Ý tưởng xuyên suốt
Trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania của Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã kêu gọi nỗ lực công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế tại nước này. Theo đó, ông cho rằng giới siêu giàu cần trả phần thuế phù hợp hơn với thu nhập thực tế của mình.
Phát biểu tại sự kiện tranh cử, ông Biden khẳng định: Tầng lớp lao động là lực lượng then chốt của nền kinh tế Mỹ, có ý nghĩa quan trọng giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Ông cũng cam kết sẽ bảo vệ hệ thống an sinh xã hội cùng các chương trình phúc lợi khác để giúp đỡ họ.
Cuộc mít tinh vận động tranh cử của ông Biden được tài trợ bởi AFL-CIO, liên đoàn đại diện cho 12,5 triệu công nhân Mỹ. Theo AFP, liên đoàn này đã công khai ủng hộ ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trước đó.
Tổng thống Biden cho rằng cần phải cải cách để đảm bảo sự thịnh vượng của tầng lớp trung lưu, bao gồm cải cách bộ luật thuế đang "không công bằng". "Làm sao có thể công bằng được, khi mà 55 tập đoàn lớn nhất ở Mỹ không đóng thuế thu nhập liên bang cho 40 tỷ USD lợi nhuận?", ông Biden nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý rằng số lượng tỷ phú ở Mỹ đã tăng lên khoảng 1.000 người nhưng họ chỉ đang trả trung bình 8% thuế liên bang cho thu nhập của mình. Ông cho rằng con số này thấp hơn so với giáo viên, lính cứu hỏa và đã đến lúc những người siêu giàu phải trả mức thuế tối thiểu.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng cam kết sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập trung bình và thấp. Một số chính sách, như tăng tín dụng thuế, có thể sẽ giúp nhóm đối tượng này giảm số tiền thuế phải nộp.
"Chính quyền của ông Biden đang muốn cải cách hệ thống thuế theo hướng tiến bộ hơn", giáo sư về luật thuế Richard Winchester của Đại học Seton Hall, nhận xét. "Một số người thuộc nhóm giàu nhất tại Mỹ hiện nộp thuế còn ít hơn so với những người thuộc nhóm nghèo nhất".
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có quan điểm đối nghịch nhau ở nhiều vấn đề, và chính sách thuế là một trong số đó.
Theo sắc lệnh thuế của ông Trump, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 35% xuống còn 21%. Ngoài ra, thuế thu nhập của người dân cũng được cắt giảm. Ví dụ, mức thuế thu nhập tối đa được giảm từ 39,6% xuống còn 37% (áp dụng với người có thu nhập trên 524.000 USD/năm). Mức miễn trừ thuế cơ bản được tăng gấp đôi, theo đó miễn trừ thuế tới 20% cho các chủ doanh nghiệp, bao gồm người sở hữu duy nhất hoặc đối tác của doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, luật cũng được điều chỉnh nên ít gia đình phải nộp thuế thừa kế hơn. Hầu hết chính sách thuế này được áp dụng tạm thời nhưng kéo dài tới hết năm 2025.
Trong khi đó, chính sách thuế mới của ông Biden sẽ ngược lại hoàn toàn. Những người thuộc nhóm 1% giàu nhất sẽ phải trả thêm trung bình 260.000 USD từ năm sau, tương đương gần 16% thu nhập sau thuế của họ, theo phân tích từ Trung tâm Chính sách thuế Urban-Brookings. Còn nhóm thu nhập trung bình sẽ được giảm 680 USD tiền thuế, tương đương 1,1% thu nhập. Nhóm thu nhập thấp (dưới 25.000 USD/năm) sẽ được giảm 760 USD - tương đương 5,2% thu nhập.
"Hệ thống thuế của chúng ta không thể nghiêng về phía có lợi cho các doanh nghiệp và người giàu, trong khi những người sống chủ yếu bằng đồng lương lại phải chịu gánh nặng thuế bất công", bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính của Mỹ từng phát biểu trước Thượng viện. "Ông Biden sẽ yêu cầu các doanh nghiệp và người giàu Mỹ phải nộp thuế một cách công bằng hơn".
Bộ Tài chính Mỹ có kế hoạch áp thuế tối thiểu với lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ thu được trên toàn cầu, đồng thời sẽ thẳng tay trừng phạt những doanh nghiệp cố gắng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Tổng thống Joe Biden đã đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ được điều chỉnh tăng lên mức 28% từ mức 21% trước đó, ngưỡng 28% sẽ cao hơn rất nhiều nước trên thế giới. Nhiều công ty lớn như Apple hay Bristol Myers Squibb nhiều năm nay đã sử dụng các thủ thuật kế toán phức tạp để làm giảm hoặc tránh hoàn toàn việc đóng thuế bằng cách chuyển thu nhập từ nước này sang nước khác. Chiến lược này đã làm giàu cho các nhân viên kế toán và cổ đông, tuy nhiên, nguồn thu thuế của chính quyền liên bang giảm sút, theo New York Times.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: Việc ngăn doanh nghiệp tránh thuế vô cùng quan trọng với gói phát triển hạ tầng Mỹ, có quy mô hơn 2 nghìn tỷ USD. Việc thay đổi chính sách thuế sẽ giúp đảm bảo doanh nghiệp Mỹ phải đóng góp thêm tiền để đầu tư vào đường sá, cầu cảng, hệ thống nước và nhiều mảng khác trong chương trình kinh tế của ông.
