Cuộc truy lùng tài sản Nga
Thực ra, việc truy lùng tài sản của các tỉ phú người Nga đã được chính quyền lẫn các cơ quan truyền thông phương Tây, đặc biệt là Anh, quan tâm từ lâu, kể cả trước khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu. Các thông tin về tài sản của người Nga đã được các cơ quan chức năng ghi nhận thường xuyên và lưu trữ để theo dõi nhằm phuc vụ công tác điều tra tội phạm hoặc nhằm phục vụ mục đích chính trị khi cần thiết.
Bắt đầu từ tháng 2-2022, khi quân đội Nga điều quân đến gần biên giới Ukraine, các cơ quan truyền thông và tổ chức điều tra phi chính phủ ở phương Tây đã triển khai một chương trình điều tra tài sản của các tỉ phú Nga, gọi là Russian Asset Tracker (RAT). Nhóm truy lùng tài sản này bao gồm tổ chức Dự án Báo cáo tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), báo Süddeutsche Zeitung của Đức, báo The Guardian của Anh, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 25 cơ quan báo chí khác.
Thông tin về tài sản các tỉ phú Nga đã bắt đầu được nhóm truy lùng tài sản thu thập, tập hợp từ năm 2020, khi xảy ra vụ việc thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny chống đối Tổng thống Vladimir Putin bị điều tra và bắt giam, đưa ra xét xử vì các tội gian lận, tham nhũng. Navalny khi đó đóng vai trò như một “tay trong” của các tổ chức và các cơ quan chính quyền phương Tây tại Nga trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Ông này đã tuồn cho các chính quyền phương Tây danh sách 35 cá nhân, bao gồm các tỉ phú, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và các quan chức chính quyền Nga, từ người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng cho đến bộ trưởng được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin. Trong danh sách này có các tỉ phú nổi bật như Roman Abramovich, Alisher Usmanov, Oleg Deripaska và Igor Shuvalov. Tất cả những ai bị nghi ngờ có quan hệ mật thiết với Tổng thống Putin đều bị điều tra, cấm vận.
Thực ra, từ vài năm trước, khi xảy ra các vụ rò rỉ thông tin bí mật về tài sản cá nhân như vụ Hồ sơ Panama, vụ FinCEN và mới đây nhất là vụ tiết lộ thông tin tại Ngân hàng Credit Suisse, giới chức chính quyền Anh, Mỹ và EU đã có trong tay hồ sơ về tài sản của các tỉ phú Nga hoặc nghi ngờ liên quan đến các tỉ phú Nga và cả giới chức chính quyền, lãnh đạo các tập đoàn, công ty nhà nước Nga.
Theo tờ The Guardian, từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, nhóm truy lùng tài sản Nga đã bắt đầu nghiên cứu thông tin 145 tài sản do người Nga nắm giữ ở phương Tây, chủ yếu ở Anh, bao gồm 35 ngôi biệt thự lớn, 43 căn hộ, 27 lô đất, 7 chiếc du thuyền và 11 máy bay riêng, cũng như cổ phần trong các doanh nghiệp. Tổng trị giá của các tai sản này là hơn 17 tỉ USD.
Tuy nhiên, với số tài sản bị phong tỏa hiện tại của các tỉ phú Nga, chính quyền và các cơ quan truyền thông phương Tây cảm thấy còn chưa đủ. Họ cảm thấy còn nhiều tài sản nữa của các tỉ phú Nga nằm ở đâu đó khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và nhiều nơi khác. Trong số này có những tài sản chưa thể xác minh rõ ràng chủ sở hữu là ai, có thể do chủ tài sản đã khôn khéo che đậy kỹ.
Không từ biện pháp mạnh nào
Một tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Chính phủ Anh bắt đầu ban hành lệnh đóng băng (phong tỏa) tài sản của 7 tỉ phú người Nga. Các tỉ phú bị phong tỏa tài sản đợt đầu gồm Roman Abramovich - ông chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh; Oleg Deripaska - cổ đông lớn của Tập đoàn công nghiệp En+Group; Igor Sechin - Giám đốc điều hành tập đoàn Rosneft; Andrey Kostin - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VTB; Alexei Miller - Giám đốc điều hành Công ty năng lượng Gazprom; Nikolai Tokarev - Chủ tịch Công ty đường ống khí đốt Transneft và Dmitri Lebedev - người đứng đầu HĐQT Ngân hàng Rossiya. Đến tuần thứ 3 của cuộc chiến Ukraine, đã có 27 cá nhân người Nga bị Mỹ, Anh, EU và Canada phong tỏa tài sản, trong đó có tỉ phú Alisher Usmanov...
Trong các tỉ phú bị phong tỏa tài sản, tỉ phú Roman Abramovich được xem là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở Anh, ngoài câu lạc bộ Chelsea, ông còn bị phong tỏa 70 tài sản gồm biệt thự, nhà phố, đất đai, đặc bệt là hàng chục căn hộ, biệt thự, nhà phố ở Làng Chelsea, khu vực xung quanh sân vận động Stamford Bridge và Kensington Palace Garden. Ở châu Âu, Abramovich còn có nhiều tài sản khác bao gồm 2 du thuyền lớn, 4 máy bay riêng cùng cổ phần trong tập đoàn công nghiệp thép Evraz. Chính phủ Anh đã căn cứ vào quyền sở hữu trong tập đoàn Evraz để cấm vận Abramovich vì cho rằng ông đã sử dụng mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin để thu lợi trong hàng chục năm qua. Theo ước tính, tổng trị giá tài sản của Abramovich bị phong tỏa ở Anh và châu Âu lên đến gần 9 tỉ USD. Đồng thời, ông cũng bị cấm xuất, nhập cảnh nước Anh.
Ngoài tỉ phú Abramovich, nhiều tỉ phú khác cũng có tài sản bị thu giữ hoặc “đóng băng”. Chính phủ Đức đã thu giữ 1 du thuyền trị giá đến 600 triệu USD của ông Usmanov. Hàng loạt tài sản của các tỉ phú Deripaska, Igor Shuvalov,... cũng đều bị phong tỏa.
Theo quy định pháp luật ở Anh, việc đóng băng tài sản là nhằm ngăn chặn chủ sở hữu tài sản đó giao dịch, sử dụng tài sản đó để tạo thêm lợi nhuận, hưởng thụ tài sản và nhiều mục đích khác. Điều này có nghĩa là ông Abramovich chỉ có thể tiếp tục sử dụng tiền và nhà cửa, du thuyền, máy bay riêng sau khi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và Chính phủ Anh và các nước dỡ bỏ các lệnh phong tỏa, cấm vận.
Tuy nhiên, phát biểu trên truyền thông hôm 23-3, Tổng thống Nga Putin cho rằng việc các nước phương Tây ra lệnh “đóng băng” tài sản của người Nga và nước Nga nói chung là hành động trái luật.
Những miếng mồi... khó nuốt!
Nhóm RAT cũng cho rằng không phải tài sản nào của Abramovich cũng đều bị phong tỏa, mặc dù chúng được đăng ký công khai hoặc không công khai. Đặc biệt là những tài sản đăng ký tại các quốc gia nằm ngoài EU, các đảo quốc “thiên đường thuế” không tham gia liên minh chống Nga thì Mỹ, Anh, EU không thể áp đặt lệnh trừng phạt hoặc thuyết phục các quốc gia này tham gia trừng phạt.
Đặc biệt, ông Abramovich hiện cũng đang mang hộ chiếu Bồ Đào Nha do ông đã được chính phủ nước này cấp vào năm 2021 theo chương trình cấp quyền công dân cho người Do Thái Sephardic. Nhưng, khi EU bắt đầu chiến dịch phong tỏa tài sản người Nga, Bồ Đào Nha đã mở cuộc điều tra bất thường đối với quy trình cấp quốc tịch cho ông Abramovich vào năm ngoái. Cuộc điều tra chưa có kết quả chính thức. Ngoài ra, ông cũng đang là công dân Israel vì là người gốc Do Thái và đã tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội tại nước này. Israel từ chối tham gia trừng phạt Abramovich. Mới đây nhất, chính quyền Ukraine cũng đứng ra kêu gọi Washington không trừng phạt ông Abramovich nhưng với mục đích hy vọng ông này sẽ có thể đóng vai trò trung gian đàm phán Nga - Ukraine.
