Ngày 19-2, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Đối thoại thường niên về nhân quyền. Một ngày sau, phía EU đã chính thức ra thông cáo về kết quả cuộc đối thoại, trong đó cho biết: “Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và EU, vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy, bảo vệ nhân quyền kể từ Vòng Đối thoại trước”.
Thông cáo cũng khẳng định: “EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87”.
Như vậy, tại Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – EU lần này, phía EU đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua. Điều này minh chứng thành công của Việt Nam trong việc thông tin với thế giới về những nỗ lực, cố gắng bảo vệ quyền con người theo Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước mà chúng ta tham gia hoặc ký kết. Đây cũng là kênh thông tin khách quan, phản bác lại những cáo buộc xung quanh vấn đề nhân quyền của một số tổ chức, cá nhân có quan điểm thù địch với Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, theo dõi những hoạt động bên lề và trước thềm phiên đối thoại, tương tự như những lần trước, một số tổ chức đội lốt nhân quyền quốc tế lại tìm mọi cách xuyên tạc, can thiệp trắng trợn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; đưa ra những yêu sách, kiến nghị EU cần có những biện pháp mạnh tay răn đe, trừng phạt Việt Nam, bất chấp những thành tựu được ghi nhận.
Điểm tên các tổ chức này có thể kể đến như tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam “chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm”; Liên đoàn quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên là Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam (VCHR) hôm 17-2 ra thông cáo kêu gọi EU gây sức ép với Việt Nam để "cải thiện tình hình nhân quyền trong nước" nhân Đối thoại Nhân quyền Việt Nam – EU năm 2020…
Trong các “thư kêu gọi”, “thông cáo”, các tổ chức này công nhiên thúc giục, gây sức ép để EU yêu cầu phía Việt Nam “chấm dứt việc đàn áp các tổ chức xã hội dân sự”, “trả tự do ngay lập tức cho các “tù nhân lương tâm” (thực chất đây là hành vi vu cáo, đánh lận bản chất với những đối tượng phạm tội, bị bắt, xét xử, kết án tù về hành vi tội phạm quy định trong BLHS thành các khái niệm như “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”). Những điều các tổ chức, cá nhân này nêu ra chủ yếu là phỏng đoán, suy diễn, vu cáo, tạo ra cái cớ để làm ngòi nổ chống phá.
Chẳng hạn, để ngụy biện cho các yêu sách, kiến nghị được nêu, các tổ chức này đưa ra những dẫn chứng sai lệch, mang tính quy chụp để quy kết rằng: tình trạng “đàn áp người bất đồng chính kiến tại Việt Nam liên tục gia tăng”, hay các điều luật về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 2015 hướng đến việc “đàn áp và cản trở việc thực thi quyền con người”! Từ đó, mặc nhiên vu cáo, phê phán: Các quyền căn bản của người lao động, vấn đề tranh chấp đất đai, điều kiện giam giữ trong tù và tình trạng người chết khi bị tạm giam “đang thực sự báo động”.
Một đoạn trong thông cáo của FIDH và VCHR viết rằng: “Kể từ lần Đối thoại Nhân quyền EU - Việt Nam được tổ chức vào ngày 4-3-2019, giới chức Việt Nam đã tiếp tục sách nhiễu, hành hung và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của người lao động, quyền môi trường và đất đai, các bloggers, nhà báo, những người chỉ trích Chính phủ và những người theo đạo. Từ ngày 5-3-2019 đến ngày 2-2-2020, Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm 3 phụ nữ) và kết án 42 người (bao gồm 5 phụ nữ) những án tù lên đến 12 năm”.
Mặc dù những con số đưa ra khá cụ thể, rõ ràng nhưng “cáo lòi đuôi”, lộ rõ chân tướng đánh tráo bản chất để chỉ trích, chống phá Nhà nước Việt Nam khi lấy râu ông cắm cằm bà, đưa những người phạm các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự để lắp vào cái râu “nhân quyền, dân chủ”! Hầu hết các thông tin mà họ công bố được thu thập bằng những cách không chính thống, được cung cấp bởi những cá nhân, tổ chức có quan điểm thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Việc nhận diện bản chất hành vi, tội danh của các cá nhân bị bắt, xử lý như được nêu sai lệch thực tế khiến nếu ai không hiểu, đọc qua những nội dung các tổ chức này đưa ra sẽ thấy bức tranh nhân quyền, thực thi nhân quyền tại Việt Nam trở nên ảm đạm.
