CÔNG AN BẠC LIÊU
Hiệp ước Pereiaslav - Rêu xanh trên "vùng đá nứt"
Cập nhật ngày: 29-03-2022, lượt xem: 151
Trong những cuộc tranh luận chưa có hồi kết đang diễn ra theo dòng thời sự - về việc Ukraine là một thực thể nhà nước - dân tộc độc lập kế thừa Kievan Rus cổ xưa, hay là con đẻ của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại cũng như Liên bang Xôviết - có một điểm mốc dường như vẫn còn ít được nhắc đến: Hiệp ước Pereiaslav năm 1654.

Ít nhiều, những diễn biến gắn liền trước và sau cột mốc ấy có lẽ cũng sẽ làm rõ thêm những khoảng mờ lịch sử đã bị bao phủ dưới những lớp bụi lãng quên khá dày sau ba thế kỷ.

Một "Vùng đá nứt"

"Vùng đá nứt" (shatterzone), như nhà phân tích quốc tế Yoshiro Ikeda diễn giải trên Nikkei Asia ngày 13/3/2022 vừa qua, là "khu vực đa sắc tộc, đầy biến động,… là nơi diễn ra các cuộc xung đột vũ trang kéo dài, chủ yếu vì lợi ích của các cường quốc lớn". Nhìn suốt chiều dài lịch sử, Ikeda đặt Ukraine bên cạnh các "vùng đá nứt" tiêu biểu khác, như "Bán đảo Balkan - nơi từng là “thùng thuốc súng của châu Âu”, và Armenia - nơi đụng độ vũ trang đã liên tục xảy ra kể từ khi Liên Xô sụp đổ". 

Ikeda mô tả Ukraine như một "chiến trường của các cường quốc", với "Miền tây Ukraine từng là một phần của Ba Lan. Vào nửa sau của thế kỷ 18, khu vực ngày nay là Ba Lan bị chia cắt giữa Phổ, Nga, và đế chế Habsburg. Kết quả là, tây Ukraine trở thành một phần của đế chế Habsburg đa sắc tộc, sau này trở thành đế chế Áo-Hung".

Còn "Miền đông Ukraine, nơi có thủ đô Kyiv và các thành phố khác như Odessa và Kharkiv, từng thuộc về đế chế Nga. Tại khu vực biên giới giáp ranh giữa đế chế Habsburg và Đế chế Nga, các nhóm sắc tộc có gốc gác giống nhau sinh sống ngay cạnh nhau. Những người Slave cư trú tại đế chế Habsburg đôi khi cố gắng thống nhất với những người Nga bên ngoài biên giới, và ngược lại".

Hoặc, theo một cách dễ hiểu hơn, trang The Conversation gọi Ukraine là "Đất biên cương" (The borderland), trên lằn ranh Châu Âu và nước Nga.

Song, ngay cả Nikkei Asia và Yoshiro Ikeda cũng không cố gắng đi ngược dòng lịch sử quá xa. Những thay đổi về lãnh thổ và chủ quyền liên quan đến Ukraine, rõ ràng, không chỉ bắt đầu từ năm 1772 - khi đế chế Habsburg sáp nhập Galicia (tức là phần phía Tây Ukraine hiện đại, bao gồm cả Lviv). Sau sự sụp đổ của Hãn quốc Kim Trướng đế chế Mông Cổ, trên thực tế, Ukraine đã luôn là một "vùng đá nứt".

Hiệp ước Pereiaslav-Rêu xanh trên
Tượng đài Hetman Khmelnytskyl tại Kyiv.

Yếu tố Ba Lan

Theo các thư tịch lịch sử phương Tây, sau khi Kyiv bị quân Mông Cổ phá hủy năm 1240, nhà nước Kievan Rus trên lãnh thổ Ukraine hiện đại được kế thừa bởi hai công quốc: Gallich và Volodimyr-Volynskyi (sau này sáp nhập thành công quốc Galicia-Volhynia).

Tuy nhiên, cho đến khi ách thống trị của Mông Cổ bị lật đổ, tại khu vực này, trung tâm quyền lực lớn nhất không còn là Kyiv, không phải là Galicia-Volhynia, cũng chưa phải là Muscovy (Moskva), mà là một thực thể quyền lực khác: Liên bang Ba Lan - Lithuania (hoặc Khối thịnh vượng chung Ba Lan - Litva). Đây từng là một trong những quốc gia đông dân và có lãnh thổ rộng lớn bậc nhất châu Âu trong thế kỷ XVI và XVII, đủ sức áp đặt quyền cai trị (theo kiểu đế quốc) lên toàn thể các lãnh thổ Nga.

