Hôm 29/3, cảnh quay từ bên trong cung điện Dolmabahce ở Istanbul, nơi diễn ra cuộc hoà đàm giữa Moscow và Kiev, cho thấy sự tham dự của tỷ phú Nga Roman Abramovich (55 tuổi) - người được biết tới là chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá Chelsea (Anh).
Sự xuất hiện bí ẩn của Roman Abramovich đặt ra nhiều câu hỏi cho giới quan sát chính trị quốc tế về vai trò của nhà tài phiệt này trong hoà đàm Nga - Ukraine khi ông không phải thành viên chính thức của phái đoàn đến từ Moscow.
Ngay sau đó, cả Nga và Ukraine đã lên tiếng xác nhận về vai trò "cầu nối" của ông Abramovich trong hòa đàm, vốn được chấp thuận bởi cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky. Thậm chí, nhân vật trung gian này dường như cũng được Mỹ công nhận khi Washington chưa áp lệnh phong toả tài sản của ông Abramovich như các nhà tài phiệt Nga khác.
Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức Ukraine rất lo lắng về quá trình truyền đạt thông tin từ những người đồng cấp Nga tới Điện Kremlin, nên họ đã tìm cách liên hệ với vị tỷ phú này qua cộng đồng người Do Thái nói tiếng Nga, để tìm kiếm sự trợ giúp trong việc tìm kiếm một thoả thuận hoà bình.
Một nguồn thạo tin tiết lộ, nhà sản xuất phim Alexander Rodnyansky - người có liên hệ với Tổng thống Zelensky, đồng thời là cha của một cố vấn cho ông Zelensky, đã liên lạc với ông Abramovich vì hai người từng quen nhau qua việc tài trợ các hoạt động nghệ thuật tại Nga.
Ông Alexander Rodnyansky cũng từng cố liên hệ với ba tỷ phú khác nhưng tất cả đều từ chối lời đề nghị làm cầu nối vì lo ngại rủi ro.
Trước khi cả Nga và Ukraine lên tiếng xác nhận việc ông Abramovich đóng vai trò "bảo đảm các mối liên hệ nhất định" giữa hai bên, một số quan chức phương Tây đã tỏ ra nghi ngờ rằng việc tỷ phú này tham gia hoà đàm là nhằm tìm cách tránh né lệnh trừng phạt, cũng như có thể tận dụng thời gian Nga và Ukraine đàm phán để âm thầm chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với ông Abramovich nói với Wall Street Journal rằng tỷ phú này có mong muốn là chấm dứt chiến sự và sẵn sàng chấp nhận cả rủi ro cá nhân để làm việc này.
Ông Abramovich dành khá nhiều thời gian cho việc hỗ trợ đàm phán hòa bình. Máy bay riêng của ông đã di chuyển qua lại giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong những tuần qua, theo các nền tảng theo dõi hàng không. Nhưng ông Abranmovich khẳng định sẽ không tham gia vào việc tạo dựng chính sách và chỉ là người đưa tin trung gian.
Theo tờ The Times (Anh), khi ở Moscow, tỷ phú Abramovich đã gặp Tổng thống Putin và đưa cho ông bức thư viết tay của Tổng thống Zelensky, trong đó nêu ra những điều khoản mà Ukraine sẽ cân nhắc để kết thúc xung đột. Nhận bức thư từ người đồng cấp Ukraine, phản ứng của ông Putin rất quyết đoán: “Hãy nói với ông ấy rằng chúng tôi sẽ đánh bại họ”.
Trở lại Istanbul, ông Abramovich gặp Rustem Umerov - thành viên quốc hội Ukraine, đồng thời là một thành viên của phái đoàn đàm phán, để thảo luận về kết quả của cuộc gặp với Tổng thống Putin. Bất chấp phản ứng của nhà lãnh đạo Nga, hai nhân vật này vẫn quyết tâm sắp xếp lịch làm việc để tiến hành đàm phán.
Sau đó, họ đã tổ chức một loạt các cuộc họp tại các khách sạn 5 sao ở Istanbul, dưới sự điều phối của ông Ibrahim Kalin, phụ tá thân tín của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ngoài ra, Abrahamovich cũng là một phần của cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Các nhà đàm phán Ukraine đều đánh giá cao ông Abramovich. Ông là người giúp Kiev truyền đạt thông tin tới Tổng thống Putin một cách xác thực nhất và góp công không nhỏ trong việc thiết lập các hành lang nhân đạo di dời dân thường ra khỏi vùng chiến sự, thúc đẩy hoạt động trao đổi tù binh, cũng như thuyết phục phía Nga thực hiện các cuộc đàm phán trực tuyến để đẩy nhanh tốc độ.
Tỷ phú Roman Abramovich là một trong những nhà tài phiệt nổi tiếng nhất của Nga. Ông là người gốc Do Thái và sở hữu ba quốc tịch Nga, Bồ Đào Nha và Israel. Theo Forbes, tỷ phú Abramovich hiện sở hữu khối tài sản trị giá 12,5 tỷ USD, là người giàu thứ 142 trên thế giới, đồng thời là người giàu thứ 10 nước Nga.
Ông có được nguồn thu khổng lồ thông qua các ngành công nghiệp dầu mỏ, và kim loại bắt đầu từ những năm 1990 sau khi Liên Xô cũ tan rã. Ông cũng từng dành gần một thập kỷ dấn thân vào chính trị với vai trò là thống đốc khu tự trị Chukotka (Nga) giai đoạn 2000 - 2008.
Nguồn: cand.com.vn