Đây không phải lần đầu tiên HRW, FIDH, VCHR đưa ra những lập luận kiểu này nhằm hướng tới mục đích gây áp lực, buộc giới chức của EU phải lên tiếng thúc ép, yêu cầu Việt Nam “cải thiện tình hình nhân quyền”. Điều này càng chứng minh thực tế, “thư ngỏ”, “thông cáo” của các tổ chức này thực chất là việc vận dụng, nhân danh chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của họ; là công cụ nhằm can thiệp, gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động phạm vi quốc tế, khu vực.
Minh chứng mới nhất trong vấn đề này là cùng với những yêu sách được nêu ra, HRW, FIDH, VCHR đã đồng thanh bày tỏ “quan ngại” sau khi Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA). Một sự can thiệp trơ trẽn, lố bịch bởi thực tế rằng, Hiệp định EVFTA được thông qua với sự đồng thuận rất cao của các nước thành viên EU và được dư luận quốc tế đánh giá là bước tiến quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ, gia tăng sự hiểu biết, tin tưởng giữa Việt Nam và EU. Sự thật hiển nhiên như vậy mà còn “chọc gậy bánh xe”, cho thấy ý đồ chống phá của những tổ chức này quyết liệt đến mức nào.
Cùng với nhiều thành quả lớn từ quá trình hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, thực tiễn gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã và đang chứng minh cho thế giới thấy rõ sự tiến bộ mọi mặt, vượt bậc, trong đó có vấn đề nhân quyền. Việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người, công dân; vấn đề quyền tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được nhà nước Việt Nam quan tâm, từ trong văn bản đến thực thi trên thực tế.
Sự cố gắng và thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người đã được nhiều tổ chức quốc tế, chính giới các nước ghi nhận, đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để Việt Nam được tín nhiệm, giao phó các cương vị quan trọng trên trường quốc tế, như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhiều tổ chức quan trọng khác.
Trong phiên làm việc ngày 25-1-2019, nhóm làm việc về Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định: Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.
Để có những bước tiến quan trọng, vững chắc trong công tác nhân quyền, thực thi quyền con người, trong những năm qua, ưu tiên hàng đầu được Việt Nam thực hiện là hệ thống pháp luật về các vấn đề liên quan được xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đồng thời tính đến yếu tố lịch sử văn hóa truyền thống và điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước.
Mục tiêu cao nhất mà hệ thống pháp luật Việt Nam hướng tới là bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Mọi công dân sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay trình độ đều bình đẳng trước pháp luật. Những trường hợp mà FIDH và VCHR gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà bất đồng chính kiến” đã và đang bị chính quyền Việt Nam kết án tù, thực chất đó là những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam và họ phải chịu những hình phạt của luật pháp.
Việc công khai thúc ép, đòi trả tự do cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật của FIDH và VCHR là hành động trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế.
Đối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam và EU là hoạt động thường niên, diễn ra nhiều năm nay. Đây là diễn đàn quan trọng để Việt Nam thể hiện tiếng nói, quan điểm chính thức về vấn đề nhân quyền; đấu tranh lại những quan điểm, luận điệu sai trái, vu khống. Việc HRW, FIDH, VCHR… có các hoạt động can thiệp chỉ là chiêu trò “bổn cũ soạn lại”.
Với thực tế những gì đã diễn ra, những thành quả Việt Nam đạt được và sự ghi nhận trên trường quốc tế, mưu đồ chống phá bằng trò bấu víu núp bóng dân chủ, nhân quyền của các tổ chức, cá nhân nói trên càng phơi bày sự trơ trẽn, lố bịch.
Nguồn cand.com.vn