Và những hệ quả
Sự đảo ngược chính sách thuế gây ra xáo trộn không hề nhỏ, đội ngũ của ông Joe Biden biết điều này, song không thể không thực hiện, bởi tăng cường thu thuế là nền tảng bảo đảm cho đảng Dân chủ triển khai khuynh hướng chính trị của mình.
Ví dụ, nếu khôi phục lại đạo luật chăm sóc sức khỏe toàn dân, chính phủ sẽ cáng đáng một phần kinh phí rất lớn. Hoặc, bình thường hóa quan hệ với các tổ chức quốc tế như WTO, NATO,... Washington sẽ buộc phải đóng vai trò là bên “chủ chi” cho mọi hoạt động, để duy trì quyền lãnh đạo.
Điều này gián tiếp giải thích vì sao ông Trump bắt buộc các thành viên NATO phải đóng thêm kinh phí hoặc ép các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng chi phí quốc phòng để quân đội Mỹ tiếp tục bảo vệ họ.
Khác biệt tổng quan về thuế ở chỗ: Ông Trump muốn giảm thuế để tăng thu nhập thực tế, nuôi dưỡng doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng nội địa. Ngược lại, ông Joe Biden muốn tăng thuế để chi nhiều hơn cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội nhằm bảo đảm quyền kiểm soát của nhà nước.
Cũng dễ hiểu, vì ông Donald Trump xuất thân là doanh nhân, ông hiểu doanh nghiệp cần gì trước mắt. Còn ông Biden là nhà quản lý xã hội có thâm niên, do đó ông muốn tái phân phối tài sản một cách đồng đều nhất để đảm bảo công bằng xã hội. Đây là hai phương pháp quản trị đối lập.
Một trong những triết gia góp phần quan trọng xây dựng ý thức hệ của đảng Dân chủ, John Dewey từng cho rằng: “Chính quyền nên thủ giữ một vai trò trong nỗ lực giảm nghèo và xóa bỏ những bất công xã hội, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải dành cho chính quyền nhiều quyền lực hơn cũng như phải tăng thuế để chi trả cho các dịch vụ xã hội”.
Cho nên, xuyên suốt trong lịch sử, những tổng thống là người của đảng Dân chủ luôn nghiêng về sử dụng lý thuyết “bàn tay hữu hình”, nhấn mạnh vai trò can thiệp và điều tiết thị trường của nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách và công cụ điều hành kinh tế vĩ mô, như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách ngoại thương, chính sách thuế, thu nhập.
Theo phân tích Trung tâm Chính sách thuế Urban-Brookings, nếu chính quyền ông Biden tăng thuế với nhóm thu nhập trên 400.000 USD/năm, nước này sẽ thu được thêm khoảng 2.100 tỷ USD tiền thuế trong một thập kỷ.
Một phân tích khác dựa trên Mô hình ngân sách Penn Wharton cho thấy, trong một thập kỷ tới, chính sách tăng thuế của ông Biden sẽ giúp ngân sách chính phủ tăng thu thêm 3,375 nghìn tỷ USD, qua đó tăng chi tiêu chính phủ thêm 5,37 nghìn tỷ USD.
Chính sách tăng thuế của ông Biden được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP khả quan hơn so với chính sách giảm thuế của ông Trump. Nguyên nhân là trong kịch bản giảm thuế của ông Trump, tác động của giảm thuế và giảm chi tiêu chính phủ sẽ triệt tiêu nhau. Còn trong kịch bản tăng thuế của ông Biden, tác động tích cực từ chi tiêu chính phủ cao sẽ vượt qua hệ quả tiêu cực từ việc tăng thuế với nhóm người thu nhập cao. Thêm vào đó, chính sách kinh tế của ông Biden cũng chú trọng đầu tư vào các yếu tố tăng trưởng bền vững như giáo dục hay R&D, giúp nâng cao năng suất nền kinh tế trong dài hạn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về thuế, chưa rõ chính quyền của ông Biden có thể triển khai các chính sách mới này hay không, khi mà Thượng viện Mỹ đang có sự chia rẽ như hiện nay.
"Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện có thể thông qua hầu hết các chính sách thuế mới với phiếu bầu đa số (thay vì ngưỡng 60 phiếu như thường lệ) bằng cách dùng điều luật về ngân sách đặc biệt. Đây cũng là cách được đảng Cộng hòa sử dụng khi thông qua luật thuế năm 2017", Steve Rosenthal, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings, cho biết. "Nhưng, với một Thượng viện chia rẽ như hiện tại, tỷ lệ đa số đó khá mong manh".
Nguồn cand.com.vn