CÔNG AN BẠC LIÊU
Ủy ban Xã hội của Quốc hội lấy ý kiến Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Bạc Liêu
Cập nhật ngày: 16-03-2022, lượt xem: 40
Chiều ngày 15/3/2022, tại hội trường Huyện ủy Phước Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Ủy ban xã hội của Quốc hội khóa XV và HĐND - UBND huyện Phước Long tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Nguyễn Huy Thái - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu phát biểu khai mạc Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng chủ trì hội nghị cùng với ông Nguyễn Huy Thái - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Về cấp huyện có ông Nguyễn Chí Thiện, Bí thư huyện ủy Phước Long đồng chủ trì. Tham gia hội nghị còn có đại diện Văn phòng Quốc hội; Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành của tỉnh Bạc Liêu và huyện Phước Long.

Theo báo cáo thống kê số liệu các vụ bạo lực gia đình của các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu từ năm 2008 đến nay, tổng số vụ bạo lực gia đình đã xảy ra là 4.231 vụ, trong đó năm 2009 là 1.101 vụ; năm 2010 là 778 vụ; năm 2011 là 651 vụ, năm 2012 là 429, năm 2013 là 408 vụ, năm 2014 là 400 vụ, là 139 vụ, năm 2016 là 119 vụ, năm 2017 là 89 vụ, năm 2018 là 37 vụ,  năm 2019 là 35 vụ; năm 2020 là 28 vụ; năm 2021 là 17 vụ. Riêng huyện Phước Long từ năm 2008 đến nay xảy ra 328 vụ, trong đó bạo lực tinh thần là 128 vụ, bạo lực thân thể là 109 vụ, tình dục 6 vụ và kinh tế là 85 vụ.

Nguyên nhân tình trạng bạo lực gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau; đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới; nhưng trên thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra là những gia đình mắc vào tệ nạn cờ bạc, rượu chè, tệ nạn nghiện ngập ma túy, hoàn cảnh gia đình túng thiếu, khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ngoại tình, phần lớn là do sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp dẫn đến gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột không thể hàn gắn...

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu kết luận hội nghị.

Bí thư huyện ủy Phước Long - ông Nguyễn CHí Thiện tặng quà lưu niệm đến Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh đề cương gợi ý của Đoàn công tác của Quốc hội. Đó là một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) từ năm 2008 đến nay tại tỉnh Bạc Liêu nói chung và huyện Phước Long nói riêng. Tình hình BLGĐ nói chung, tình hình BLGĐ trong thời gian dịch COVID-19. Kết quả thực hiện Luật, công tác phòng ngừa BLGĐ, hoạt động bảo vệ và hỗ trợ trong PCBLGĐ. Đặc biệt quan tâm đến số lượng người có hành vi bạo lực gia đình được tư vấn về gia đình ở cơ sở tập trung, được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Số vụ việc được tiến hành hòa giải, xử lý hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự từ năm 2008 đến nay. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, số lượng địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, nhà tạm lánh, cơ sở trợ giúp nạn nhân trên địa bàn...

Các đại biểu còn đóng góp ý kiến liên quan đến việc mở rộng đối tượng người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, trẻ em có cần là một đối tượng được quy định cụ thể trong luật PCBLGĐ hay không? Hành vi BLGĐ nào cần bổ sung hành vi BLGĐ nào để phù hợp với đặc thù của địa phương? Việc sửa đổi các quy định về tư vấn, hòa giải; việc bổ sung quy định giảng hòa về PCBLGĐ. Việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình tái diễn. Vấn đề hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình cai nghiện rượu, bia hoặc các chất gây nghiện khác. Các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, trong đó có việc bổ sung quy định “Yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã”.

Thông qua Hội nghị lấy ý kiến, Quốc hội mong muốn nắm bắt thông tin về việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở. Đồng thời, tạo diễn đàn cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với Dự án Luật PCBLGĐ (sửa đổi), làm cơ sở để Ủy ban Xã hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật.




Nguồn: baclieu.gov.vn
Các tin khác