Alisher Usmanov cũng là một trong những tỉ phú nằm trong danh sách tài phiệt bị phong tỏa tài sản ở các nước phương Tây. Ông là một trong những tỉ phú giàu nhất nước Nga, với tài sản ước tính trị giá khoảng 18,4 tỉ USD vào năm 2021 và được xếp vào danh sách 100 người giàu nhất thế giới của Tạp chí Forbes. Ông từng là đồng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Arsenal và là cổ đông lớn của câu lạc bộ Everton của Anh, từng được xem là người giàu nhất nước Anh.
Nhóm RAT cho rằng ông Usmanov có thể là chủ sở hữu của những tài sản lớn ở Anh và nhiều nước EU nhưng chưa thể xác định được. Cũng như nhiều tỉ phú Nga khác, tài sản được cho là có liên quan đến tỉ phú Usmanov ở Anh và EU là khá lớn nhưng dường như ít được nhắc đến và ít có tài sản nằm trong diện phong tỏa. Qua điều tra của nhóm RAT, hàng loạt bất động sản cao cấp được cho là có liên quan đến ông Usmanov đăng ký tại Anh, Đức, Luxemburg, Latvia, Tây Ban Nha, Italy và đảo Man đang được chú ý và kiểm tra để xác định chủ sở hữu thực sự của chúng và cách xử lý phù hợp.
Ngoài chiếc du thuyền bị thu giữ ở Đức, việc phong tỏa tài sản của Usmanov đang được xem là thách thức lớn nhất đối với tất cả các cơ quan tham gia thực hiện lệnh trừng phạt. Usmanov có nhiều cách để né tránh phong tỏa tài sản. Cách thứ nhất là việc thành lập các quỹ tín thác không thể hủy ngang (irrevocable trust). Theo quy định pháp luật của nhiều nước, việc hủy ngang quỹ tín thác này phải có sự đồng ý của chính chủ thể tham gia quỹ. Sau khi thành lập các quỹ, Usmanov đã chuyển quyền sở hữu tài sản cá nhân mình sang cho các quỹ đứng tên và như thế, trên danh nghĩa ông không còn trực tiếp đứng tên chủ sở hữu chúng. Vì thế, chính phủ các nước không thể phong tỏa tài sản của ông.
Phương án thứ hai được ông Usmanov cũng như một số tỉ phú Nga khác áp dụng là thành lập và nắm quyền kiểm soát các công ty bình phong đăng ký tại các quốc gia không phải thành viên EU và nằm ngoài liên minh chống Nga, như Cyprus, đảo Man,… và sau đó để các công ty này đứng tên sở hữu các tài sản. Về mặt pháp lý, việc phong tỏa các tài sản này là không thể bởi chúng thuộc quyền sở hữu của chủ thể hợp pháp thuộc quốc tịch khác. Muốn nắm giữ các tài sản này thì Chính phủ Anh và các nước liên minh chỉ có cách gây áp lực buộc các quốc gia đó đồng ý phong tỏa hoặc hủy bỏ đăng ký của các công ty.
Ngoài ra, nhóm RAT cũng phát hiện ra việc Usmanov và nhiều tỉ phú Nga khác không trực tiếp đứng tên các tài sản mà giao cho người nhà, gồm cha mẹ, vợ, con, cháu, người thân tín,... đứng tên. Các tài sản xa xỉ được cho là thuộc sở hữu của tỉ phú Usmanov đăng ký tại Anh, Đức, Italy, Luxemburg, Latvia đều do người thân của ông đứng tên.
Sau khi các lệnh phong tỏa tài sản được Chính phủ Mỹ, Anh và các nước EU ban hành, các tỉ phú Nga đã ồ ạt tẩu tán du thuyền ra khỏi các quốc gia châu Âu, đưa đến những khu vực an toàn hơn, những đảo quốc mà lệnh phong tỏa không thể đụng đến. Những địa điểm lý tưởng đang được chọn lựa là Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) ở Trung Đông và đảo quốc Maldives nằm trong vùng biển Ấn Độ Dương. UAE là vương quốc của những tỉ phú xa xỉ, nơi từ lâu là địa điểm lý tưởng để các tỉ phú giàu có nhất thế giới ẩn náu một cách an toàn. Còn đảo quốc Maldives thì nằm cách xa châu Âu, nằm ngoài “vùng phủ sóng” của các quốc gia thù địch với nước Nga. Cả hai nơi này đều không tham gia liên minh chống Nga.
Nguồn: cand.com.vn