Kết thúc cuộc đối thoại an ninh 2+2 giữa Mỹ và Nhật Bản ở Washington ngày 11/1, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada của Nhật Bản cùng những người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin đã nhất trí tối ưu hóa liên minh Nhật – Mỹ nhằm đối phó với các thách thức an ninh nghiêm trọng mà hai nước đang phải đối mặt. Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp, các Bộ trưởng hai bên tuyên bố “tầm nhìn về một liên minh sẵn sàng chiếm ưu thế trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới”.
Trong môi trường tranh chấp ngày càng gay gắt, “tư thế tiến công của các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản nên được nâng cấp thông qua bố trí các lực lượng linh hoạt và cơ động, cùng với thông tin tình báo, giám sát, trinh sát cũng như năng lực chống hạm và vận tải tăng cường”, tuyên bố chung có đoạn, theo Reuters. Các Bộ trưởng của hai nước cũng thảo luận khả năng kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, điều khoản phòng thủ chung của hiệp ước trong trường hợp các cuộc tấn công tới, từ hoặc trong không gian.
Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các Bộ trưởng chia sẻ quan điểm “Trung Quốc là thách thức chiến lược chung lớn nhất mà Mỹ và Nhật Bản cũng như các đồng minh và đối tác phải đối mặt” trong bối cảnh hiện nay. Thêm vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng công bố kế hoạch thành lập một Trung đoàn Duyên hải Thủy quân lục chiến tại Nhật Bản để đối phó với môi trường an ninh ngày càng nhiều thách thức. Đơn vị này dự kiến chính thức ra mắt vào năm 2025, đóng tại đảo Okinawa, miền Nam Nhật Bản.
Mặc dù tổng số binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản được cho là sẽ không thay đổi, nhưng đợt triển khai mới có thể là bước đầu tiên trong số các hành động mà Washington dự kiến tiến hành nhằm răn đe với Bắc Kinh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản được đưa ra sau gần một năm đàm phán cũng như sau khi Tokyo hồi tháng trước tuyên bố chiến dịch tăng cường quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, một bước chuyển đáng chú ý sau nhiều thập kỷ theo chủ nghĩa hòa bình. Kế hoạch 5 năm của Nhật Bản sẽ tăng ngân sách cho quốc phòng lên 2% GDP, đầu tư cho việc mua thêm tên lửa tấn công tàu hoặc mục tiêu trên đất liền cách xa đến 1.000km. Ngoại trưởng Mỹ đánh giá cao sự “chuyển mình” của Nhật Bản trong chính sách quốc phòng. Hiện có khoảng 54.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật Bản, trong đó có 18.000 binh sĩ Thủy quân lục chiến chủ yếu đóng tại Okinawa.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Anh Rishi Sunak đã ký một thỏa thuận quốc phòng “mang tính bước ngoặt” ngày 11/1 tại London, cho phép cả hai nước triển khai lực lượng trên lãnh thổ của nhau. “Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng” (RAA) được coi là hiệp ước quốc phòng quan trọng nhất giữa London và Tokyo trong hơn một thế kỷ qua, sẽ “tăng tốc nhanh chóng” hợp tác quốc phòng và an ninh vốn đã phát triển giữa hai nước. Trong khuôn khổ thỏa thuận, các lực lượng của hai nước có thể lên kế hoạch và tiến hành tập trận, triển khai quân trên quy mô lớn hơn và phức tạp hơn. Thỏa thuận cũng quy định quyền tài phán trong trường hợp quân nhân nước này phạm tội hoặc gây ra tai nạn ở nước còn lại.
Đây là thỏa thuận quân sự đầu tiên của Tokyo với một quốc gia châu Âu. Trước đó, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận tương tự với Australia sau nhiều năm đàm phán. Cả hai thỏa thuận vẫn phải được Quốc hội của các nước phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Văn phòng của Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận RAA sẽ được trình trước Quốc hội của Nhật Bản và Anh “trong những tuần tới”. Ông Sunak nhấn mạnh thỏa thuận “có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả hai quốc gia, củng cố cam kết của hai bên đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và nhấn mạnh những nỗ lực chung nhằm củng cố an ninh kinh tế, thúc đẩy hợp tác quốc phòng và thúc đẩy đổi mới nhằm tạo ra việc làm có tay nghề cao”. Bộ Ngoại giao Nhật Bản gọi thỏa thuận là một bước đột phá, nhấn mạnh “thỏa thuận an ninh quan trọng này sẽ đưa sự hợp tác giữa Nhật Bản và Anh trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng lên một tầm cao mới” và “mang lại tiến bộ hơn nữa trong việc biến một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thành hiện thực”.
Cuộc đối thoại 2+2 cũng như việc ký kết RAA diễn ra sau khi nội các Nhật Bản thông qua bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia và hai văn kiện quan trọng khác về quốc phòng, trong đó khẳng định Nhật Bản cần sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả như một biện pháp tự vệ tối thiểu”. Việc ký kết RAA cũng thể hiện sự quan tâm của Tokyo trong củng cố mối quan hệ an ninh với nhiều quốc gia đối tác trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nhiều biến động như hiện nay, theo các chuyên gia.
Anh là điểm dừng chân thứ ba trong chuyến công du 5 nước của Thủ tướng Nhật Bản Kishida, nhằm mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 21/5 tại TP Hiroshima. Trước đó, ông Kishida đã đến thăm Italy và Pháp. Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có chuyến thăm chính thức đến Mỹ đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021 để hội đàm với Tổng thống Joe Biden ở Washington vào ngày 13/1. Theo các chuyên gia, trọng tâm trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ - Nhật sẽ là vấn đề an ninh và kinh tế toàn cầu. Ông Kishida cũng sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau khi đến thăm nước này trong một vài ngày tới.
Nguồn: cand.com.vn