Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, trường hợp trẻ đầu nhỏ phát hiện ở Đắk Lắk nhiều khả năng do virus Zika và ghi nhận đây là trường hợp mang dị tật đầu tiên tại Việt Nam.
Chị H.B kể lại việc bị sốt khi mang thai |
Đó là trường cháu H.L (5 tháng tuổi, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika gây ra.
Chị H.B (23 tuổi, mẹ bệnh nhận H.L) kể, khi mang thai đến tháng thứ ba thì chị bị nổi ban khắp người. H.B chỉ nghĩ là bệnh vặt, xuất hiện trong quá trình thai nghén nên không đi khám mà tự mua thuốc về uống. Các nốt phát ban sau đó tự biến mất.
Đến tháng thứ sáu của thai kỳ, H.B tiếp tục bị sốt và cũng tự mua thuốc về uống và tự khỏi.
“Trong suốt quá trình mang thai, tôi ăn uống đầy đủ, làm việc bình thường, và không đi đâu xa. Hai lần bị sốt, tôi tự mua thuốc về uống, không đi khám vì nghĩ do thay đổi cơ thể khi mang thai” - H.B tâm sự.
Cũng theo lời H.B, khi mang thai đến tháng thứ tám, chị đến phòng khám tư nhân siêu âm thì bác sĩ thông báo thai nhi có biểu hiện đầu nhỏ bất thường.
Đến ngày 12/6, H.B hạ sinh hạ bé gái nặng 2,6kg tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Chị H.B cho biết, từ khi chào đời đến nay, cháu H.L có bị viêm đường hô hấp nhẹ một lần, ngoài ra không ốm đau gì.
Tuy nhiên, do thấy con gái quá nhỏ, gia đình H.B đã đưa con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk và Bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP.HCM để thăm khám. Tại đây, bệnh viện chẩn đoán cháu H.L bị chứng đầu nhỏ nghi nhiễm virus Zika.
Cháu H.L được chẩn đoán bị chứng đầu nhỏ do nhiễm Zika |
“Khi nhận kết quả gia đình tôi rất lo lắng. Tôi có biết về bệnh sốt xuất huyết, còn bệnh Zika thì chưa nghe đến bao giờ. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà mình bị nhiễm bệnh. Hiện tại cháu H.L đã nặng 5,2 kg, sức khỏe bình thường nhưng thở nặng, hay phát ra tiếng khò khè, đầu thì không phát triển” – mẹ H.L chia sẻ.
Theo chị H.B, vợ chồng có hai mặt con, đứa đầu đã 5 tuổi, phát triển bình thường. Trong gia đình không có ai bị dị tật bẩm sinh. Quá trình mang thai cháu H.L chị vẫn đến cơ sở y tế khám thai định kỳ.
Mối liên hệ Zika và sốt xuất huyết
Theo GS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thông thường một đứa trẻ mới sinh ra có vòng đầu 35cm. Ở độ tuổi như cháu H.L, số đo vòng đầu trung bình phải đạt 37cm. Tuy nhiên, cháu bé chỉ có số đo vòng đầu 31cm, đây là biểu hiện chính xác của bệnh đầu nhỏ.
Ông Phu cho biết, có nhiều nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi (do bà mẹ khi mang thai nhiễm virus sởi, rubella, một số do vi khuẩn, nhiễm độc hóa chất…). Tuy nhiên, các nguyên nhân này đã được loại trừ và kết quả xét nghiệm của Nhật Bản đã khẳng định bệnh nhi mắc Zika.
Cũng trưởng Cục y tế dự phòng cũng chia sẻ, trong những năm qua, tình hình sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2016, đại dịch này đã bùng phát khó lường tại các tỉnh Tây Nguyên. Ông Phu cho biết, giữa SXH và vi rút Zika lại có mối liên hệ song hành với nhau.
“Nơi đâu có SXH là nơi đó có vi rút Zika, người nhiễm vi rút Zika có thể sốt nặng nhưng cũng có thể bệnh nhẹ và rất nhẹ chẳng hạn như phát ban, viêm kết mạc…nên rất khó nhận biết” – ông Phu phân tích.
Khu vực nơi chị H.B sinh sống ghi nhận từng có dịch SXH |
Theo ông Phu, nơi chị H.B sinh sống đã có SXH, tức là đã có mầm mống của virus Zika.
Ông Phu khuyến cáo, dịch bệnh Zika bùng phát, lo nhất là các thai phụ. Tuy nhiên, các bà mẹ không nên hoang mang mà cần chủ động các biện pháp phòng bệnh. Đó là phải tăng cường phòng bệnh cá nhân, diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng, mặc áo dài tay, xoa kem chống muỗi, ngủ màn ngay cả vào ban ngày…
Bác sĩ Phạm Văn Lào – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi phát hiện cháu H.L chào đời có biểu hiện đầu nhỏ nghi do Zika, ngành y tế đã có nhiều hỗ trợ gia đình trong quá trình thăm khám, xét nghiệm tìm nguyên nhân.
“Ngành y tế đã đưa các máy siêu âm, xét nghiệm về tận trạm y tế xã khám siêu âm, xét nghiệm miễn phí cho các trường hợp phụ nữ mang thai. Đến nay, địa phương chưa ghi nhận thêm trường hợp nào bị chứng đầu nhỏ” – bác sĩ Phạm Văn Lào thông tin.
Theo: Vietnamnet.vn