Ngày 8/3, Cục Quản lý Dược cho biết, trên toàn quốc hiện có 2 loại vắc xin ngừa não mô cầu là Polysaccharide meningococcal AC của Sanofi, Pháp và vắc xin VA-MENGOC-BC của Cuba, cả 2 đều có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Từ tháng 7/2015 đến nay, đã có hơn 90.000 liều vắc xin AC và 400.000 liều vắc xin BC được nhập khẩu về Việt Nam.
Nhiều tuần qua, các cơ sở tiêm chủng luôn khan hiếm vắc xin ngừa não mô cầu AC |
Tuy nhiên, sau khi một số địa phương xuất hiện các ca não mô cầu và ghi nhận ca tử vong, nhiều người dân đã đổ xô đưa con đi tiêm vắc xin AC khiến tình trạng khan hiếm loại vắc xin này xảy ra cục bộ. Trong khi vắc xin BC vẫn còn dư 150.000 liều trong kho hàng của công ty nhập khẩu.
Trước tình hình trên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong tháng 4 tới, Việt Nam sẽ nhập thêm 60.000 liều vắc xin AC và 100.000 liều vắc xin BC.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh theo dõi sát diễn biến dịch não mô cầu và nhu cầu tiêm chủng của nhân dân để kịp thời dự trù, lập kế hoạch gửi tới các công ty nhập khẩu, kinh doanh vắc xin để có phương án điều tiết, liên hệ mua thêm. Cục Quản lý Dược sẽ cử cán bộ trực để giải quyết các dự trù, đơn hàng nhập khẩu vắc xin đáp ứng nhu cầu đặc thù của cơ sở tiêm chủng.
Có thể tiêm kết hợp AC và BC Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, vi khuẩn viêm não mô cầu gồm 6 type cơ bản là A, B, C, W135, X, Y. Tại Việt Nam hay gặp nhất là type A, B. Do đó người dân có thể tiêm cả 2 loại vắc xin BC (ngừa type B, C) và AC (ngừa type A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch. Ông Cảm cho biết, vắc xin AC sẽ được tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, 2 mũi cách nhau 3 năm, vắc xin BC tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, 2 mũi cách nhau 6-8 tuần. Người lớn cũng có thể tiêm bình thường. "Người dân nên tiêm dự phòng từ sớm, không nên đợi có dịch mới lo lắng đi tiêm dẫn đến thiếu vắc xin cục bộ", ông Cảm khuyến cáo. Hiện tại, mỗi mũi tiêm AC và BC có giá khoảng 200.000 đồng. |