CÔNG AN BẠC LIÊU
Luật Cảnh vệ (sửa đổi): Bảo đảm sự linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời (kỳ 1)
Cập nhật ngày: 9-09-2024
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 với 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 với những nội dung mới bảo đảm sự linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời trong công tác cảnh vệ.

Luật gồm 6 Chương, 33 Điều; trong đó, Luật sửa đổi bổ sung quy định ưu tiên đảm bảo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ, trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ; bổ sung đối tượng cảnh vệ và quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng và bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, cụ thể:

(1) Sửa đổi, bổ sung Điều 3

- Luật sửa đổi khoản 4 Điều 3 như sau: “4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ, cảnh vệ theo quy định của Luật này để phù hợp với quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

- Luật bổ sung quy định giải thích một số từ ngữ tại Điều 3, gồm: “Chế độ cảnh vệ”, “Kiểm tra an ninh, an toàn”, “Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống”, “Sử dụng thẻ, phù hiệu". Do các cụm từ trên thuộc các thuật ngữ chuyên ngành của lực lượng Cảnh vệ, được nhắc lại nhiều lần trong dự thảo Luật do vậy cần có giải thích cụ thể để thống nhất thực hiện.

(2) Bổ sung thêm 01 khoản tại Điều 6, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 6 về: “Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ”.

(3) Sửa đổi, bổ sung Điều 10

- Luật quy định sửa đổi, bổ sung câu dẫn của khoản 1 để phù hợp với quy định Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị; bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sửa đổi, sử dụng thuật ngữ “Ủy viên Ban Bí thư” thay cho thuật ngữ “Bí thư Trung ương Đảng” để thống nhất với Điều 17 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế theo đề nghị của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.

- Luật quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể: “đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều này tham dự.”

- Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để phù hợp với công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.

(4) Sửa đổi, bổ sung Điều 11

- Tách Điều 11 thành 02 Điều luật: Điều 11 quy định về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Điều 11a quy định về biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Quy định nguyên tắc áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp một người vừa giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng vừa giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (còn tiếp).

Hồng Giang

Các tin khác