CÔNG AN BẠC LIÊU
Phổ biến, quán triệt các luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Cập nhật ngày: 22-08-2024
Ngày 20/8, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt các luật do Bộ Công an chủ trì hoặc đồng chủ trì soạn thảo được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương.
Tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu, dự hội nghị có Đại tá Trương Công Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh và đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh.
 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Bạc Liêu
         
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, theo chương trình, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV thông qua 09 luật, 02 nghị quyết; trong đó, tại Kỳ họp thứ 7, đã thông qua 04 luật do Bộ Công an chủ trì hoặc đồng chủ trì soạn thảo, bao gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp… Đây là các luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
 

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an)
         
Tại hội nghị, đại diện Công an các đơn vị gồm: Cục Cảnh sát giao thông; Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của các luật. Hội nghị lần này, nhằm phổ biến, tuyên truyền toàn diện, sâu sắc nội dung các chính sách cơ bản của 04 luật đã được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua và những vấn đề cần lưu ý khi triển khai thực hiện, đặc biệt là những điểm mới, quan trọng để quán triệt đến Công an các đơn vị, địa phương…
         
Theo đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều, gồm những nội dung cơ bản như: quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”; bổ sung quy định đấu giá biển số xe để phù hợp với các quy định hiện hành về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Luật cũng bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để tăng cường quản lý người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, tác động đến hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe. Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các hạng giấy phép lái xe, bổ sung quy định Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ. Đồng thời, phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó Bộ Công an là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
         
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều, với những nội dung cơ bản: Bổ sung quy định ưu tiên đảm bảo phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ. Bổ sung đối tượng cảnh vệ và quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng và bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ…
         
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gồm 8 chương, 75 điều với các nội dung cơ bản: Bổ sung quy định về dao có tính sát thương cao, trường hợp sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật được xác định là vũ khí quân dụng, trường hợp sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ được xác định là vũ khí thô sơ; trường hợp sử dụng với mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải là vũ khí. Đồng thời, bổ sung giao Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao; bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ. Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thống nhất với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Sửa đổi, bổ sung cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.
         
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều với các chính sách cơ bản: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Huy động nguồn lực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp./.        

Văn Bào

Các tin khác