CÔNG AN BẠC LIÊU
Châu Âu đặt niềm tin vào khuôn khổ hợp tác mới
Cập nhật ngày: 7-10-2022, lượt xem: 70
Hơn cả một kênh đối thoại đầy triển vọng, Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) với hội nghị đầu tiên diễn ra ngày 6/10 được mong mỏi sẽ là khởi điểm cho khuôn khổ hợp tác mới nhằm giải quyết các thách thức chung và củng cố an ninh, ổn định và thịnh vượng tại châu Âu, trong bối cảnh lục địa "già" đang chìm trong khủng hoảng.

Việc các nhà lãnh đạo của 44 quốc gia châu Âu cùng tham gia hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) diễn ra tại thủ đô Praha, Cộng hòa Czech, theo Reuters, cho thấy nỗ lực của các quốc gia trong việc tìm kiếm tương lai và định hướng chung cho các hoạt động tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU).

qt.jpg -0
Hội nghị đầu tiên của EPC được hiện thực hóa sau 6 tháng kể từ khi ý tưởng này được đề xuất tại Nghị viện châu Âu. Ảnh: AA

Cần phải nói thêm rằng, EPC là "đứa con tinh thần" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được đề xuất ngày 9/5 tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. Điểm đặc biệt của EPC chính là việc cung cấp nền tảng đối thoại và hợp tác chính trị cho các quốc gia thuộc EU và cả những ứng viên mong muốn gia nhập liên minh này. Được lên kế hoạch tổ chức 6 tháng một lần, mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh EPC lần này là "tiến hành một cuộc thảo luận chính trị về các vấn đề chiến lược liên quan đến lợi ích chung cho châu Âu, trong đó trọng tâm sẽ là cuộc xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng và tình hình phát triển kinh tế".

Trước thềm hội nghị, một nhà ngoại giao EU cho biết sự tập hợp của rất nhiều nhà lãnh đạo châu Âu ở Praha sẽ gửi "tín hiệu mạnh mẽ" tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về sự phản đối mạnh mẽ chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này đang triển khai tại Ukraine cũng như những hệ lụy mà nó gây ra.

Đáng chú ý, hội nghị EPC diễn ra ngay trước hội nghị không chính thức lãnh đạo các nước EU, nơi mà nhiều quyết sách của EU sẽ được thông qua. Trên thực tế, nhiều năm qua, EU vẫn chưa có sự đầu tư đủ mạnh vào các nước lân cận ngoại khối. Vì lẽ đó, EPC có thể trở thành một diễn đàn mở cho toàn bộ các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy đầu tư hợp tác và là nơi hoạch định chính sách, tăng cường kết nối, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong châu Âu.

Quan trọng hơn, giới quan sát nhận định, châu Âu đang thiếu vắng một diễn đàn quy tụ lãnh đạo các quốc gia của lục địa già, và đây là thời điểm phù hợp để tạo nên một diễn dàn chung như vậy, khi cả lục địa đang phải vật lộn với những hệ lụy do chiến sự Nga – Ukraine gây ra, bao gồm cả mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và một cuộc khủng hoảng năng lượng tàn phá nền kinh tế.

Trên hết, EPC được xây dựng dựa trên nội dung cuộc họp Hội đồng châu Âu vào tháng 6, nơi các thành viên EU nhất trí rằng việc mở rộng thảo luận tới các đối tác trong châu Âu khác là cần thiết vì lợi ích của khối, khi khó khăn đang đối mặt không chỉ giới hạn ở các quốc gia thành viên EU, mà là trên khắp lục địa.

Steven Blockmans, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu (CEPS), nhận định việc thúc đẩy tổ chức hội nghị EPC báo hiệu rằng có "những vấn đề đã vượt qua các tranh chấp song phương và liên quan đến tương lai của an ninh toàn châu Âu”. Một tuyên bố chính thức hoặc kết luận chính thức dự kiến sẽ không được đưa ra sau hội nghị đầu tiên của EPC.

Thay vào đó, EPC chào đón những quan điểm cởi mở nhất và trao đổi đa dạng nhất về quan điểm từ các nhà lãnh đạo, một mặt để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, một mặt để định hình cách thức hoạt động và hiệu quả hoạt động của khuôn hổ mới này. 

Nhìn vào danh sách 44 quốc gia tham gia hội nghị EPC đầu tiên, có thể thấy việc thành lập EPC là tiền đề trong việc chuẩn bị cho sự hội nhập của các ứng cử viên gia nhập EU cũng như ngăn chặn sự rút lui của các quốc gia thành viên như trường hợp Brexit. Ngoài 27 thành viên EU, hội nghị EPC chào đón sự tham gia của sáu quốc gia Tây Balkan, các quốc gia của “Bộ ba liên kết”, Armenia và Azerbaijan, bốn quốc gia EFTA và cuối cùng là Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Các chủ đề được đặt lên bàn nghị sự bao gồm an ninh, hòa bình, năng lượng, khí hậu và tình hình kinh tế.

Nổi bật, trong lá thư mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, thông điệp của EPC được thể hiện đầy tinh tế, trong đó nêu rõ: “Những hậu quả nghiêm trọng từ cuộc chiến của Nga ảnh hưởng đến các nước châu Âu trên nhiều mặt, chúng tôi đã đồng ý thành lập Cộng đồng Chính trị châu Âu với mục đích tập hợp các nước trên lục địa châu Âu lại với nhau và cung cấp một nền tảng cho hợp tác chính trị.

Tham vọng của EPC là đưa các nhà lãnh đạo xích lại gần nhau trên cơ sở bình đẳng, thúc đẩy đối thoại chính trị và hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm, để chúng ta cùng nhau củng cố an ninh, ổn định và thịnh vượng của châu Âu nói chung”. Các nhà phân tích tin tưởng, thông điệp này bộc lộ rõ quyết tâm của EU trong việc tăng cường sức ảnh hưởng và mở rộng sự đối thoại, vì mục tiêu vượt qua khủng hoảng và bảo vệ giá trị cốt lõi của mình.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác