CÔNG AN BẠC LIÊU
Thực lòng “tưởng niệm” hay mượn cớ gây rối kích động
Cập nhật ngày: 17-03-2020
Thời gian gần đây, các cá nhân, tổ chức chống đối triệt để sử dụng chiêu bài “tưởng niệm” những người đã ngã xuống trong các sự kiện có liên quan tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), trận hải chiến Trường Sa (1988)… để tổ chức, kêu gọi nhằm thực hiện các hành vi biểu tình, gây rối trật tự công cộng.

Thời gian gần đây, các cá nhân, tổ chức chống đối triệt để sử dụng chiêu bài “tưởng niệm” những người đã ngã xuống trong các sự kiện có liên quan tới cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), trận hải chiến Trường Sa (1988)… để tổ chức, kêu gọi trên các diễn đàn mạng xã hội hoạt động tụ tập đông người tại những địa điểm công cộng như Bờ Hồ (Hà Nội); tượng đài Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) và một số thành phố lớn khác nhằm thực hiện các hành vi biểu tình, gây rối trật tự công cộng. 
 

Những cá nhân, tổ chức có hoạt động đó có thể kể đến: Nguyễn Lân Thắng, Lã Việt Dũng, Nguyễn Thuý Hạnh, tổ chức No-u, “Hội anh em dân chủ”, “Dân oan” … Hành vi này gây mất an ninh trật tự.

 
Trò “tưởng niệm” các đối tượng tung hô trên facebook.
 

Vậy “tưởng niệm” ở đây thực sự là gì?
 

Nhắc đến hai chữ “tưởng niệm” là nhắc đến một hoạt động trang trọng nhằm tưởng nhớ đến người đã mất với lòng tôn kính và biết ơn. Hoạt động tưởng niệm không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều tổ chức như ở Mỹ có “Ngày Chiến sĩ trận vong” (Memorial Day) được tổ chức thường niên vào thứ hai cuối cùng của tháng 5. 
 

Vào ngày này, người Mỹ sẽ viếng thăm các nghĩa trang và đài tưởng niệm chiến tranh, cờ Mỹ cũng được để rủ tới trưa theo giờ địa phương. Hoặc các nước châu Á hằng năm vẫn tổ chức hoạt động tưởng niệm nạn nhân thảm hoạ sóng thần ngày 6/12/2004, trận động đất gây sóng thần dữ dội nhất thế giới đã khiến hơn 230.000 người thiệt mạng…
 

Như vậy, có thể thấy tưởng niệm là một trong những hoạt động mang tính tôn nghiêm và thường diễn ra ở nghĩa trang hoặc các cơ sở thờ tự với mục đích tưởng nhớ những người đã mất.
 

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, hoạt động kêu gọi “tưởng niệm” thời gian qua được các cá nhân, tổ chức trong nước mượn cớ để thực hiện mưu đồ cá nhân, chống phá, như cái gọi là “Hội anh em dân chủ”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”…
 

Dưới sự chỉ đạo, điều hành và tài trợ tài chính của các tổ chức phản động lưu vong, đặc biệt là tổ chức khủng bố Việt Tân tài trợ được tổ chức dưới dạng tụ tập đông người tại các khu vực công cộng, hô hào kích động, gây rối, quay phim ghi hình đưa lên mạng internet nhằm gây sự chú ý của người dân và dư luận quốc tế. 
 

Bên cạnh đó, họ lợi dụng hoạt động tưởng niệm để lồng ghép, tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hòng làm sai lệch thông tin, tình hình về Biển Đông, trận hải chiến Trường Sa 1988, đòi thả tự do cho những kẻ chống đối đã bị pháp luật trừng trị. 
 

Từ đó, vu khống nhà nước Việt Nam đã bán biển đảo cho Trung Quốc, che giấu thông tin, đàn áp người yêu nước, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền quốc tế đối với Việt Nam, kêu gọi Mỹ cấm vận Việt Nam; kích động người dân hiếu kỳ đứng xem và trực tiếp thực hiện các hành vi lăng mạ, tấn công lực lượng chức năng đang đảm bảo an ninh, trật tự.
 

Như vậy, thay vì tổ chức các hoạt động “tưởng niệm” tại nghĩa trang liệt sĩ hay một cơ sở thờ tự nào đó với mục đích, ý nghĩa nhân văn thì các cá nhân, tổ chức trên lại tổ chức hoạt động “tưởng niệm” tại khu vực công cộng, nơi có đông người dân và khách du lịch quốc tế qua lại nhằm phô trương thanh thế và gây rối trật tự công cộng, chống phá Đảng, Nhà nước.
 

Âm mưu đằng sau các hoạt động “tưởng niệm”?
 

Có thể thấy rằng, hành động lợi dụng mạng xã hội Facebook kêu gọi “tưởng niệm” để kích động số đối tượng chống đối và người dân thiếu hiểu biết trong nước tập trung đông người, gây rối trật tự công cộng của các tổ chức mang danh “xã hội dân sự”, tổ chức khủng bố Việt Tân… thực sự là các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước là các bước trong chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay. 
 

Đặc biệt, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các sự kiện phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, tới lòng yêu nước của nhân dân để lừa mị, lôi kéo, kích động người dân biểu tình, chống đối chính quyền. Âm mưu sâu xa là tập hợp lực lượng tiến tới cuộc “cách mạng màu” bạo loạn lật đổ chế độ, mở đường cho sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, đưa đất nước rơi vào cảnh xung đột vũ trang, chia cắt như Lybia, Sirya, Ukraina thời gian qua.
 

Việc người dân thể hiện lòng yêu nước, hoạt động tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của dân tộc, thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho công việc đất nước là điều rất đáng trân trọng. 
 

Nhưng mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để thể hiện lòng yêu nước đúng chỗ, đúng thời điểm trên cơ sở pháp luật. 
 

Người yêu nước chân chính là người biết thực hiện quyền và lợi ích của mình trên cơ sở pháp luật, biết tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. 
 

Luôn bình tĩnh, tỉnh táo tiếp nhận thông tin; biết chọn lọc, lắng nghe thông tin, biết cảnh giác, tự bảo vệ mình không nghe theo những luận điệu lừa mị, xuyên tạc của các cá nhân, tổ chức phản động trên mạng xã hội; không để lòng yêu nước của mình bị lợi dụng vào mục đích xấu.
 

Việc thể hiện lòng yêu nước bằng cách tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các công dân là vi phạm pháp luật và là “phản yêu nước”. 
 

Đối với các hành vi lấy cớ tưởng niệm để kêu gọi ủng hộ về tiền bạc, vật chất, đây cũng là chiêu trò các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng ở hải ngoại hoặc kêu gọi trên mạng internet. 
 

Thực chất, đây là cái cớ để các tổ chức phản động lấy tiền tài trợ, hỗ trợ nhằm phục vụ các hoạt động chống đối, điển hình cho hành vi này là tổ chức khủng bố Việt Tân.
 

Đất nước Việt Nam trải qua những năm tháng chiến tranh, mất mát, đang trong quá trình xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. 
 

Hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước ta luôn mong muốn nhân dân ta và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cùng đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, biến lòng yêu nước thành hành động thiết thực, cụ thể đóng góp xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước; vì một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác