CÔNG AN BẠC LIÊU
“Cú sốc mới” trên chính trường nước Pháp
Cập nhật ngày: 21-06-2022, lượt xem: 74
Chưa đầy hai tháng sau khi tái đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đối diện sóng gió mới, khi liên minh của ông thất thế trong cuộc đua giành đa số ghế tại Quốc hội. Nhiều kịch bản đã được đưa ra để giải vây bế tắc chính trị, nhưng chắc chắn, tham vọng thúc đẩy chương trình nghị sự của ông Macron sẽ không còn dễ dàng như trước.

Reuters ngày 20/6 đưa tin, kết quả bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra một ngày trước đó cho thấy, liên minh “Together” (Cùng nhau) của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ giành được 245 ghế ở cơ quan lập pháp vốn có 577 thành viên này.

Theo quy định, các đảng phái chính trị cần phải giành được ít nhất 289 ghế để chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua có một Tổng thống Pháp không đạt được sự ủng hộ đa số và mất quyền kiểm soát quốc hội. AP nhận định, kết quả này là một thất bại lớn đối với liên minh của Tổng thống Macron bởi trước khi vòng 2 diễn ra, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều dự đoán liên minh này sẽ giành được ít nhất 260 ghế, thậm chí có khả năng vượt qua con số 289 ghế để giành đa số tại Quốc hội Pháp.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay đã cho thấy sự củng cố rõ rệt của “thế chia ba” trong nền chính trị Pháp, đồng thời chưa khi nào một liên đảng ủng hộ Tổng thống đương nhiệm lại có số ghế ít hơn dự kiến tại Quốc hội và đảng cực hữu lại giành nhiều ghế hơn dự kiến. Cụ thể, liên minh cánh tả NUPES của ông Jean-Luc Melenchon giành được 135 ghế, còn đảng Tập hợp Quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu chiếm 89 ghế.

“Cú sốc mới” trên chính trường nước Pháp -0
Kết quả bỏ phiếu hôm 19/6 sẽ trở thành thách thức mới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne trong một tuyên bố cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội vòng 2 là một “nguy cơ” đối với nước Pháp. “Kết quả bầu cử là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta, xét trên quan điểm về những thách thức mà chúng ta phải đối mặt”, bà Borne nhận định. Tuy nhiên, Thủ tướng Pháp khẳng định chính phủ của bà sẽ tiếp cận với các đối tác tiềm năng nhằm tìm cách vận động thiết lập thế đa số ủng hộ Chính phủ Pháp. Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã đẩy chính trường nước này rơi vào tình trạng bất ổn, làm dấy lên viễn cảnh về một cơ quan lập pháp bị tê liệt hoặc các liên minh lộn xộn với việc ông Macron buộc phải tiếp cận với các đồng minh mới. Nhiều sự lựa chọn đã được đưa ra nhằm giúp ông chủ Điện Élysée tránh viễn cảnh không mong muốn ấy.

Theo Reuters, ông Macron và đồng minh hiện đang phải quyết định có nên tìm kiếm một liên minh với đảng Les Republicains để tạo thế đa số tuyệt đối, theo Reuters. Nền tảng chính trị của Les Republicains tương đồng với liên minh “Together" của ông Macron hơn các đảng khác và cả hai có cơ hội đạt đa số tuyệt đối trong kết quả cuối cùng nếu liên minh với nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Christian Jacob của đảng Les Republicains khẳng định đảng của ông sẽ tiếp tục duy trì vị thế đảng đối lập nhưng mang “tính xây dựng", cũng như đề xuất các thoả thuận theo từng trường hợp chứ không phải là một hiệp ước liên minh. Điều này dẫn đến viễn cảnh thiếu vắng một liên minh chính thức, đồng nghĩa với việc chính phủ thiểu số sẽ cần phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng đối lập trên từng dự luật. Như vậy, các cuộc đàm phán với vai trò chủ chốt của đảng Cộng hòa sẽ luôn diễn ra trước khi mỗi dự luật được đưa ra biểu quyết.

Giới phân tích chính trị Pháp cho rằng, trước mắt ông Macron chỉ có thể vận động các nghị sĩ ôn hoà của cánh hữu và cánh tả đối với từng dự án, từng dự luật cụ thể để có đủ 289 phiếu ủng hộ nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và sớm muộn, ông Macron có lẽ sẽ phải tính đến việc sử dụng điều 12 Hiến pháp: Giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử lại. Đây được coi là giải pháp cuối cùng nếu Quốc hội vẫn lâm vào thế bế tắc và không thể thành lập một chính phủ ổn định. Điều này đã từng có tiền lệ tại Pháp.

Vào năm 1988, Tổng thống Francois Mitterrand thuộc đảng Xã hội Pháp không đảm bảo được đa số tuyệt đối trong Quốc hội và trong suốt năm năm tiếp theo đã phải tìm kiếm các thỏa hiệp với các đảng khác. Tuy nhiên, trong trường hợp của Tổng thống Macron, việc giải tán Quốc hội chỉ có thể được thực hiện sau một năm diễn ra cuộc bầu cử. Điều này có nghĩa rằng, nỗ lực tổ chức một cuộc bầu cử mới để thay đổi cán cân trong Quốc hội Pháp của ông Macron sẽ chỉ được thực hiện trong năm 2023. Điều này cũng có nghĩa rằng, từ nay cho đến thời điểm đó, các quyết sách lớn, các dự án cải cách mà ông Macron ấp ủ thực hiện sẽ có thể bị “đóng băng” hoàn toàn.

Những gì chờ đợi chính quyền của ông Macron sắp tới sẽ đầy rẫy khó khăn. Nguy cơ tê liệt chính trị không nhỏ, bởi mọi quyết sách, cải cách của ông Macron đều cần có sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Pháp. Đây là lúc nhà lãnh đạo nước Pháp cần đưa ra phương án phù hợp nhất để hạn chế bất cứ rủi ro chính trị nào trong nhiệm kỳ của mình.


Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác