CÔNG AN BẠC LIÊU
Đánh giá kết quả thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 20-04-2022, lượt xem: 102
Ngày 19/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021.

Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam; Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh; Đỗ Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam; Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn; cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh.

Trong 4 năm qua (2018 - 2021), dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội trên địa tỉnh Bạc Liêu nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thực hiện tốt 16 chương trình tín dụng và đã cho vay 83.858 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 2.200 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 2.370 tỷ đồng với 88.414 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 26,8 triệu đồng/khách hàng, tăng 6,4 triệu đồng so với ngày 30/9/2018. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh đến đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể: đã giải ngân 1.186 tỷ đồng, giúp trên 43.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất - kinh doanh, góp phần giảm gần 8.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 4,3% (cuối năm 2018) giảm xuống còn 0,37% vào cuối năm 2021; giảm 8.191 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,58% (cuối năm 2018) xuống còn 1,45% vào cuối năm 2021. Đồng thời, giải ngân 317 tỷ đồng để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 11.000 lao động; cho vay trên 326 tỷ đồng cho trên 10.300 hộ thuộc các xã vùng khó khăn có vốn để sản xuất - kinh doanh; cho vay 256 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng được trên 28.400 công trình nước sạch và cầu vệ sinh ở khu vực nông thôn; giúp trên 1.800 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải một phần chi phí sinh hoạt và học tập; cho 488 hộ nghèo vay trên 12 tỷ đồng để xây nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...

Hoạt động tín dụng chính sách tại Bạc Liêu đã phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo đời sống cho Nhân dân. Đồng thời, huy động được lực lượng đông đảo với hàng chục ngàn người cùng tổ chức thực hiện. Ngân hàng CSXH tỉnh từng bước thực hiện củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường, thị trấn rà soát đối tượng vay vốn để đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng và thực hiện tốt Chương trình tín dụng ưu đãi phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo các ngành và Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các huyện, thị, thành phố chủ động thực hiện và chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, nhất là cấp xã thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm, các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm “Nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tạo tiền đề mở rộng tín dụng bền vững”. Để phát huy hiệu quả và bảo tồn nguồn vốn, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã phải thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa, phải quyết tâm, quyết liệt hơn trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn...

Hội nghị cũng nghe các Hội, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở có ý kiến thảo luận về việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng CSXH trong thời gian tới.

Theo đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam - Dương Quyết Thắng đề nghị tỉnh Bạc Liêu rà soát kỹ đối tượng vay để hỗ trợ bà con thoát nghèo bền vững; tăng cường vốn Trung ương hỗ trợ các đối tượng khó khăn; thực hiện vốn ủy thác và thu hồi vốn tốt; quan tâm các tổ tiết kiệm, các tổ chức đoàn thể xã hội. Đồng thời hướng dẫn bà con cách làm ăn, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam cho rằng: Năm 2022 và thời gian tới, mong Ngân hàng CSXH Việt Nam tiếp tục tăng nguồn vốn cho tỉnh Bạc Liêu nhiều hơn, vì Bạc Liêu vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nợ quá hạn của tỉnh cao, cần phải giảm xuống không quá 2%. Một số địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn khá cao, Tỉnh ủy sẽ quan tâm, khi đi làm việc với các huyện, thị, thành phố sẽ có thêm nội dung này. UBND tỉnh cần có các buổi làm việc với các địa phương và chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác này…


Nguồn: baclieu.gov.vn

Các tin khác