CÔNG AN BẠC LIÊU
Vấn nạn lừa đảo tiền vô giá trị ở Mỹ
Cập nhật ngày: 22-06-2023, lượt xem: 187
Giữa lúc nền kinh tế Mỹ đang ở trong trạng thái bấp bênh, không ít những kẻ lừa đảo đang tìm mọi cách để lợi dụng tâm lý bất an của người dân Mỹ. Một trong những phương thức lừa đảo đang gây được sự chú ý trong thời gian gần đây là lừa bán những loại tiền, séc, trái phiếu vô giá trị.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả giọng những người nổi tiếng lấy lòng tin nơi nạn nhân.

Mất trắng

Bà Jennifer McMason (73 tuổi) kể lại cách mà bà được quảng cáo cái gọi là “Trump Buck”: “Tôi vào trang chủ của YouTube thì thấy một đoạn video có thumbnail là ông Donald Trump. Ông Trump nói rằng nếu ông tái đắc cử Tổng thống thì sẽ thay tiền quốc gia của Mỹ từ đồng USD sang Trump Buck. Ông Trump còn tuyên bố “Hãy cùng chung tay làm nước Mỹ phồn thịnh lại”.

Vấn nạn lừa đảo tiền vô giá trị ở Mỹ -0
Những đồng tiền và tập séc giả được bọn lừa đảo bán.

Bởi vì bà Jennifer là người ủng hộ nguyên Tổng thống Trump nhiệt thành nên sau khi xem xong đoạn clip, bà đã bỏ ra ngay 2000 USD để mua Trump Buck. Phải đến khi bà Jennifer cầm tờ tiền Trump Buck ra ngân hàng đổi thì mới “ngã ngửa” vì biết mình bị lừa. Bây giờ số tiền vô giá trị ấy nằm trong thùng giấy ở góc nhà bà. Bà Jennifer buồn bã nói: “Tôi đang định đem đi đốt chỗ tiền này”.

Bà Jennifer chỉ là một trong số hàng nghìn người ủng hộ ông Donald Trump bị mất tiền oan vì Trump Buck. Các nạn nhân đều bị lừa theo một cách giống nhau: Họ được gợi ý xem trên các trang mạng Facebook, Twitter, Telegram, v.v... một đoạn clip quay cảnh nguyên Tổng thống Trump hết lời ca ngợi TRB (tên viết tắt của Trump Buck) và quảng cáo nào là tiền giấy, tiền xu, và cả thẻ tín dụng TRB nữa. Những loại tiền này theo lời ông Trump (giả) thì có thể đem đổi ở các ngân hàng JP Morgan Chase, Wells Fargo, v.v... hay đổi ở siêu thị Target, Walmart, v.v...

Hãng tin NBC đã lần dấu vết những quảng cáo trên đến một số công ty đóng tại bang Colorado. Phóng viên Tom Costello, người trực tiếp điều tra vụ lừa đảo, cho biết: “Chỉ cần nhìn thoáng qua là ai cũng nhận ra dấu hiệu của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp... Bao giờ chúng cũng kết thúc video quảng cáo bằng câu: “TRB không phải tiền hợp pháp và chỉ là quà lưu niệm”. Đây thực chất là cách để chúng chối bỏ trách nhiệm trước tòa... Ở Colorado chúng đăng ký thành lập hàng loạt các công ty “ma” khác nhau như Patriots Dynasty, Patriots Future, hay USA Patriots. Tôi đã thử chi 90 USD để mua một cái thẻ TRB làm “mồi nhử”. Số tiền đó qua tay năm tài khoản ngân hàng khác nhau”. Hiện hãng tin NBC đang làm việc với các ngân hàng để điều tra những kẻ lừa đảo.

Lại nói về đoạn video quảng cáo Trump Buck, những kẻ lừa đảo đã sử dụng AI để giả giọng ông Trump. Điều này không khó bởi vì có hàng nghìn đoạn video quay cảnh ông Trump nói chuyện được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Điều quan trọng trong việc sử dụng AI là có càng nhiều tư liệu tham khảo thì sản phẩm do AI tạo ra càng gần với thực tế.

Mặt khác một số không nhỏ những người ủng hộ ông Trump là người già, không có nguồn thu nhập thường xuyên, và ít hiểu biết về công nghệ. Họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái trì trệ. Một bà cụ 75 tuổi giấu tên sống ở Alabama nói với phóng viên NBC: “Tôi nhìn thấy trên Telegram họ quảng cáo rằng nếu bạn mua tiền xu và séc của ông Trump rồi giữ trong nhà hơn 1 năm thì khi đi đổi sẽ nhận lại gấp 10 lần. Thế là tôi dốc hết tiền túi ra mua. Hơn một năm sau tôi lái xe gần 97 km để đến chi nhánh Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) gần nhất. Cô thu ngân vừa nhìn thấy tờ séc tôi chìa ra liền bảo là cô ấy đã gặp không biết bao nhiêu người bị lừa như tôi rồi. Bây giờ tôi chẳng còn đồng nào trong nhà nữa”.

