CÔNG AN BẠC LIÊU
Hiệu quả từ Mô hình “Dân vận khéo” trong công tác xây dựng thế trận lòng dân về ANTT của Công an tỉnh Bạc Liêu
Cập nhật ngày: 30-12-2016
Trên cơ sở quán triệt Kế hoạch số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu về “Xây dựng mỗi đảng viên là tuyên truyền viên hạt nhân ở cơ sở; xây dựng mỗi đoàn viên, hội viên thành lực lượng tuyên truyền viên xung kích ở cơ sở”, Công an tỉnh đã cụ thể hóa thành Kế hoạch số 33 ngày 30/6/2013 về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giúp đỡ hộ dân cư phục vụ chuyển hóa địa bàn, xây dựng thế trận lòng dân về ANTT”, với mục đích: nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức tư tưởng và hành động, qua đó để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự; vận động các hộ dân cư xây dựng gia đình văn hóa, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó trọng tâm là số đối tượng có tiền án, tiền sự, số có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tạo bước đột phá trong công tác Công an về “Xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư”, nhằm chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở; góp phần đảm bảo ổn định ANCT, TTATXH trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là mô hình “Dân vận khéo” của Công an tỉnh Bạc Liêu đã được UBND tỉnh chọn báo cáo điển hình tại hội nghị thi đua cụm Tây Nam bộ tại tỉnh Trà Vinh năm 2015.
 

Đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
 
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Công an tỉnh đã tổ chức triển khai quán triệt thực hiện trong toàn thể cán bộ chiến sĩ. Ban chỉ đạo đã chọn mỗi huyện, thị xã, thành phố từ 01 đến 02 xã, phường, thị trấn phức tạp về ANTT để làm điểm chỉ đạo. Phân công các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Công an các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch tại các điểm chỉ đạo trên địa bàn toàn tỉnh gồm: Phường 1 và xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu); xã Vĩnh Hậu A (huyện Hoà Bình); thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi); thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân); thị trấn Phước Long (huyện Phước Long); thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải); Phường 1 và phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai).

Qua ba năm triển khai tổ chức thực hiện (2013 - 2016), với sự tham gia của 1.115 cán bộ đảng viên trong và ngoài ngành Công an từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn ở từng khu vực dân cư, trong đó đã tranh thủ được các vị chức sắc trong tôn giáo và người có uy tín trong dân tộc cùng tham gia cảm hóa giáo dục đối tượng. Đã có 1.678 đối tượng được đưa vào diện quản lý, giáo dục, giúp đỡ là các đối tượng đã từng vi phạm các hành vi như: Gây rối TTCC: 573 đối tượng; Đánh bạc 523; Trộm cắp tài sản: 291; Ma tuý 132; Cố ý gây thương tích 42; Khiếu kiện vượt cấp 21 đối tượng; và một số vi phạm khác.

Với biện pháp cụ thể như: lực lượng Công an xã, phường, thị trấn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp chủ động xây dựng kế hoạch tác động chuyển hóa đối tượng; chọn các cán bộ, đảng viên được phân công giúp đỡ đối tượng phải là những người có uy tín, có khả năng, kinh nghiệm trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ từng đối tượng. Tiến hành gặp gỡ tiếp xúc từng đối tượng để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương và của ngành Công an. Vận động đối tượng cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội. Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, phổ biến về tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khóm ấp, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự; tư vấn việc làm; hướng dẫn, bảo lãnh cho vay vốn, vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ tạo việc làm cho những đối tượng đã từng lầm lỗi, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti để họ trở thành công dân lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội.
 

Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị
         
Trong 03 năm qua, các đơn vị, địa phương đã trực tiếp gặp gỡ tiếp xúc tuyên truyền giáo dục được 24.736 lượt đối tượng, mời giáo dục răn đe 245 đối tượng; tiến hành hỗ trợ được 187 đối tượng, với tổng số tiền gần 900 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND tỉnh và vận động các mạnh thường quân, trích lương CBCS đóng góp.
         
Kết quả, đã có 1.006/1.678 đối tượng có chuyển biến tốt, tích cực (chiếm tỷ lệ 59,95%) được Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận tiến bộ, đưa ra khỏi diện giáo dục. Số đối tượng chưa chuyển biến tốt, đang tiếp tục giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ: 422/1.678 đối tượng (chiếm tỷ lệ 25,14%). Đối tượng đã tái phạm: 73 đối tượng (chủ yếu là đối tượng phạm tội ma túy và trộm cắp tài sản). Tham mưu cấp ủy, chính quyền công nhận thoát nghèo cho 37 hộ gia đình đối tượng.
         
Thông qua công tác tuyên truyền vận động có 545 đối tượng thuộc hộ gia đình ký cam kết thực hiện và đã đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; có 25 đối tượng tham gia vào các tổ chức quần chúng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở như: Tổ tự quản bến xe honda đầu; Tổ an ninh nhân dân; Đội dân phòng và mô hình Tự quản tuyến kinh an toàn về an ninh trật tự, đồng thời cung cấp 363 nguồn tin có giá trị giúp cho lực lượng trong công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý tội phạm.

Với cách làm mang tính nhân văn sâu sắc ấy, nhiều mảnh đời một thời lầm lỡ đã được giác ngộ, ăn năn hối cải, sống hướng thiện hơn, tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ lực lượng Công an trong phát hiện, tố giác tội phạm. Qua đó, tạo được niềm tin và hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng người dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên trong và ngoài ngành Công an góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT ở cơ sở./.
                                                                       
Nguyễn Thị Phương Khanh
Các tin khác