Chị tâm sự: “Nhiều lần, mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng như phòng xông hơi, mắt kính mờ đi, tôi như ngộp thở, như muốn gục xuống… Nhưng những vất vả, khó khăn đó nhanh chóng qua đi bởi nhiệm vụ chống dịch luôn là trên hết!”.
Một ngày đầu tháng 8/2020, tôi nhận được tin, đồng nghiệp của mình – người tôi từng tiếp xúc gần sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19. Chúng tôi được đưa xuống Bệnh viện Công an TP Hà Nội đóng tại Khu đô thị Văn Phú – Hà Đông (Hà Nội) để thực hiện cách ly theo quy định trong tâm trạng hoang mang, lo lắng.
19h20, tại khu vực dành cho người cách ly, đón chúng tôi là nữ nhân viên y tế vận trang phục bảo hộ màu xanh với chiếc kính chống giọt bắn kín mít – sau này tôi được biết đó là Đại úy Dương Thanh Loan, điều dưỡng Khoa Nội tổng hợp.
Đại úy Dương Thanh Loan (bên phải) cùng đồng nghiệp Thiếu úy Nông Thị Bưởi sau một ngày làm việc trong khu cách ly. |
Sau khi bố trí cho tôi ổn định trong khu vực cách ly tại tầng 4, chị căn dặn: “Ở đây thoáng mát lắm, nên em và mọi người cứ yên tâm theo dõi sức khỏe. Tuy nhiên, nhớ không được rời khỏi phòng, đi lại quanh khu cách ly đâu đấy!”. 20 phút sau, chị cùng đồng nghiệp gửi chúng tôi suất ăn tối (gồm mỳ tôm và sữa/người) rồi tranh thủ thu thập thêm thông tin có liên quan đến từng người cách ly trong nhóm chúng tôi.
Nhìn chị “tác nghiệp” trong trang phục “giấu mặt”, việc đi lại khó khăn, tôi thấy ở chị cùng các nhân viên y tế nơi đây sự vất vả và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng hồ điểm 22h30. Tôi nhận tin nhắn từ chị: “Phòng thoáng chứ em? Mọi người nhớ giữ gìn sức khỏe, thực hiện đúng quy định về cách ly tập trung nhé!”. Đêm đầu tiên ngủ tại điểm cách ly vì thế bớt đi phần lo lắng…
Những ngày sau, tôi có dịp được tiếp xúc, trò chuyện với Đại úy Loan cùng các nhân viên y tế Khoa Nội tổng hợp và bộ phận hậu cần – Khu cách ly, Bệnh viện Công an TP Hà Nội nhiều hơn. Dẫu các cuộc trò chuyện giữa tôi và chị đều diễn ra chóng vánh, song tôi hình dung phần nào đặc thù công việc của chị và mọi người.
Chị cho biết, tháng 2/2020, sau khi bệnh viện thành lập Khu cách ly tập trung để tiếp nhận, theo dõi sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh hoặc trở về từ vùng dịch COVID-19, chị cùng một số bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của Bệnh viện được giao nhiệm vụ phụ trách Khu cách ly.
Nhờ “khóa tập huấn” của các nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ một người chưa thuần thục với các thao tác phòng, chống dịch COVID-19, chị và đồng nghiệp đã thành thạo quy trình, việc bố trí địa điểm tiếp nhận cũng như: Thao tác theo dõi các trường hợp F1 cách ly, vệ sinh cá nhân, khử khuẩn khử trùng ở buồng đệm, cởi bỏ trang phục bảo hộ, thu gom rác thải của người cách ly v.v...
Công tác vô khuẩn trong phòng mổ đòi hỏi phòng mổ phải tuyệt đối vô trùng, không để ca mổ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhân viên y tế phải luôn khử trùng, khử khuẩn trước khi vào khu vực mổ. Nhưng đối với đối với việc theo dõi, cách ly các ca F1 – của bệnh COVID-19, quy trình ngược lại. Nhân viên y tế sau khi rời khu cách ly trở ra ngoài phải đảm bảo các yêu cầu về cởi bỏ trang phục bảo hộ y tế, phải được khử trùng - khử khuận trong buồng đệm.
Mục đích nhằm ngăn nguy cơ lây chéo dịch bệnh. Đây chính là lý do lý giải vì sao, để vào thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly, Đại úy Loan cùng đồng nghiệp luôn phải chú trọng và sử dụng một khoảng thời gian nhất định để thao tác, thực hiện.
