UFO ở Tasmania
Tháng 5 năm 1961, thanh sát viên của Sở Nông nghiệp Tasmania, ông John Young, đã báo cáo về một vật thể bay không xác định (UFO) cho Không lực hoàng gia Australia (RAAF). Theo đó, “báo cáo của RAAF về một vật thể vũ trụ được nhìn thấy vào lúc 8 giờ 35 phút sáng ngày 25 tháng 5 năm 1961 từ những người con của ông John Young trong lúc đang nô đùa trong vườn ở ngôi nhà ở Devonport, duyên hải Bắc Tasmania, chúng đã thấy thứ gì đó lơ lửng trên bầu trời. Nó có “màu bạc nhưng không chói chang” và hình dáng “như cái nhiệt kế hoặc bút chì không có đầu nhọn”. Vật thể lạ không phát ra âm thanh….
Cuộc điều tra sau đó của RAAF đã hé lộ sự thật: Thứ mà ông Young nhìn thấy không phải là UFO mà là máy bay U-2. Chỉ hơn 1 năm trước đó, chính xác là vào tháng 5 năm 1960, U-2 đã nổi tiếng toàn cầu như một loại “máy bay gián điệp” với việc Liên Xô đã bắn hạ chiếc U-2 (CIA sở hữu) do phi công Gary Powers lái. Những chiếc U-2 gắn liền với hoạt động trinh sát cao độ lớn, bí mật. Nhưng tại sao nó lại bay trên không phận Tasmania, một địa điểm cách xa các điểm nóng của Chiến tranh Lạnh? Các hồ sơ lưu trữ được giải mật của Chiến dịch Crowflight sẽ trả lời cho câu hỏi đó.
Krypton-85
Ngày 4 tháng 7 năm 1960, Đại sứ quán Mỹ ở Canberra đã chuyển một công hàm cho Bộ Quốc phòng Australia đề xuất thành lập một dự án nghiên cứu quốc phòng mới của Mỹ tại Australia. Cụ thể thì một phần của chương trình sẽ là thu thập mẫu không khí ở cao độ lớn trên toàn thế giới, “đề nghị khẩn cấp nhằm lấy các mẫu không khí ở cao độ từ 40 đến 45 độ vĩ độ Nam, bằng cách dùng máy bay hoạt động ngay trong khu vực Melbourne”. Những chuyến bay đề xuất sẽ trải dài 800km ở phía Nam Melbourne, hoặc 160 km về phía cực Nam của Tasmania.
Công hàm của phía Mỹ nêu rõ rằng hoạt động góp phần nghiên cứu sự rơi ra của bụi phóng xạ từ các vụ thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển. Bán cầu Bắc và các phần xích đạo của chương trình sẽ được tiến hành từ lục địa Mỹ hoặc các địa điểm do Mỹ kiểm soát. Đại sứ quán Mỹ thông báo rằng Không lực Mỹ (USAF) sẽ lấy các mẫu không khí từ nhiều địa điểm trên thế giới trong suốt tháng 11 năm 1960 và tháng 5 năm 1961. Và nếu có sẵn kinh phí thì sẽ tiến hành lấy mẫu định kỳ, nửa tháng 1 lần.
7 máy bay không vũ trang của USAF sẽ tham gia lấy mẫu theo đề xuất của Australia, cùng với 2 máy bay nghiên cứu và cứu hộ đóng vai trò hỗ trợ. Ước tính có từ 175 đến 200 sĩ quan USAF với các cấp bậc sẽ được điều động đến Australia trong 30 ngày diễn ra chiến dịch. Cần phải bắt đầu chuyển thiết bị từ Mỹ đến Australia ngay đầu tháng 8 năm 1961 cùng công tác khảo sát các địa điểm càng nhanh càng tốt. Lý do chính cho hoạt động đã không được ghi chú trong công hàm của Đại sứ quán Mỹ.
