng bởi vì… tội ham học. Đêm khi cậu thức đến 1-2 giờ sáng học bài, ba mẹ cậu lại tiếng to, tiếng nhỏ chỉ để con đi ngủ vì sợ nó học nhiều, thức khuya sinh đau ốm.
Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Lê Hoàng Việt Lâm trúng tuyển vào học Trường Đại học An ninh nhân dân (Trường Đại học ANNN). Trong suốt những năm ở giảng đường, Lâm luôn cố gắng hết mình để học tốt nhất. Lê Hoàng Việt Lâm luôn cố gắng học và thi đạt kết quả rất cao hầu hết các cuộc thi mà trường cũng như các đơn vị trong ngành tổ chức thi.
Trong 2 năm (2003, 2004), Lâm được nhận học bổng dành cho những sinh viên vượt khó, học giỏi của Hội sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2005 được nhận quỹ Khuyến học của Bộ Công an. Tấm gương Lê Hoàng Việt Lâm vượt khó học giỏi luôn trở thành câu chuyện truyền cảm hứng mà thầy cô giáo, phụ huynh ở Trường THPT Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị (nơi Lâm từng học cấp ba) kể cho các thế hệ học sinh của trường.
Năm 2006, tốt nghiệp chuyên ngành An ninh điều tra, Lê Hoàng Việt Lâm được Trường Đại học ANNN giữ lại làm giảng viên Khoa Mác - Lênin, nay là Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn của trường. Phân môn thầy giáo Lê Hoàng Việt Lâm đảm trách giảng dạy được các thế hệ học sinh, sinh viên xem là khó nhớ với một hệ thống quan điểm, khoa học trừu tượng. Nhưng mỗi lần đến tiết học của thầy Lâm thì nhiều sinh viên đùa với nhau “con muỗi bay qua cũng nghe vo ve”, vì học viên, sinh viên im lặng lắng nghe đến khi tiết hết lúc nào không biết. Lê Hoàng Việt Lâm truyền lửa cho người nghe trong mỗi bài giảng của mình. Biến một môn học khô khan, trừu tượng, khó thành những tiết học hấp dẫn.
Nhiều học viên khi nhắc đến thầy giáo Lê Hoàng Việt Lâm cũng bật hỏi “Lâm kinh điển” à. Đến tiết học, mỗi lần bước vào lớp việc đầu tiên thầy giáo Lê Hoàng Việt Lâm cho lớp trưởng đóng khoá cửa phòng lại và bắt đầu: điểm danh. Nhiều anh, chị đến lớp muộn một vài phút cũng chỉ biết đứng bên ngoài nhìn vào và ra về ghi bản kiểm điểm.
Trong tiết học, sinh viên nào nào không chú ý bài giảng, hay làm việc riêng, thầy Lâm lặng lẽ đi xuống đứng bên cạnh hỏi “Ngọc Trinh có đẹp không?”. Trả lời đẹp hay xấu thì cũng không bao giờ đúng ý thầy, bởi đó là cái cớ để thầy bắt sinh viên quay lại chú ý bài giảng, và tạo hứng khởi cho cả lớp về tiết học. Những câu hỏi bất ngờ, dí dỏm của thầy Lê Hoàng Việt Lâm luôn được sinh viên nhắc đến, bởi đó không chỉ là câu hỏi kiểu bông đùa mà nhiều khi từ câu hỏi và câu trả lời của sinh viên, gợi mở ra những nút thắt trong bài học mà thầy đang hướng tới.
Thầy giáo, Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm từng 2 lần được bình chọn là 1 trong 20 gương Thanh niên tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh (năm 2007 và 2008). Thầy Lâm cũng đã 2 lần được tuyên dương Giáo viên trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh (năm 2008 và 2009). Một trong những thành tích xuất sắc của thầy giáo Lê Hoàng Việt Lâm là anh luôn ẵm trọn các giải thưởng ở các cuộc thi. Anh cũng là giảng viên đang giữ kỷ lục về các giải thưởng với gần 60 giải thưởng liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy, tìm hiểu về Đảng, Đoàn, ngày Quốc khánh…
Cuộc thi “75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Lâm đạt giải nhì của Bộ Công an và giải ba của Trung ương; cuộc thi “60 năm nước CHXHCN Việt Nam”, Lê Hoàng Việt Lâm đã đạt giải ba của Bộ Công an, giải nhì khu vực thành phố Hồ Chí Minh và giải khuyến khích cấp Trung ương.
