CÔNG AN BẠC LIÊU
“Pháo sáng” cho các đồng minh của Mỹ
Cập nhật ngày: 22-04-2024, lượt xem: 44
Hạ viện Mỹ ngày 20/4 (giờ địa phương) đã nhanh chóng thông qua gói viện trợ khổng lồ cho các đồng minh và dự luật quy định việc tịch thu tài sản của Liên bang Nga bị phong tỏa trong các ngân hàng của Mỹ để chuyển chúng vào một quỹ đặc biệt dành cho Ukraine. Sau khi Hạ viện thông qua, các dự luật trên cần được Thượng viện Mỹ phê duyệt trước khi gửi tới cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Gói viện trợ trên trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD cho Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel và 8 tỷ USD cho các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, dự luật viện trợ cho Ukraine nhận được 311 phiếu thuận và 112 phiếu chống; dự luật viện trợ cho Israel nhận được 366 phiếu thuận và 58 phiếu chống; dự luật viện trợ cho các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận được 395 phiếu thuận và 34 phiếu chống.

Đối với gói viện trợ Ukraine, số tiền này sẽ cung cấp gần 14 tỷ USD để đào tạo, trang bị và tài trợ cho các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng “các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả” để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có cả ngành năng lượng và cơ sở hạ tầng. Nhấn mạnh đây là những dự luật rất quan trọng,

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố: “Tôi biết có không ít người chỉ trích dự luật này. Chúng tôi không cho rằng, đây là một dự luật hoàn hảo trong thời điểm chính phủ bị chia rẽ và có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng không thể nghi ngờ rằng, Hạ viện đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ và dự luật mà chúng tôi gửi tới Thượng viện giờ đã tốt hơn nhiều”.

21_4_2024_quocte_quochoimy.jpg -0
Cuộc bỏ phiếu ngày 20/4 tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN

Gói dự luật nói trên sẽ được chuyển lên Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số, xem xét thông qua. Cơ quan này sẽ bắt đầu xem xét gói dự luật vào ngày 23/4. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện đều bày tỏ sẵn sàng nhanh chóng thông qua gói dự luật này. Dự kiến, quá trình này sẽ được hoàn tất vào tuần tới, trước khi chuyển lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh đối với quyết định của Hạ viện, nhấn mạnh động thái này phát đi thông điệp rõ ràng về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington, đồng thời kêu gọi Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật để ông có thể ký ban hành luật.

Trước đó, ngày 17/4, Tổng thống Joe Biden cho biết, nếu các dự luật được thông qua, ông sẽ ngay lập tức ký thành luật để gửi thông điệp tới thế giới rằng: Mỹ luôn sát cánh bên các nước bạn bè. Trong khi đó, bày tỏ lòng cảm kích đối với quyết định trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, việc Hạ viện Mỹ phê duyệt hàng tỷ USD viện trợ quân sự mới cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và “việc bảo vệ nền văn minh phương Tây”. Ngoại trưởng Israel Israel Katz thì bình luận, động thái của Hạ viện Mỹ “gửi một thông điệp mạnh mẽ” tới đối thủ của quốc gia Trung Đông.

Cùng ngày Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng ca ngợi động thái của Hạ viện Mỹ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi lời cảm ơn Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ mới gần 61 tỷ USD cho nước này đã bị trì hoãn từ lâu. Ông bày tỏ hi vọng dự luật sẽ được Thượng viện Mỹ ủng hộ và gửi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden nhanh nhất có thể.

Về phần mình, Nga cho rằng, việc Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự cho Kiev sẽ chỉ dẫn đến tổn thất và thiệt hại nhiều hơn đối với cuộc xung đột ở Ukraine cũng như chỉ khiến cuộc xung đột này kéo dài hơn. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Quyết định cung cấp viện trợ cho Ukraine là điều đã được dự đoán trước và có thể dự đoán được. Dự luật sẽ hủy hoại Ukraine hơn nữa”. Ông đồng thời cảnh báo rằng Mỹ “sẽ phải đưa ra câu trả lời về việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Liên bang Nga” và Moscow “sẽ làm theo cách phù hợp nhất với lợi ích của chúng tôi”.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev gọi cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Mỹ là hành động nhằm tăng số lượng thương vong trong chiến dịch quân sự mà Nga đang tiến hành chống lại Ukraine. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharkova bình luận việc Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ “làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới”.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ được đánh giá là động thái nhằm đáp trả những lập luận cho rằng, cam kết của Washington với Kiev ngày càng “mịt mờ”. Thật vậy, trong thời gian gần đây, những người ủng hộ Tổng thống Joe Biden và các cựu quan chức Mỹ liên tục bày tỏ sự thất vọng và bối rối trước các chiến lược về Ukraine của Nhà Trắng, đồng thời nhận thấy sự chia rẽ ngày càng tăng trong chính quyền Mỹ về cách cân bằng chính trị với sự hậu thuẫn lâu dài cho Kiev. Nhà Trắng gần đây đã phản đối các đề xuất trao cho NATO và các đồng minh phương Tây vai trò lãnh đạo lớn hơn trong tương lai, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ cho Ukraine, ngay cả khi viện trợ của Mỹ đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Quốc hội. 

Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và Chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu Ivo Daalder cho rằng, có sự bất đồng trong chính quyền Mỹ về vấn đề này. Do đó, ông Ivo Daalder cùng cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried đã đề xuất NATO “tiếp quản” nhóm Ramstein (Nhóm Liên lạc Quốc phòng về Ukraine) do Mỹ dẫn đầu để điều phối việc vận chuyển vũ khí cho Kiev, cùng với những ý tưởng khác mà NATO hiện đang thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 7 năm nay của liên minh.

Bà Karen Donfried nêu rõ, mục đích trong đề xuất trên là giúp thực hiện chính sách hiện tại của chính quyền và thậm chí tăng cường hơn để đưa ra các hành động cụ thể trước sự không chắc chắn về các cam kết lâu dài của Mỹ. Trong khi cựu Đại sứ Ivo Daalder nhận định: “Có những thành phần trong chính quyền Mỹ phản đối mạnh mẽ điều này, chủ yếu là vì họ cho rằng họ điều phối tốt hơn NATO trong việc phối hợp”.

Tình thế đang trở nên khó khăn đối với Ukraine. Các quan chức quân sự Mỹ đã nói trước Quốc hội rằng, các lực lượng Ukraine đang phải “tiết kiệm” hỏa lực pháo binh trong trường hợp không có thêm sự hỗ trợ của Mỹ, khiến họ càng bị yếu thế nhiều hơn trước các lực lượng Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cuối tuần trước cho biết các lực lượng Nga đã “gây ra thiệt hại ngày càng gia tăng và lâu dài cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa xuân này” và rằng, Quân đội Nga đã thành công, một phần là do Ukraine sắp hết tên lửa phòng không do Mỹ cung cấp.

Cơ quan trên đánh giá: “Điều này đáng báo động vì nó cho thấy rằng nếu Mỹ không nhanh chóng nối lại viện trợ quân sự, Quân đội Nga có thể tiếp tục gây tổn thất lớn cho lực lượng và cơ sở hạ tầng của Ukraine ngay cả với số lượng tên lửa hạn chế mà Nga có thể có trong những tháng tới”.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác