Reuters hôm 24/4 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cùng ngày đã ký thông qua các khoản viện trợ nước ngoài, trong đó có 60,84 tỷ USD cho Ukraine, sau khi được Hạ viện và Thượng viện phê duyệt.
Phát biểu về sự kiện này, ông Joe Biden tuyên bố: "Gói ngân sách cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho đối tác của Mỹ để họ có thể tự bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa đối với chủ quyền. Chúng tôi cam kết các chuyến hàng viện trợ cho Ukraine sẽ bắt đầu khởi hành trong vài giờ tới".
Tổng thống Biden cũng chỉ trích những thành viên đảng Cộng hòa đã chặn gói viện trợ, nhấn mạnh rằng việc thông qua gói viện trợ liên quan trực tiếp đến lợi ích và sự an toàn của Mỹ, giúp nước này duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới.
Được biết, với gói viện trợ này, khoảng 23 tỷ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ vũ khí, tạo điều kiện tiếp tục chuyển khí tài cho Ukraine; 14 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép Lầu Năm Góc trực tiếp mua vũ khí từ các nhà thầu để chuyển tới Ukraine; 11 tỷ USD dành để tài trợ cho hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực; khoảng 8 tỷ USD dành cho hỗ trợ phi quân sự, giúp chính phủ Ukraine duy trì các hoạt động cơ bản như trả lương và lương hưu.
Theo giới quan sát, đây nhiều khả năng là đợt viện trợ cuối cùng cho Ukraine trước khi Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống và lưỡng viện quốc hội vào tháng 11 tới.
Về phần mình, điện Kremlin tuyên bố, gói viện trợ của Mỹ sẽ không thay đổi được cục diện chiến trường hiện nay.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho biết, châu Âu phải tiếp tục tăng cường viện trợ sang Ukraine, ngay cả sau khi gói viện trợ lớn của Mỹ được phê duyệt. Dù vậy, ông Scholz nêu rõ rằng Đức kiên quyết từ chối gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.
Nguồn: cand.com.vn