Cô Leslie Alberquan, một nhân viên ngân hàng Wells Fargo tại bang Iowa, trả lời phỏng vấn: “Cứ mấy ngày là lại có một ông hay bà cụ bước vào ngân hàng để đổi TRB ra tiền mặt. Khi biết là mình bị lừa thì ai cũng buồn, thậm chí còn có người khóc nữa. Ở vùng nông thôn người ta có khi phải đi đến chục cây số mới đến được ngân hàng. Nhiều người già không biết gì về tài chính mà lại đổ hết tiền của để mua những thứ giấy tờ không có giá trị. Tôi mong những kẻ lừa họ xuống hết địa ngục”.

Đối với nhiều nạn nhân, họ không thể sống với sự thật rằng mình bị lừa và đành phải tự nói dối bản thân. Một người phụ nữ sống tại bang Florida với bà mẹ chồng xuất hiện trên đài truyền hình địa phương WFLA để nói: “Mẹ chồng tôi từng nhiều lần bị lừa đảo. Kể từ khi ông Trump thua cuộc bầu cử 2020, mẹ chồng tôi mới tham gia nhiều hội nhóm người ủng hộ ông Trump trên mạng, rồi sau đó bị kéo vào vụ Trump Buck. Tôi bèn đưa mẹ đến ngân hàng rồi bảo bà cầm tờ séc đi đổi. Phải là nhân viên ngân hàng nói thì mẹ chồng tôi mới tin là mình bị lừa. Bà hứa là sẽ không bỏ tiền thật ra mua tiền giả trên mạng nữa”.

Vấn nạn lừa đảo tiền vô giá trị ở Mỹ -0
Tội phạm lừa đảo ở Mỹ luôn đặt vào tầm ngắm các cử tri lớn tuổi.

“Vậy mà chỉ vài tháng sau chuyển phát lại đưa đến nhà mẹ chồng tôi đủ các thứ hộp đựng tiền giấy và xu TRB. Mỗi một xấp TRB như vậy mua với giá 500 USD và theo như lời người bán thì chỉ cần chờ vài tháng sau là sẽ đổi được 6 triệu USD. Tôi và chồng đã nói với mẹ biết bao nhiêu lần là chẳng ai lại bán cho mình thứ gì có mức lời cao như vậy, nếu không thì người bán đã giữ riêng cho họ rồi. Nhưng mặc cho chúng tôi nói thế nào đi chăng nữa, mẹ chồng vẫn một mực là “Tổng thống Trump sẽ làm tất cả những người trung thành với ông ấy trở thành triệu phú”.

Không chỉ có ông Donald Trump bị làm giả giọng nói. Không khó để tìm thấy một khuôn mặt nổi tiếng xuất hiện trong các video quảng cáo bán tiền vô giá trị. Lấy ví dụ như tỷ phú Elon Musk. Ngoài việc là ông chủ các tập đoàn Tesla, Twitter, SpaceX, v.v... ông Musk còn là một nhà đầu tư vào tiền ảo có tiếng. Từ đó đã xuất hiện không ít các clip quảng cáo giả giọng ông Musk để bán những loại tiền vô giá trị. Trong một đoạn video như vậy AI đóng giả làm vị tỷ phú hùng hồn tuyên bố: “Tôi là người đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều năm mà chưa bao giờ thấy sản phẩm tài chính nào có mức thu hồi vốn cao như đồng tiền này”. Theo các chuyên gia phân tích giọng nói, cứ dựa vào lối hành văn này thì nhiều khả năng những kẻ lừa đảo đến từ các nước không nói tiếng Anh đã viết kịch bản rồi sử dụng AI để vừa dịch, vừa làm giả giọng nói người nổi tiếng.

Không phải lần đầu

Tuy phương thức của những kẻ lừa đảo có vẻ mới mẻ, nhưng thực chất việc lừa bán tiền vô giá trị có “lịch sử” rất lâu đời ở Mỹ. Còn nhớ chỉ cách đây mấy năm tòa án bang Ohio đã xét xử hai đối tượng lừa đảo tổng cộng 23,8 triệu USD qua việc bán đồng dinar của Iraq. Chúng lập ra một công ty mang tên BH Group để mua vét đồng dinar từ các nguồn khác nhau. Khi đó Iraq đang chìm sâu trong lạm phát nên giá trị của đồng dinar gần như về 0. Sau đó BH Group bắt đầu quảng cáo là Tổng thống Donald Trump sẽ sớm làm cho giá trị của tất cả các đồng tiền trên thế giới ngang bằng nhau. Khi đó ai nắm Dinar trong tay sẽ trở thành tỷ phú.

Vấn nạn lừa đảo tiền vô giá trị ở Mỹ -0
Trang web bán Trump Buck trước khi bị gỡ xuống.

