Ngoài 7 thành viên chính thức là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Canada, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay còn mời lãnh đạo các nước Ấn Độ, Indonesia, Argentina, Senegal và Nam Phi tham dự.
Chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay sẽ thảo luận hàng loạt các chủ đề lớn liên quan đến tình hình thế giới, trong bối cảnh thế giới đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về địa chính trị, kinh tế và khí hậu. Một trong những chủ đề trọng tâm được bàn thảo trước tiên là về cuộc chiến tại Ukraine.
Tất cả các quốc gia G7 hiện đều đang áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhằm vào Nga kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine và theo thông tin do nước chủ nhà Đức đưa ra, tại hội nghị, các nguyên thủ G7 sẽ tiếp tục thảo luận các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung với Nga, trong đó có việc tìm cách áp giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga trên thị trường thế giới.
Ý tưởng này do Mỹ đề xuất và đang được một số nước G7 ủng hộ. Theo Mỹ, hiện Nga đang hưởng lợi do giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao nên G7 cần tìm cách hạn chế nguồn thu này của Nga.
Vấn đề lớn thứ hai sẽ được G7 thảo luận là về khủng hoảng kinh tế, khi lạm phát tăng cao tại Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, do giá năng lượng tăng, đồng thời châu Âu đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng do quan hệ đổ vỡ với Nga. Tiếp đến, việc Chính phủ Đức mời Tổng thống Senegal, ông Macky Sall, người đang giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi, đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 2022 cũng cho thấy, khủng hoảng lương thực toàn cầu đe doạ gây ra nạn đói tại châu Phi cũng sẽ là một ưu tiên thảo luận của các nước G7.
Ngoài ra, việc các nước như Ấn Độ, Nam Phi, Argentina, Indonesia được mời dự Thượng đỉnh G7 năm nay là dấu hiệu cho thấy G7 tiếp tục theo đuổi chiến lược trong vài năm qua là mở rộng phạm vi ảnh hưởng, lôi kéo thêm đồng minh tham gia vào các cuộc cạnh tranh chiến lược với các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, ngoài các chủ đề lớn trên, vấn đề môi trường cũng sẽ quay trở lại trong các phiên họp của lãnh đạo G7. Sức ép phải có các chính sách quyết liệt về môi trường đang ngày càng lớn với nhiều nước G7, trong đó có nước Đức chủ nhà, khi trong tuần qua Đức đã phải cho hoạt động lại các nhà máy điện than nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng, bất chấp các cam kết về việc từ bỏ hoàn toàn than đá đã đưa ra trước đó.
Trong thông điệp gửi đi trước thềm Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz khẳng định, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không thể trở thành nạn nhân của những khủng hoảng địa chính trị hiện nay: "Dĩ nhiên việc thảo luận về những vấn đề lớn hiện tại là rất quan trọng nhưng cùng lúc đó cũng cần phải đảm bảo rằng chúng ta ngăn chặn được tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra hiện nay. Về mặt dài hạn, cần phải thực hiện điều đó bằng cách từ bỏ các nguồn nhiên liệu hoá thạch và một trong những nhiệm vụ của nhóm hành động vì khí hậu là tạo dựng các cơ chế, để các quốc gia muốn theo đuổi mục tiêu này có thể hành động cùng nhau".
Giới chức Đức đã áp đặt nhiều biện pháp an ninh tăng cường nhằm đảm bảo tuyệt đối cho sự kiện này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Nancy Faeser, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hội nghị là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan an ninh nước chủ nhà.
Lâu đài Elmau, nơi diễn ra hội nghị, được phong tỏa một cách tuyệt đối với một khu an ninh tăng cường như một pháo đài bất khả xâm phạm trong phạm vi rộng 4km2. Mọi ngả đường vào đều được lập chốt chặn nhiều lớp, trong khi khu vực không phận ở huyện Garmisch-Partenkirchen được giám sát bằng trực thăng của cảnh sát.
Riêng lực lượng cảnh sát liên bang tham gia bảo vệ sự kiện lên tới 7.000 người trong tổng số khoảng 18.000 cảnh sát phục vụ và đảm bảo an toàn cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ hai được tổ chức ở Elmau. Một màn hình giám sát an ninh rộng 40m2 luôn có khoảng 100 cảnh sát túc trực suốt ngày đêm để có thể tham gia điều phối và giải quyết kịp thời mọi tình huống.
Tại sân trượt tuyết Olympia ở Garmisch-Partenkirchen có khoảng 260 container được lực lượng tư pháp và cảnh sát sử dụng. Theo Bộ Tư pháp, khoảng 25 công tố viên và 7 thẩm phán sẽ có mặt suốt ngày đêm để xử lý các tình huống phát sinh. Hàng chục container được sử dụng như các nơi tạm giữ những tội phạm tình nghi, có thể chứa tới 150 người.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, cảnh sát không được nghỉ phép và phải đảm bảo an ninh từ sân bay Munich tới lâu đài Elmau. Ngoài Tổng thống Mỹ Joe Biden được quân đội Mỹ sử dụng trực thăng riêng đưa từ sân bay Munich tới Elmau, tất cả các nhà lãnh đạo còn lại đều được đưa từ Munich tới Elmau bằng trực thăng của cảnh sát Đức.
Trước đó, Bộ Nội vụ Đức cũng đã thông báo tạm thời tiến hành kiểm soát biên giới trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, trong đó địa điểm và thời gian kiểm soát được thực hiện một cách linh hoạt. Các biện pháp an ninh được siết chặt trong thời gian kéo dài 3 tuần, bắt đầu từ ngày 13/6 - 3/7.
Bộ Nội vụ Đức cho biết, việc kiểm soát biên giới sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ tội phạm gây bạo lực xâm nhập lãnh thổ nước này. Với việc kiểm soát an ninh được tăng cường, người đi lại trong khoảng thời gian trên có thể sẽ bị kiểm tra, kiểm soát, trong đó giao thông qua lại biên giới sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ Nội vụ Đức khuyến cáo mọi người đi lại cần mang theo giấy tờ thông hành hoặc hộ chiếu và việc kiểm tra về thời gian và địa điểm sẽ được thực hiện một cách linh hoạt. Quy định kiểm soát an ninh sẽ được thực hiện cả ở đường bộ, đường hàng không và đường thủy trong biên giới nội khối Schengen ở Đức.
Nguồn: cand.com.vn