CÔNG AN BẠC LIÊU
Đoàn khảo sát chuyên đề của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khóa XV làm việc tại tỉnh Bạc Liêu
Cập nhật ngày: 25-08-2022, lượt xem: 59
Ngày 23/8, Đoàn khảo sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” của Ủy ban Văn hoá, giáo dục (UBVHGD) của Quốc hội khoá XV do đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm UBVHGD của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bạc Liêu.

Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 18 ngàn trường hợp trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó: Té, ngã hơn 3000 trẻ; tai nạn giao thông hơn 6000 trẻ; bỏng 234 trẻ; súc vật cắn, đốt hơn 3000 trẻ; ngộ độc các loại và tai nạn khác hơn 5000 trẻ; tai nạn đuối nước 53 trẻ.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động - TB&XH tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện lồng ghép, đa dạng hóa hình thức truyền thông đến từng địa bàn, đối tượng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tầm quan trọng trong vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 500 lớp dạy bơi cho hơn 12.000 trẻ em. UBND tỉnh chỉ đạo đưa môn bơi vào nội dung thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh, nhằm khuyến khích các em tập luyện, rèn luyện kỹ năng nơi an toàn, góp phần thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên tình hình tai nạn thương tích của trẻ em vẫn còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ và diễn biến phức tạp. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích xuất phát từ nhiều nguyên nhân như điều kiện tự nhiên của tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện; một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan không thường xuyên chú ý, giám sát trẻ; việc trang bị kỹ năng xử lý tình huống thoát nạn, cứu nạn cho trẻ em chưa được sâu rộng; các phong trào, hoạt động sân chơi cho trẻ còn ít, chưa phát huy hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Trao đổi tại buổi làm việc, Đoàn công tác UBVHGD của Quốc hội đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành, đoàn thể tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Đoàn cũng góp ý tỉnh Bạc Liêu nên có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm những mô hình hay cách làm sáng tạo từ đó nhân rộng trong phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là vào các dịp hè.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã bổ sung làm rõ thêm một số nội dung mà Đoàn công tác đặt ra như: Tỷ lệ ngân sách địa phương dành cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em; cơ chế chính sách đối với cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đuối nước trẻ em.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm UBVHGD của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Bạc Liêu trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần phân tích nguyên nhân để từ đó có giải pháp phòng tránh hiệu quả nhất; tăng cường hơn nữa nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các văn bản của Trung ương về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; chú trọng trang bị kỹ năng bơi, kỹ năng cứu người khi đuối nước; làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em; quan tâm bố trí nguồn lực về con người, cơ sở vật chất thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Nguồn: baclieu.gov.vn

Các tin khác