Từ thế kỷ XIV, Galicia-Volhinya bị Ba Lan thôn tính, trong khi phần trung tâm Kievan Rus (bao gồm cả Kyiv) rơi vào tay Đại công quốc Litva. Đến năm 1569, sau khi Khối thịnh vượng chung Ba Lan - Litva chính thức hình thành (mà Ba Lan nắm quyền dẫn dắt), những phần đất này lại "quy về một mối".

Quá trình này khắc sâu thêm những sự phân rã trong xã hội những địa phương Ukraine ấy. Nếu tầng lớp quý tộc nhanh chóng Ba Lan hóa, và chấp nhận đổi sang Thiên Chúa giáo La Mã, thì ở hạ tầng, nông dân lại vẫn muốn trung thành với Chính thống giáo Đông phương. Do đó, họ phản kháng. Họ được tiếp thêm sức mạnh và ý chí bởi sự xuất hiện của những cộng đồng Cossack thiện chiến (và vì thiện chiến, nên tương đối độc lập).

Theo Bách khoa mở Britanica, những đoàn quân Cossack tiến vào lãnh thổ Ukraine từ khoảng thế kỷ 15. Họ dừng lại trên các thảo nguyên, và bảo vệ chính vùng đất ấy khỏi những đợt cướp bóc của các bộ lạc du mục có cùng nguồn gốc Turks (Đột Quyết) như mình. Triều đình Ba Lan xem họ là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn người Turks, người Tatar (Thát Đát, tức là Mông Cổ), và kể cả trấn áp những mưu đồ quật khởi từ công quốc Muscovy. Ở hạ lưu sông Dnipro (Dnepr), thậm chí người Cossack đã xây dựng kinh đô riêng - Zaporozhia - như một pháo đài phòng thủ, năm 1649.

Đó là kết quả của một cuộc nổi dậy rầm rộ bùng nổ một năm trước đó, khi Thống soái (Hetman) Bohdan Khmelnytsky liên hiệp với Sa hoàng (Tsar) Aleksei Mikhailovich của Muskovy (nay đã là nước Nga mới), chống lại bá quyền Ba Lan. Đó cũng là điểm khởi đầu cho sự suy sụp của bá quyền Ba Lan, cũng là điểm xác lập địa vị độc tôn của các giá trị Chính thống giáo Đông phương và văn hóa Nga trên lãnh thổ Ukraine (nhất là ở miền Đông), cho đến tận thời hiện đại.

Cuộc nổi dậy này bắt nguồn từ những xung đột và cả ách áp bức hà khắc mà triều đình Ba Lan cố gắng áp đặt lên cả người Cossack lẫn những người nông dân trên phần đất mà họ gọi là Ruthenia (đất của người Rus, nghĩa là Ukraine và Belarus hiện đại). Nó bao gồm cả những mâu thuẫn về lợi ích, lẫn những va chạm về tôn giáo - tín ngưỡng, khi quý tộc Ba Lan muốn nông nô hóa, đồng thời cải đạo người Cossack.

Người Cossack, sau khi bị hãn quốc Krym (Crimea) phản bội, đã nhận ra rằng mình chỉ còn có thể dựa vào đồng minh duy nhất là nước Nga do Đại công quốc Muskovy dẫn đầu. Và Khmelnytsky đã nắm lấy bàn tay chìa ra ấy, để rồi đến năm 1654, Hiệp ước Pereiaslav ra đời.

Hiệp ước Pereiaslav-Rêu xanh trên
Các phần lãnh thổ Ukraine trong lịch sử.

Là Nga, nhưng cũng không phải Nga

Bách khoa toàn thư Ukraine (http://www.encyclopediaofukraine.com) viết: "Theo kết quả của Hiệp ước, Ukraine trở thành quốc gia bảo hộ của Sa hoàng Muscovy. Và từ đó, Sa hoàng Nga cũng chính là Sa hoàng của Tiểu Nga (Molorossyia - một "biệt danh" quen thuộc của Ukraine), Hetman Khmelnytsky cũng như chính quyền Zaporozhia được thừa nhận chính thức. Ukraine, do đó, vẫn giữ được độc lập và tự chủ trong cả chính sách đối ngoại lẫn đối nội. Các quyền và tự do của người Cossack, giới quý tộc, đẳng cấp tăng lữ cũng như bình dân được bảo đảm.

Trong khi đó, Muscovy có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine về mặt quân sự, và họ lập tức phát động một cuộc tấn công chống lại Ba Lan, đồng thời gửi quân đội đến bảo vệ Kyiv. Quân đội Cossack của Bohdan Khmelnytsky sẽ được Sa hoàng trả lương từ các khoản thuế do chính quyền địa phương ở Ukraine thu được, và quân số của họ được cố định ở mức 60.000 người. Dựa trên quan điểm cũng như bối cảnh chiến tranh, chính quyền Cossack cam kết không tiến hành các cuộc đàm phán với Ba Lan hoặc đế quốc Ottoman mà không có sự cho phép của Sa hoàng".

Song, thực ra, có không ít điều khoản, như điều khoản về việc thu thuế ở Ukraine cho ngân khố của Sa hoàng, hay chuyện đàm phán riêng rẽ, đã không bao giờ được thực thi.

Những hạn chế và đặc điểm chính thức của Hiệp ước đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau về nó, cũng như những cách diễn giải khác nhau ở cả hai bên. "Chính quyền Cossack Ukraine chỉ coi đây là một liên minh quân sự và chính trị tạm thời. Tuy nhiên, đặc biệt là sau cái chết của Khmelnytsky, Muscovy đã sử dụng nó để biện minh cho sự can thiệp ngày càng tăng của họ vào các vấn đề nội bộ của Ukraine, theo đó hạn chế chủ quyền của Ukraine để cuối cùng vô hiệu hóa các điều khoản của Hiệp ước. Ngay sau khi Hiệp ước Pereiaslav được ký kết, các quan chức Muscovy đã đến thăm 117 thị trấn của Ukraine và hơn 127.300 người đàn ông Ukraine đã tuyên thệ trung thành với Sa hoàng".

Trên đây là quan điểm của giới nghiên cứu lịch sử Ukraine. Vấn đề là, trong suốt gần 4 thế kỷ qua, nhất là trong giai đoạn Liên bang Xôviết còn hiện hữu, quan điểm chính thống được thế giới thừa nhận rộng rãi hơn lại là: Hiệp ước Pereiaslav được coi là việc "tái thống nhất Ukraine với Nga". Cũng chính bởi vậy mà vào năm 1954 - tròn 300 năm Hiệp ước Pereyaslave, lãnh đạo Liên Xô chuyển giao bán đảo Krym từ Nga sang cho Ukraine quản lý, nhằm "củng cố tình hữu nghị của hai dân tộc anh em, dẫn đến sự phồn vinh hơn nữa của đất nước Ukraine Xôviết".  

Không ai ngờ, 60 năm sau, hành động này tạo thêm một vực sâu hun hút nữa trên "vùng đá nứt" ấy. Để Ukraine, nhất là phần lãnh thổ phía Tây, lại càng ngày càng không phải là Nga. 

"Pereiaslave là tên một đô thị cổ ở miền Trung Ukraine, nơi Hiệp ước được ký kết. Thành phố ấy cách thủ đô Kyiv khoảng 95 km về phía nam. Và cái tên đó có nghĩa là "Kế thừa vinh quang soi rọi của người Slave". Sau này, từ 1943 đến 2019, tên đầy đủ của nó là Pereiaslav-Khmelnytskyl. Đi kèm với cái tên này luôn là khái niệm Hội đồng Pereiaslav (Pereiaslav Rada) - tức là hội nghị chính thức của hội đồng liên minh cấp cao các nhóm Cossack, nhằm bàn thảo và chấp nhận việc thề trung thành với Sa hoàng năm 1654.

"Đối với Nga, Hiệp ước này đã dẫn đến sự hợp nhất đầy đủ của chính quyền Hetman (Hetmanate) vào nhà nước Nga, chứng minh rằng Sa hoàng đã thực sự trở thành "Chúa tể của toàn Nga". Vào thời điểm đó, Nga là phần duy nhất của Kievan Rus cổ xưa không bị thống trị bởi một thế lực nước ngoài nào. Do vậy, đương nhiên Moskva tự coi mình là người kế vị của Kievan Rus, cũng là lực lượng thực sự tái thống nhất tất cả các vùng đất cũ của Kievan Rus.




Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác