Theo Tổng cục Hải quan, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp. Đơn cử, ngày 26/1, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy - Cục Hải quan Hà Tĩnh phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Hà Tĩnh), Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bắt giữ đối tượng đang vận chuyển trái phép 8.000 viên ma túy tổng hợp.
Đặc biệt, vào khoảng 16h ngày 5/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán), tại khu vực bản Cù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, các lực lượng gồm: Công an huyện Kỳ Sơn, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã bắt quả tang đối tượng Già Xái Phia, SN 1975, trú bản Huồi Xài, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tang vật 2 bánh heroin (655 gam), 6.000 viên ma túy tổng hợp, gần 3kg ketamine. Hiện ban chuyên án đang phối hợp với các lực lượng liên quan để điều tra mở rộng chuyên án.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh. Đặc biệt, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp Methamphetamine trái phép sang Hồng Kông (Trung Quốc).
“Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP Hồ Chí Minh, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan (Trung Quốc), Philippines bằng đường biển, đây là hiện tượng đáng báo động”, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh và cho biết thêm, trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).
Thượng tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng phòng, chống tội phạm ma túy (Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết, các đối tượng, đường dây ma túy quốc tế đã lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy trái phép với phương thức trà trộn ma túy vào các container hàng hóa khác nhau như: Thực phẩm, đồ uống, hải sản đông lạnh, đá, phế liệu... đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Tại các địa bàn ven biển, tình trạng mua bán và sử dụng các loại ma túy tổng hợp diễn ra với xu hướng ngày càng gia tăng, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Phòng Phòng, chống tội phạm ma túy sẽ tiếp tục tham mưu cho Cục Nghiệp vụ và pháp luật chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng khác trong xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; kế hoạch đấu tranh bắt giữ các đối tượng, đường dây phạm tội về ma túy; hỗ trợ lực lượng, phương tiện kỹ thuật trong giám sát đối tượng, tàu thuyền trên biển, trao đổi các thông tin về phương thức, thủ đoạn và các loại ma túy mới....”, Thượng tá Phan Quang Huy cho hay.
Trong thời gian tới, ngành Hải quan, đặc biệt là lực lượng chống buôn lậu tiếp tục tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; mặt hàng trọng điểm, rủi ro cao... Tập trung kiểm soát chặt chẽ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường bộ và đường hàng không; xây dựng phương án đấu tranh với các đối tượng lợi dụng việc nhập khẩu hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi lợi dụng chính sách, thủ tục đối với việc từ chối nhận hàng và tái xuất để buôn lậu. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Nguồn: cand.com.vn