Bà Hayes Kotseos là một trong các nạn nhân bị lừa. Người phụ nữ kể lại: “Tôi biết đến “cơn sốt” mua dinar lần đầu tiên vào năm 2017. Khi đó ông Trump vừa mới tuyên bố là sẽ làm cho giá trị của tất cả các đồng tiền trên thế giới bằng nhau, vậy là mọi người cứ rỉ tai nhau là “Mua dinar đi”. Tôi bèn bỏ ra 10.000 USD để mua dinar, rồi kêu gọi con trai và con dâu cùng mua nữa”.

Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm 2017, giá trị một đồng dinar Iraq đã nhảy từ 0,001 USD lên 4 USD. Vậy nhưng những người nắm đồng tiền này trong tay chẳng vui được lâu. Nhà Trắng chứng kiến “cơn sốt” mua dinar đã phải ra tuyên bố rằng Tổng thống Trump không hề có ý định thay đổi tỷ giá các đồng tiền nước ngoài. Câu tuyên bố trước đó của ông Trump là nói về chênh lệch cán cân thương mại Mỹ-Trung. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để “vặn vẹo” lời ông Trump.

“Cơn sốt” dinar không phải lần đầu tiên hàng nghìn người Mỹ cả tin bỏ USD ra mua những đồng tiền vô giá trị. Trước đó chưa đến mười năm, không ít gia đình đã “tan cửa nát nhà” khi mua hàng trăm triệu đồng Zimbabwe Dollar - ZD (khi đó Ngân hàng Trung ương Zimbabwe phát hành cả đồng tiền 100 nghìn tỷ ZD) vì giấc mơ “đổi đời”. Hay là vào những năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của cố Tổng thống Ronald Reagan, nhiều người Mỹ lao vào tiền xu bằng vàng và bạc vì mong chờ rằng đợt khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ khiến giá trị của kim loại hiếm tăng lên. Quả là vào đầu thập niên 90 nước Mỹ phải hứng chịu suy thoái kinh tế, nhưng “thảm họa” này kéo dài chỉ vài tháng và không quá nặng nề. Những người đã bỏ tiền ra mua xu vàng, xu bạc sau đó cùng lắm cũng chỉ hòa vốn.

Những vụ lừa đảo với cùng một phương thức đã xảy ra rất nhiều lần, nhưng tại sao vẫn có người Mỹ bị lừa? Thậm chí có không ít người bị lừa nhiều lần nhưng vẫn không “tiếp thu” bài học. Nhà tâm lý học Sara Evenfield, người đã có nhiều năm nghiên cứu tâm lý của các nạn nhân lừa đảo, giải thích: “Không phải ai cũng có thể chấp nhận ngay rằng mình bị lừa. Bằng cách tự dối mình, họ đang tự bảo vệ tâm lý của mình, mặc dù làm thế khiến họ rất dễ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo khác... Nhiều nạn nhân còn tham gia các hội nhóm cùng nói dối nhau để duy trì ảo tưởng của họ. Họ gần như là tín đồ của một giáo phái mới”.

Quả thật là ngay cả khi vụ lừa đảo Trump Buck đã được phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rộng rãi, trên mạng xã hội vẫn có các hội nhóm người mua Trump Buck hoạt động sôi nổi. Thành viên các hội nhóm này đăng ảnh, video quay cảnh họ mở ra từng thùng carton chứa đầy tiền Trump Buck. Họ động viên nhau rằng chỉ cần Donald Trump tái đắc cử, điều đầu tiên ông ấy sẽ làm là biến Trump Buck trở thành đồng tiền chính thức của nước Mỹ. Bất cứ ai tỏ ý nghi ngờ ảo tưởng này sẽ bị đuổi khỏi nhóm.

Đứng trên một góc nhìn khác với nhà tâm lý Sara Evenfield là luật sư Jay Addison. Dựa trên kinh nghiệm xử lý những vụ lừa đảo tương tự, ông nhận xét về các hội nhóm người mua tiền vô giá trị: “Bao giờ trong các vụ việc kiểu này cũng có những người từ chỗ là nạn nhân trở thành kẻ lừa đảo mới. Họ tìm kiếm những người cả tin khác để “đổ” cho cái lỗ của họ. Vậy là họ lập ra các nhóm trên Facebook nhằm thu hút “con mồi” và duy trì giá trị “ảo tưởng” của đồng tiền họ nắm trong tay. Các đối tượng này càng “dựng kịch” lâu thì khả năng họ thu hồi vốn càng cao”.

Hiện nay các ngân hàng và dịch vụ thanh toán điện tử tại Mỹ đã đình chỉ mọi giao dịch và đóng băng những tài khoản có liên quan đến Trump Buck. Chính quyền bang Colorado cũng đang chuẩn bị đưa các cá nhân, doanh nghiệp lừa đảo ra tòa. Hiện vẫn chưa biết liệu vụ kiện này sẽ đi đến đâu, đặc biệt là trong trường hợp những kẻ lừa đảo sống ngoài biên giới Mỹ. Chỉ mong rằng sau vụ việc này, nhà chức trách và hệ thống tài chính Mỹ sẽ cảnh giác hơn trước những vụ lừa đảo bán tiền vô giá trị.

Nguồn cand.com.vn

Các tin khác