Được biết, trong cuộc thi Tìm hiểu “60 năm nước CHXNCN Việt Nam”, bài thi của Lê Hoàng Việt Lâm và 2 người bạn của mình đã đạt “kỷ lục” với khoảng 2000 trang, được Ban tổ chức ở các cấp đánh giá rất cao. Thành tích đạt các giải thưởng cao của Lê Hoàng Việt Lâm ở nhiều cuộc thi trước đó như: cuộc thi “Việt - Lào trong trái tim tôi”; cuộc thi tìm hiểu “55 năm truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam”; cuộc thi “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố anh hùng”; 4 lần thi hiểu biết về Triết học Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và đều có giải.
Chặn xe bắt cướp trên đường phố
Tối ngày 17/4, khi một số trang mạng xã hội đưa tin hình ảnh thầy giáo, Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm dùng xe ô tô chặn bắt cướp trên đường phố, một số học viên là học trò cũ của anh vào comment hóm hỉnh “khi tui đi học gặp thầy Lâm, thầy hỏi bài cho toát mồ hôi, giờ còn khiếp, cướp mà gặp thầy Lâm là xong rồi… he he”.
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 17/4, Trung tá, Tiến sỹ Lê Hoàng Việt Lâm, điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường Hồ Văn Huê, đến đoạn thuộc phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh thì thấy một số người đi đường đuổi theo một thanh niên và truy hô cướp, cướp.
Ngay trong tích tắc anh nhận định thanh niên đang phóng xe máy bỏ chạy vào đường ngược chiều là đối tượng cướp. Trung tá Lâm đã đánh tay lái cho ô tô ép đối tượng và xe máy lên lề đường. Đối tượng bất ngờ ngã xe xuống đường, và tiếp tục bỏ chạy. Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm xuống xe cùng người đi đường đuổi theo, khống chế bắt giữ tên cướp.
Tại Công an quận Phú Nhuận, nghi phạm cướp giật được xác định là Đặng Tuấn Cường (33 tuổi), trú quận Phú Nhuận. Cường thừa nhận vừa cướp giật điện thoại di động Iphone 12 của nữ sinh viên gần đó rồi bỏ chạy thì người dân truy hô, bắt giữ. Được biết, đối tượng Cường có 5 tiền án về cướp giật và đang nhiễm HIV.
Chiều ngày 21/4, gặp chúng tôi thầy Lê Hoàng Việt Lâm bảo “Mình đang uống thuốc phơi nhiễm HIV”. Cánh tay anh bị nhiều vết trầy xước; vẫn chưa hết đau âm ỉ. Lâm kể “khi đang điều khiển xe, nhìn thấy thanh niên phóng bạt mạng, phía sau người dân hô cướp cướp, với kinh nghiệm của một thầy giáo dạy ở trường Đại học ANNN mình nhận định đây chắc chắn là đối tượng, nên mình lách đầu xe ô tô chặn ép đối tượng lên vỉa hè. Tính toán sao để không húc thẳng vào đối tượng gây nguy hiểm tính mạng cho đối tượng, nhưng không để đối tượng thoát”.
Khi tên cướp bị đầu xe của Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm chèn ngã xuống, đối tượng bất ngờ vứt xe vùng dậy bỏ chạy. Ngay lúc này, Lê Hoàng Việt Lâm liền xuống xe và trực tiếp đuổi theo. "Vừa chạy, đối tượng vừa thò tay vào áo như có ý định rút "một vật gì đó" và hô "tao đâm mày chết", nhưng tôi vẫn kiên quyết lao vào tước hung khí và vật ngã tên cướp tại số nhà 154 Hồ Văn Huê. Sau đó, tôi được 3 người dân khác hỗ trợ khống chế, trói tay và gọi điện trình báo, bàn giao tên này cho công an phường 9, quận Phú Nhuận".
Cách dùng ô tô chặn đầu xe đối tượng và truy đuổi bắt đối tượng cướp của thầy giáo, Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm được nhiều người đi đường dùng điện thoại ghi hình lại như “phim hành động” trên đường phố. Khi đối tượng bị khống chế, nhiều người dân tỏ ra hết sức thán phục sự nhanh nhẹn, không quản hiểm nguy đối mặt với kẻ cướp giật của Lê Hoàng Việt Lâm.
"Sau khi khống chế tên cướp, nhiều người dân nhảy vào muốn "xử" hắn nhưng tôi đã can ngăn, chỉ trói đối tượng và bàn giao công an phường. Việc tên cướp bị khống chế, tôi và những người tham gia truy bắt vẫn an toàn, tôi rất vui và vẫn cảm thấy mình có chút may mắn khi truy bắt", anh nói.
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 3987 Trong tuần: 41131 Trong tháng 3989 Tất cả: 16153289