CÔNG AN BẠC LIÊU
Xe cấp cứu bất lực dù cách nạn nhân 1m
Cập nhật ngày: 9-03-2016, lượt xem: 142
"Nói là cấp cứu nhưng có khi chỉ còn cách nạn nhân 1-2m, chúng tôi cũng không thể tiếp cận được hiện trường", Giám đốc 115 Hà Nội chia sẻ.

Bác sỹ bị đuổi đánh vì... tắc đường

Dư luận luôn trách cứ khi xe cấp cứu đến trễ nhưng Giám đốc Trung tấm Cấp cứu 115 Hà Nội Nguyễn Văn Sáu chia sẻ, phía sau còn hàng loạt những câu chuyện hậu trường ít ai biết.

BS Sáu cho biết, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo để đảm bảo hoạt động cấp cứu kịp thời, cứ 1 triệu dân phải có 15 kíp cấp cứu. Tại Hà Nội có khoảng 10 triệu dân nhưng tổng số kíp cấp cứu chỉ có 14, bằng 1/10 mức khuyến cáo với 5 trạm gồm: Trạm trung tâm, Thanh Trì, Hà Đông, Gia Lâm và Bắc Từ Liêm.

cấp cứu, 115, sơ cứu, cấp cứu ban đầu, cấp cứu đúng cách
Kíp cấp cứu 115 tại Hà Nội hiện chỉ mới đáp ứng 1/10 so với khuyến cáo của WHO. Ảnh: T.Hạnh

"Tổng nhân lực của chúng tôi chỉ có 32 bác sĩ, 64 điều dưỡng. Để quay vòng đủ 3 ca/ngày, nhiều người đã phải làm 16 tiếng/ngày", BS Sáu chia sẻ.

Ngoài chuyện xe thiếu, người thiếu, ông Sáu cũng than xe cấp cứu 115 thường xuyên phải chịu cảnh hú còi nhưng không ai tránh khi ùn tắc diễn ra mọi lúc, mọi nơi như hiện nay.

"Khi đến muộn, nhẹ thì bị chửi mất mặt, nặng thì bị đuổi đánh, nhiều nhân viên 115 đã bị đánh rồi. Chỉ khi lên xe ngồi cùng họ mới biết tắc đường kinh hoàngđến thế nào", BS Sáu kể.

Theo BS Sáu, đã trực cấp cứu, ai cũng muốn đến giúp bệnh nhân sớm nhất có thể, không ai nhẫn tâm đủng đỉnh làm ngơ nhưng thực tế cấp cứu đến nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào giao thông, vào ý thức người dân, những cái này không một sớm, một chiều cải thiện được.

"Nhiều chuyến chúng tôi bị tắc đường, đến nơi đã quá trễ nhưng cũng có khi chỉ cách nạn nhân 1-2m vẫn không thể làm được gì. Như vụ nổ pháo hoa ở Phú Thọ, xe cấp cứu len đến nơi, người dân chen lấn, nhảy cả lên nóc xe 115 rồi xe công an, quây kín xung quanh, không ai mở được cửa xe", BS Sáu nhớ lại.

Để giảm thời gian xe cấp cứu di chuyển trên đường, BS Sáu cho biết, trung tâm đang xây dựng bộ đàm, kết nối với VOV giao thông để xem đi đường nào ít tắc nhất, nhanh nhất.

Tập huấn xong "vứt xó"

Trong khi hệ thống cấp cứu 115 tại Việt Nam vẫn còn đang mỏng, kỹ năng sơ cứu tại chỗ của người dân lại chưa được cộng đồng quan tâm, trong khi với các nạn nhân tai nạn, nếu được sơ cứu ban đầu đúng cách có thể giúp tăng 50% cơ hội sống.

BS Sáu cho biết, những năm qua, trung tâm đã nhận lời tập huấn cho rất nhiều trường học, công ty về kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, có lớp 2 ngày, có lớp 1 tuần. Nhưng thực tế học xong không ai thực hành lại nên sau một thời gian "đâu lại đóng đó".

Cũng từng tham gia giảng dạy nhiều lớp tập huấn cho công an, giáo viên, BS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức cho rằng, học mà không thực hành thì cũng bằng không.

cấp cứu, 115, sơ cứu, cấp cứu ban đầu, cấp cứu đúng cách
Hướng dẫn sơ cứu ngừng thở trên mô hình. Ảnh: Nguyễn Chính

BS Chính cho hay, ở nước ngoài, khung tập huấn trong cộng đồng thường kéo dài 1 tuần, tập trung thực hành 10 kỹ năng như hô hấp thổi ngạt, ép tim, kiểm soát chảy máu, đặt nẹp, băng bó... Còn tại Việt Nam, các khóa tập huấn thường chỉ kéo dài 3 ngày, tập trung vào 3 kỹ năng cơ bản đầu tiên.

"Chúng tôi phải cho tập đi tập lại trên mô hình nhưng có người cả ngày mới làm được sơ cứu ngừng thở, có người thổi mãi không được. Chưa kể một số trường hợp chỉ đi học cho có", BS Chính kể.

Theo BS Chính, ở hầu hết các nước hiện đã có hệ thống Paramedic, trong đó lực lượng cấp cứu ban đầu không phải là nhân viên y tế mà là lực lượng chuyên biệt, cảnh sát, cứu hỏa. 3 lực lượng này đều được tập huấn cấp cứu ban đầu như nhau, hỗ trợ nhau.

"Họ cũng có chương trình tư vấn, hướng dẫn cấp cứu qua điện thoại. Như vụ tai nạn Camry ở Long Biên vừa qua, trên đường đến hiện trường, bác sĩ có thể giữ liên lạc với người gọi rồi hướng dẫn từng bước sơ cứu cho nạn nhân trong khi chờ xe 115 đến", BS Chính đề xuất.

cấp cứu, 115, sơ cứu, cấp cứu ban đầu, cấp cứu đúng cách
BS Chính đề xuất nên tập trung nâng cao kỹ năng sơ cứu cho lực lượng công an vì lực lượng này thường có mặt sớm nhất

Nên nâng cao kĩ năng cấp cứu cho công an?

BS Chính cho rằng, tại Việt Nam khi có tai nạn, công an thường có mặt sớm nhất, do đó cần dạy sâu hơn kỹ năng sơ cứu cho lực lượng này và cung cấp thêm cho họ các phương tiện y tế tối thiểu trong khi chờ nâng cấp đường sá, mua thêm xe.

BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đề xuất thêm, Việt Nam có thể áp dụng mô hình trực 113: Khi có cuộc gọi cấp cứu, trung tâm điều phối tùy tình hình tắc đường và báo cáo ban đầu của công an về tình trạng nạn nhân sẽ quyết định có điều thẳng xe cấp cứu đến hay huy động y tế phường gần nhất ra tham gia xử lý ban đầu trong lúc chờ xe cấp cứu.


Nguồn vietnamnet.vn
Các tin khác