Năm 1958, Mỹ, Liên Xô và Anh cùng nhất trí với lệnh ngừng thử hạt nhân tạm thời vì lý do sức khỏe và chính trị. Kèm với công hàm của Đại sứ quán Mỹ là một bản ghi chú trong đó hé lộ chiến dịch Crowflight thực chất là vỏ bọc cho một chương trình bí mật cao khác. Phần lớn bản ghi nhớ này vẫn tiếp tục được phân loại trong 5 thập niên sau đó. Theo giải mật đầy đủ của Bộ Quốc phòng Australia thì bản ghi nhớ có chứa thông tin được Mỹ truyền đạt cho Australia với sự tin cậy nghiêm ngặt.
Chương trình bí mật liên quan đến việc phát hiện hoạt động hạt nhân, cụ thể là liên quan đến việc phát hiện dự án kích nổ hạt nhân tại Alice Springs: một tham chiếu liên quan đến cơ sở giám sát địa chấn nhỏ của USAF được thành lập từ năm 1955 dưới vỏ bọc của một trạm nghiên cứu thời tiết. May thay mục đích của hoạt động lấy mẫu không khí đã được hé lộ bởi các tài liệu được phân loại bởi Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các tài liệu này cho hay: mục đích chính của việc lấy mẫu không khí từ các chuyến bay nhằm tính được tổng lượng khí hiếm được thải ra trong quá trình sản xuất Plutonium, một nguyên tố chính trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Loại khí hiếm được nhắc đến là Krypton-85, một đồng vị chỉ xuất hiện với số lượng đáng kể trong khí quyển sau khi bắt đầu sản xuất Plutonium tại Mỹ từ năm 1944.
Lấy mẫu khí hiếm để phát hiện các hoạt động hạt nhân không phải là mới. Ý tưởng này lần đầu tiên đã hình thành bởi nhà vật lý Luis Alvarez của Dự án Manhattan, người mà vào cuối năm 1943 đã kết luận rằng dấu hiệu đặc biệt của quá trình sản xuất Plutonium sẽ là việc phát thải Xenon-133, một loại khí phóng xạ được tạo ra bởi quá trình phân hạch trong lò phản ứng hạt nhân.
Với chu kỳ bán rã 5 ngày rưỡi, Xenon-133 sẽ tồn tại đủ lâu trong không khí và được vớt lên bởi máy bay được trang bị các bộ lọc không khí được chế tạo đặc biệt. Giữa năm 1944, USAF đã thực hiện một loạt chuyến bay trinh sát tầm thấp nhằm phát hiện hoạt động hạt nhân của Đức. Kết quả là Đức Quốc xã (ĐQX) chưa phát triển ra các lò phản ứng sản sinh Plutonium. Đây là nỗ lực đầu tiên của Mỹ dùng những phương pháp phóng xạ nhằm giám sát hoạt động của một thế lực nước ngoài.
Việc phát hiện sớm hoạt động hạt nhân Liên Xô và bất kỳ vụ thử vũ khí hạt nhân nào là một ưu tiên chính cho tình báo Mỹ ngay lập tức sau thời hậu Chiến tranh Lạnh. Bộ phận phát hiện tầm xa, Nhóm vũ khí đặc biệt của Bộ Tư lệnh vật tư không lực Mỹ đã được thiết lập vào tháng 12 năm 1947. Chỉ trong vòng 1 năm nó đã đổi tên thành AFOAT-1 – Bộ phận 1 của Văn phòng Không quân của Phó tham mưu trưởng về năng lượng nguyên tử (sau này được đổi tên thành Trung tâm ứng dụng kỹ thuật không lực (AFTAC).
AFOAT-1 đã sớm thành công khi thu thập các mảnh phóng xạ trong không khí từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô trong năm 1949. Lực lượng này cũng phát triển và triển khai nhiều hệ thống phát hiện khác nhau: địa chấn, âm học, phóng xạ, quang học và tầng điện ly, nhằm khám phá các vụ thử vũ khí hạt nhân. AFOAT-1 cũng nhanh chóng chuyển sang các kỹ thuật phát hiện và giám sát những chương trình hạt nhân nước ngoài một cách tổng quát hơn, và họ để mắt tới Krypton-85 (chu kỳ bán rã 10 năm) và là một yếu tố hữu ích hơn Xenon-133.
Vì các khí quý như Krypton-85 rất khó tham gia vào những phản ứng hóa học nên cũng khó và tốn kém khi loại bỏ chúng khỏi các đợt phóng điện do các hoạt động hạt nhân quy mô lớn tạo ra. Thêm nữa Krypton-85 cũng không được chuyển hóa bởi các sinh vật sống. Do đó có vẻ như Liên Xô tìm mọi cách để hạn chế xả thải loại khí này từ những cơ sở sản xuất hạt nhân của họ.
Đến tháng 3 năm 1951, các nhà khoa học của AFOAT-1 đã kết luận rằng phép đo sự phân bổ toàn cầu của Krypton-85 đã có thể đưa ra ước tính chính xác về tổng sản lượng Plutonium của Liên Xô, cũng như quy mô tiềm năng của kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Hợp tác của Mỹ với Vương quốc Anh cũng rất quan trọng, cả 2 cùng thiết lập sự đóng góp sản xuất Plutonium của Anh đối với cấp độ Krypton-85, nhằm phát triển ra một chương trình giám sát mà buổi ban đầu có tên mã là “Green Run”.
Kiến thức về chương trình đo Krypton-85 là đặc biệt nhạy cảm cao bởi vì nếu tiết lộ thì sẽ khiến Liên Xô ngăn chặn việc phát thải khí từ các lò phản ứng sản xuất Plutonium của họ. Thực tế là Krypton-85 là chìa khóa để Mỹ ước tính chính xác sản xuất vũ khí hạt nhân của Liên Xô, nó cũng là bí mật sâu sắc nhất của AFOAT-1.
Chiến dịch Crowflight
Công tác giám sát cao độ Krypton-85 đã được tiến hành trong 2 năm 1957-1958 dưới sự che đậy của Dự án HASP (Chương trình thu thập mẫu cao độ) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngày 3 tháng 9 năm 1957, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ thực hiện một chương trình lấy mẫu cao độ vật tư phóng xạ và bắt đầu từ căn cứ không quân Laughlin ở Del Rio (tiểu bang Texas). Các nhiệm vụ lấy mẫu được tiến hành ở Fairbanks Alaska, Albuquerque, New Mexico và khu vực kênh đào Panama.
Những hoạt động được tiến hành bởi Bộ Tư lệnh không quân chiến lược USAF số 4025 và Các cánh trinh sát chiến lược số 4028, được trang bị máy bay trinh sát tầm cao U-2, JB-57 và RB-57. Máy bay U-2 được CIA phát triển như một dự án tuyệt mật nhằm thực hiện các nhiệm vụ trinh sát không ảnh trên không phận Liên Xô. U-2 cũng được USAF dùng cho thu thập mẫu không khí thông qua một ống hút khí được chế tạo đặc biệt gắn ở mũi máy bay. Sau mỗi chuyến bay, các bộ lọc khí sẽ được chuyển đến những phòng thí nghiệm của AFTAC để phân tích.
Những nhiệm vụ lấy mẫu Krypton-85 đã mở rộng sang Nam Bán cầu bằng việc ký kết một thỏa thuận với Argentina trong tháng 4 năm 1958, USAF hoạt động ngay trong các cơ sở của Không quân Argentina. Hoạt động lấy mẫu Krypton-85 được tiến hành từ Buenos Aires và kéo dài đến năm 1960 và chương trình này được giữ bí mật tuyệt đối trong chính phủ Argentina. Về sau vì những lý do nhạy cảm chính trị và an ninh mà việc thu thập mẫu ở các căn cứ của Argentina được cho là kém lý tưởng, thế nên USAF chuyển chú ý sang Australia như là một địa điểm thay thế ở Nam Bán cầu.
Vào ngày 11 tháng 7 năm 1960, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Athol Townley, đã đưa ra một thông báo ngắn về việc sắp xếp cho USAF thực hiện chương trình lấy mẫu không khí cao độ ở Nam lục địa Australia trong khoảng từ 40 và 45 độ vĩ độ Nam. Ông Townley không tiết lộ các loại máy bay dùng cho những hoạt động thu thập mẫu. Sau đó ông Townley đề xuất rằng các thông cáo tương lai liên quan đến hoạt động thu thập mẫu không khí chỉ nên nói đến vĩ độ 40 và 50, thay vì 40 và 45, xuôi về phía Nam Tasmania mà thôi. Và đại sứ Mỹ ở Canberra nhất trí.
Vào ngày 14 tháng 9 năm 1960, sau chuyến khảo sát của USAF và tham vấn RAAF, Đại sứ quán Mỹ đã gửi một công hàm khác đề xuất các hoạt động lấy mẫu sẽ được tiến hành vào tháng 11 năm 1960 từ căn cứ RAAF ở East Sale (bang Victoria) với sự tham gia của các máy bay U-2, JB-57 và C-54. Chương trình Crowflight được tiến hành vào tháng 11 năm 1960 mà không xảy ra bất kỳ sự cố nào, nên sau đó các máy bay và nhân lực của USAF đã trở về Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Quốc phòng Mỹ nại ra các điều kiện thời tiết bất lợi cho sự hoạt động của máy bay U-2, nên người Mỹ đề xuất sẽ hoạt động thêm một số năm nữa trên lãnh thổ Australia. Các hoạt động lấy mẫu không khí của USAF ở East Sale đã phụ thuộc vào thông tin khí tượng do Cục khí tượng học Thịnh vượng chung cung cấp.
Mặt khác, nhằm đối phó với sự quan tâm của báo chí liên quan đến sự trở lại của các máy bay U-2 và JB-57 khi hoạt động ở East Sale, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gấp rút chuẩn bị một báo cáo giải trình về các mẫu vật không khí thu thập ở các cao độ khác nhau, sau phân tích thì chúng có các đồng vị phóng xạ là plutonium, strontium-90, cesium-137, strontium-89, yttrium-91, cerium-144 và tungsten-185 (dùng để ước tính tuổi của các mảnh khí quyển), rhodium-102, beryllium-7, phosphorous-32, barium-140, zirconium-95, sodium-22 và tungsten-95…. Hoàn toàn không có dòng nào nhắc đến Krypton-85.
Có một bí mật ít người biết là Mỹ đã lên các kế hoạch thử nghiệm hạt nhân trong khí quyển trong vùng biển Thái Bình Dương bao gồm các thử nghiệm nhiệt hạch năng suất cao và sản lượng lớn, với những vụ thử nghiệm đầu tiên trong Chiến dịch Dominic diễn ra gần đảo Giáng Sinh do người Anh kiểm soát vào tuần cuối của tháng 4 năm 1962. Chiến dịch Crowflight diễn ra thêm hơn 2 năm trên đất Australia.
Máy bay U-2 tiến hành thu thập các mẫu bụi và chụp ảnh cách hình thành mây bên trên không phận Tasmania nhằm hỗ trợ cho Bộ phận vật lý phóng xạ của Australia về chương trình tạo mây. Cuối năm 1964, xấp xỉ 90 nhân viên USAF đã được rút về Mỹ. Trong cuộc họp với các quan chức Australia vào ngày 11 tháng 2 năm 1965, tùy viên USAF có nhắc đến việc thay 2 chiếc U-2 bằng 2 chiếc RB-57F mới.
Để sớm chấm dứt chiến dịch Crowflight, USAF lên kế hoạch tiến hành trung bình 16 phi vụ RB-57F mỗi tháng tại khu vực East Sale. Nên biết rằng chi phí trung bình hàng năm cho các hoạt động Crowflight ở Australia xấp xỉ khoảng 2,4 triệu USD (tính theo thời giá năm 2016 tương đương 18 triệu USD). Ngoài ra, USAF đã chi 125.000 USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở Laverton, Avalon và East Sale (tính theo thời giá năm 2016 là 940.000 USD).
Nguồn: cand.com.vn