Bên cạnh đó, chứng kiến hình ảnh chị với thân hình nhỏ bé vừa đảm nhận công việc phục vụ, theo dõi sức khỏe, phát khẩu trang phòng dịch, vừa cùng đồng nghiệp kiêm thêm “nghề” vận chuyển vật dụng, thực phẩm của các gia đình gửi cho người cách ly từ tầng 1 lên tầng 4, 5, 6 bằng cầu thang bộ, tôi thấy thật khâm phục.
Công việc của một điều dưỡng, nhân viên y tế trong các cơ sở y tế đã vất, tại cơ sở y tế tập trung các trường hợp F1, trở về từng vùng dịch, tiềm ẩn những nguy cơ xuất hiện nguồn dịch lại càng khó khăn hơn. Nhưng không vì thế mà chị cũng như đồng nghiệp - những chiến sĩ Công an “giấu mặt” trong khu cách ly nản lòng.
Đại úy Dương Thanh Loan tâm sự, hiện Khu cách ly có 44 phòng với 107 trường hợp được cách ly tập trung, trong khi quân số mỏng, do vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện, chị cũng như đồng nghiệp chủ động phân chia ca, kíp trực đảm bảo yếu tố chủ động trong quá trình tiếp nhận, theo dõi các trường hợp cách ly.
Có lẽ cũng chính vì số ca F1 trong đợt dịch COVID-19 tái bùng phát ngoài cộng đồng thời gian qua không ngừng tăng, nên việc bỏ bữa, đột xuất mặc trang phục bảo hộ y tế kín mít mặt, vội vã leo cầu thang bộ lên tầng 4, 5, 6 đã thành chuyện thường nhật. Thế nên, do ăn uống không điều độ, có thời điểm chị sụt liền 2-3kg.
Có trường hợp trong quá trình cách ly, mắc các chứng bệnh khác, chị cùng đồng nghiệp ngay lập tức liên hệ các cơ sở y tế chuyên khoa để phối hợp xử lý, chẩn trị.
Điển hình vào tháng 3/2020 vừa qua, trong số các trường hợp trở về từ Trung Quốc đến Bệnh viện Công an TP Hà Nội cách ly, có một phụ nữ mang thai 4 tuần. Hôm đó, người phụ nữ này bỗng đau bụng dữ dội, có nhiều biểu hiện động thai. Chị liền báo cáo lãnh đạo khoa cùng Ban Giám đốc bệnh viện. Không chút chậm trễ, chị và kíp trực đưa người phụ nữ trên đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám. Nhờ cấp cứu, điều trị kịp thời, người phụ nữ trên cùng thai nhi đã ổn định...
Dẫu có khó khăn, cường độ làm việc căng thẳng và mệt mỏi hơn so với ngày thường, nhưng nhờ sự động viên kịp thời của lãnh đạo bệnh viện, Khoa Nội tổng hợp và nhất là người chồng - cũng là “bác sĩ” tâm lý cuộc đời chị, chị đã tạm gác việc gia đình, khó khăn trước mắt sang một bên, rồi vượt qua tất cả.
Chị tâm sự, đã công tác tại bệnh viện được 18 năm và bản thân luôn tâm niệm rằng, trị “tâm bệnh” là một trong những yếu tố quan trọng giúp các trường hợp cách ly nói riêng và người bệnh nói chung ổn định tâm lý, giữ gìn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Có lẽ vì cử chỉ thân thiện, những lời nói, động viên tâm lý trực tiếp hoặc qua điện thoại của chị cũng như các nhân viên y tế, mà trong thời gian cách ly ở đây, tôi và nhiều trường hợp khác đã được chị và các đồng đội tiếp thêm niềm tin sức khỏe để nhanh chóng trở về với công việc thường ngày.
Và khi bài báo này đến tay bạn đọc, tại Bệnh viện Công an TP Hà Nội, Đại úy Dương Thanh Loan và các đồng đội, đồng nghiệp của mình vẫn đang lặng lẽ, âm thầm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Những vất vả và cả sự hy sinh thầm lặng của họ sẽ góp phần không nhỏ vào việc đẩy lùi ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Với sự chủ động, tận tình chăm sóc, theo dõi các trường hợp cách ly tập trung, bản thân chị và đồng nghiệp trong đơn vị cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi ngày 28/3/2020, Bệnh viện Công an TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. |
Nguồn: cand.com.vn
-
Untitled Document -
-
-
Đang online: 1 Hôm nay: 2587 Trong tuần: 43458 Trong tháng 294952 Tất cả: 17388509