Với 99,5% phiếu đã kiểm, ông Lula Da Silva đạt được 48,3% phiếu, ông Bolsonaro được 43,3% phiếu bầu. Như vậy, ông Lula Da Silva là người chiến thắng nhưng không đủ tỉ lệ quá bán nên cuộc bầu cử phải bước vào vòng 2 để quyết định chiến thắng thuộc về ai.
Ông Lula Da Silva, đồng sáng lập đảng Công nhân (PT), là vị tổng thống cánh tả tiêu biểu nhất của Brazil. Sau 3 lần tranh cử thất bại, ông đã giành chiến thắng lần đầu trong cuộc bầu cử năm 2002, nhậm chức vào đầu năm 2003, tái cử nhiệm kỳ 2 và lãnh đạo đất nước đến năm 2010.
Giai đoạn 8 năm lãnh đạo của ông được xem là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Brazil xét về nhiều mặt, từ kinh tế, xã hội, chính trị và nhất là vị thế của Brazil trên trường quốc tế đã tăng lên đáng kể. Về kinh tế, một năm sau khi ông lên nắm quyền, trao đổi ngoại thương của Brazil lần đầu tiên có thặng dư, với con số khiêm tốn là 29 tỷ USD.
Những chương trình an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Lula Da Silva suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống và là dấu ấn nổi bật nhất của ông. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông đưa ra chương trình an sinh xã hội lớn mang tên “Fome Zero” (Không ai bị đói). Đây là một chương trình tổng thể bao gồm một số chương trình nhỏ để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, tất cả đều nhằm mục tiêu chung là xóa nạn đói ở Brazil, như chương trình xây hồ, bể chứa nước mưa tại các vùng khô cằn, thiếu nước nước sinh hoạt, chương trình gia tăng hiệu quả “nông nghiệp gia đình”, chương trình phân phát tiền mặt cho những hộ gia đình nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống để giúp họ trang trải nhiều thứ, từ sinh hoạt hằng ngày đến giáo dục, y tế,...
Về đối ngoại, chính sách thiên tả thực dụng của ông đặt đất nước Brazil vào vị thế vừa là đồng minh “vừa phải” của các quốc gia thiên tả trong khu vực và trên thế giới, vừa là một đối tác có thể “chơi được” của các quốc gia theo đường lối của Mỹ và phương Tây. Về cơ bản, Brazil của ông Silva đứng về phía các quốc gia đối đầu với Mỹ nhưng đồng thời cũng sẵn sàng đối thoại với Mỹ và các đồng minh.
Với sự phát triển mạnh về kinh tế và theo đuổi một chính sách đối ngoại đa phương, cởi mở, Brazil từ một quốc gia đang phát triển ở mức trung bình đã vươn lên nhóm quốc gia dẫn đầu. Brazil tham gia sáng kiến nhóm 4 quốc gia đang phát triển bậc cao, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC), đến tháng 12-2010 mời thêm Nam Phi thành nhóm 5 nước BRICS. Tiếng nói của các thành viên nhóm BRICS ngày càng có giá trị và có ảnh hưởng mạnh trong nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, đặc biệt là trong vấn đề khí hậu, bảo vệ môi trường.
Sau khi chuyển giao quyền lực cho người kế tục là bà Dilma Rousseff, ông Lula Da Silva dự định quay trở lại nắm quyền để giải quyết những bất ổn nghiêm trọng trên chính trường do tình trạng tham nhũng tràn lan bị phanh phui bởi cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn mang tên “Rửa Xe” (Car Wash), cũng như những khó khăn về kinh tế, xã hội đang khiến đất nước Brazil bị chững lại, đà phát triển đã bị trì trệ. Tuy nhiên, khi ông đang chuẩn bị cho sự quay trở lại thì bị cáo buộc tham nhũng, bị đẩy vào tù ngay trước thềm cuộc bầu cử năm 2018, từ đó tạo cơ hội cho ông Bolsonaro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và lên nắm quyền. Sau gần 3 năm ngồi tù, ông Lula Da Silva được xóa án, trả tự do và tiếp tục hoạt động chính trị. Ngay lập tức, ông lên kế hoạch cho sự trở lại, lần này là để chấn chỉnh toàn diện đất nước Brazil sau thời gian dài dưới chính sách cực hữu của ông Bolsonaro và các đồng minh.
Ngược lại, chính sách cực hữu của ông Bolsonaro đã đi ngược lại các tiêu chuẩn dân chủ, gây bất ổn xã hội và phá hoại uy tín quốc tế của Brazil. Qua 4 năm điều hành đất nước, ông Bolsonaro bị cáo buộc đã tàn phá môi trường và xử lý sai một cách thảm khốc dịch bệnh COVID-19 bằng cách phá hoại các nỗ lực tiêm chủng, từ đó làm cho gần 700.000 người Brazil phải chết vì dịch bệnh. Là một cựu đội trưởng quân đội, ông Bolsonaro cổ súy thứ văn hóa bạo lực trong xã hội, ủng hộ việc sở hữu vũ khí (súng) trong xã hội, tạo mầm mống bạo lực nguy hiểm cho đất nước.
Với đà ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, các nhà phân tích đều dự đoán rằng ông Lula Da Silva sẽ giành chiến thắng. Bản thân ông Lula Da Silva và những người ủng hộ ông cũng mong chờ một kết quả lớn hơn nhiều - một đa số tuyệt đối để ông có thể chiến thắng ngay vòng đầu mà không cần phải qua vòng 2. Tâm lý chung của đa số người dân Brazil trong gần một năm qua là mong chờ sự trở lại của ông Lula Da Silva để lèo lái đất nước vượt qua khó khăn, khắc phục những vấn đề gây ra bởi sự điều hành theo quan điểm cực hữu của ông Bolsonaro 4 năm qua.
Vì vậy, kết quả bầu cử trong đó ông Lula Da Silva không đạt tỉ lệ quá bán được xem là một sự thất vọng đối với người ủng hộ ông, những người Brazil tiến bộ, những người đã cổ vũ cho một chiến thắng rõ rệt trước ông Bolsonaro.
Tuy nhiên, tình hình sẽ hết sức căng thẳng. Bạo lực chính trị luôn là mối đe dọa lớn nhất trong các cuộc bầu cử ở Brazil. Ông Bolsonaro từng ra tuyên bố khuyến khích người ủng hộ ông sử dụng bạo lực để giành ưu thế trước các đối thủ. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố hôm 3-10, ông Bolsonaro lại tuyên bố sẽ không chấp nhận chuyển giao quyền lực nếu thua cuộc ở vòng 2. Điều này đặt ra nguy cơ bạo lực sẽ có thể diễn ra ở Brazil.
Nguồn: cand.com.vn