Cuộc điều tra bắt đầu sau khi tòa án xem xét kỹ nội dung đơn khiếu nại của một cá nhân và tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Nhân quyền Vùng Vịnh (Gulf Centre for Human Rights - GCHR) và quyết định cho mở cuộc điều tra. Tháng 1-2022, GCHR đã nộp đơn lên tòa án ở Paris, Pháp yêu cầu xem xét và buộc tướng Ahmed Nasser al-Raisi phải chịu trách nhiệm về những hành động tra tấn và đối xử tàn bạo trong các nhà tù UAE dưới thời ông làm người phụ trách quản lý ở cấp cao nhất.
Nạn nhân bị tra tấn được GCHR đại diện đòi quyền lợi là Ahmed Mansoor, một blogger chống đối Chính phủ UAE. Luật sư William Bourdon, người đại diện cho GCHR trong vụ kiện đã yêu cầu cơ quan công tố Pháp ra lệnh bắt giam tướng Raisi khi ông đến Pháp 2 lần vào tháng 1 và tháng 3-2022 để làm việc tại trụ sở Interpol ở Lyon với tư cách Chủ tịch Interpol. Cơ quan công tố cho rằng ông Raisi được hưởng chế độ miễn trừ dành cho người đứng đầu cơ quan Interpol, vì vậy không thể ra lệnh bắt giam ông.
Ngoài GCHR còn có một số cá nhân nộp đơn kiện tướng Raisi lên tòa án ở Pháp. Một trong số đó là Matthew Hedges, nhà nghiên cứu người Anh, từng đến UAE trong một chuyến khảo cứu thực tế và bị bắt giam từ tháng 5 đến tháng 11-2018 với cáo buộc tội gián điệp. Ông Hedges cáo buộc trong thời gian bị giam giữ đã nhiều lần bị tra tấn nhục hình, bị đối xử tàn nhẫn và giam giữ trong điều kiện tồi tệ.
Một nạn nhân nữa cũng đâm đơn kiện tướng Raisi là Ali Issa Ahmad, công dân Anh gốc Sudan, bị bắt vào năm 2019 vì mặc áo thun bóng đá Qatar khi đến UAE. Cũng như hai nạn nhân trên, ông Ahmad đã bị dùng nhục hình để hỏi cung khi đang bị giam giữ và khi không tìm được chứng cứ gì, họ đã buộc phải trả tự do cho ông.
Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng tìm ra nhiều nạn nhân khác của nạn tra tấn tù nhân ở UAE, trong đó có ông Khadem al-Qubaisi, cựu cố vấn Hoàng gia và hiện là một doanh nhân giàu có. Ông này cho biết mình bị bắt giam, tra khảo trong nhà tù Al Wathba, nơi từng giam giữ Ahmed Mansoor và được trực tiếp cai quản bởi tướng Raisi. Một nạn nhân khác, Riyaadh Ebrahim, cho biết cũng từng bị bắt giam, tra tấn trong nhà tù do Raisi quản lý và nhận xét rằng có quá nhiều việc làm sai trái trong hệ thống nhà tù UAE mà Raisi là người chịu trách nhiệm chính.
Tướng Ahmed Nasser al-Raisi được bầu làm Chủ tịch Interpol vào tháng 11-2021, sau 3 vòng bỏ phiếu. Ở vòng cuối cùng, ông vượt qua đối thủ Šárka Havránková người Cộng hòa Séc với tỉ lệ phiếu bầu là 68,9%. Tuy nhiên, khi cuộc bầu chọn đang diễn ra đã bắt đầu nổi lên làn sóng phản đối của các tổ chức bảo vệ quyền con người trên khắp thế giới, đặc biệt là các tổ chức trong khu vực Trung Đông. Nhiều tổ chức quốc tế cũng như cá nhân từng là nạn nhân bị bắt giam và tra tấn ở UAE thời ông Raisi làm cảnh sát và quan chức ở Bộ Nội vụ cáo buộc ông đã chỉ đạo các cuộc tra tấn tù nhân trong những trại giam do ông quản lý.
Theo hồ sơ, ông từng có thời gian làm cảnh sát UAE, bắt đầu tham gia lực lượng này vào năm 1980. Sau đó, ông chuyển lên làm việc ở Bộ Nội vụ UAE và đảm nhận chức vụ thanh tra Bộ Nội vụ, lĩnh vực phụ trách là quản lý hệ thống nhà tù, nhà giam trên toàn quốc. Đây cũng là giai đoạn ở UAE xảy ra nhiều vụ bắt bớ, giam giữ cả người UAE và người nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau.
Đa số người UAE bị bắt giam và phát lệnh truy nã quốc tế đều thuộc thành phần chính trị đối lập, chống đối chính quyền UAE, vì thế cũng xuất hiện các cáo buộc cho rằng Interpol đang bị một số quốc gia thao túng, phục vụ mục đích chính trị của riêng các quốc gia này trong việc truy lùng và bắt bớ các thành phần chính trị đối lập. Ngoài ra, UAE cũng bị nhiều tổ chức nhân quyền và một số quốc gia châu Âu cáo buộc đã có nhiều hoạt động ngược đãi tù nhân bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tra tấn, trong thời gian dài. Và, tướng Raisi bị cho là người phải chịu trách nhiệm chính cho các vấn đề này.
UAE đã lên tiếng bác bỏ toàn bộ các cáo buộc nhắm vào ông Raisi, cho rằng những lời cáo buộc đó mang động cơ chính trị và không có cơ sở để buộc tội ông Raisi. Giới phân tích cũng cho rằng, cuộc điều tra đối với ông Raisi khó có thể dẫn đến việc truy tố hay bắt giữ ông bởi nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất chính là việc ông hiện là Chủ tịch Tổ chức cảnh sát toàn cầu và được hưởng các quyền miễn trừ, kể cả miễn truy tố.
Ngay khi ông Raisi được bầu lên làm Chủ tịch Interpol, giới phân tích chính trị thế giới đã đánh giá rằng sự kiện đó đánh dấu “sức mạnh mềm” của UAE đang được phát triển ra tầm thế giới và bước đầu mang lại hiệu quả.
Theo Interpol, UAE là nhà tài trợ lớn nhất cho tổ chức này trong những năm gần đây. Vào năm 2017, nước này đã tài trợ 54 triệu USD cho Interpol trong khi 195 nước thành viên đóng góp tổng cộng có 68 triệu USD vào năm 2020.
Năm 2019, UAE tiếp tục tài trợ khoảng 12 triệu USD, tương đương 7% ngân sách hoạt động hằng năm của Interpol. Cũng như nhiều tổ chức khác của Liên Hợp quốc, quốc gia nào tài trợ nhiều nhất đương nhiên được hưởng các quyền ưu tiên đặc biệt. Đây còn gọi là quyền lực mềm mà nhiều quốc gia luôn cạnh tranh nhau.
Nguồn: cand.com.vn