CÔNG AN BẠC LIÊU
“Ván bài chiến lược” đầy tham vọng
Cập nhật ngày: 2-02-2023, lượt xem: 98
Việc chuyển đổi từ tầm nhìn thành hành động trong hợp tác về thiết bị quân sự, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là ba vấn đề được nêu bật trong "Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi", khởi động ngày 1/2 (giờ Việt Nam). Gọi sáng kiến này là “ván bài chiến lược", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hy vọng Washington có thể thắt chặt hợp tác với đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval mới đây đã cùng quan chức cấp cao hai bên nhóm họp tại Washington D.C, để khởi động "Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ Trọng yếu và Mới nổi" (iCET). Thực chất, iCET được biết tới từ tháng 5/2022 sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Thượng đỉnh Bộ Tứ tại Tokyo.

“Ván bài chiến lược” đầy tham vọng  -0
Mỹ và Ấn Độ khởi động iCET bằng cuộc họp giữa hai Cố vấn An ninh quốc gia. Nguồn: ĐSQ Ấn Độ tại Mỹ.

Động thái nêu trên được giới chuyên gia đánh giá là nhằm chuyển đổi từ tầm nhìn thành hành động các cam kết hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia về thiết bị quân sự, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung về lĩnh vực công nghệ ngày càng khó đoán định.

Ngày 12/12/2022, Bộ Thương mại Trung Quốc nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ. Đây là sự đáp trả với những lệnh cấm được Washington ban bố trước đó hai tháng, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc có được công nghệ chip cao cấp, thiết bị và thậm chí cả nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Mỹ.

Đến 15/12/2022, Bộ Thương mại Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc bao gồm các nhà sản xuất hàng đầu chip máy tính tiên tiến vào “danh sách thực thể” bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. Theo quy định, bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào cung cấp nguyên vật liệu hoặc dịch vụ cho các thực thể này phải được cấp phép trước khi vận chuyển hàng hóa. Như vậy, các công ty có tên trong “danh sách thực thể” nói trên sẽ bị chặn mua chip hay bất cứ công nghệ nào từ các nhà cung cấp của nước này, trừ khi họ có giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ.

Reuters dẫn lời ông Jake Sullivan cho hay, sáng kiến mới là một phần cơ bản quan trọng khác trong chiến lược tổng thể nhằm đặt toàn bộ đối tác dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào vị thế mạnh. Sáng kiến sẽ giúp tạo ra nền tảng là một hệ sinh thái sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ấn Độ, phục vụ lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của hai quốc gia cùng những đồng minh khác.

Theo một nguồn thạo tin, phần lớn thời gian của cuộc gặp này đề cập tới việc phát triển hơn nữa ngành công nghiệp bán dẫn ở Ấn Độ - nơi có lực lượng lao động trình độ, tay nghề cao. Ngoài ra, Mỹ cam kết giúp Ấn Độ phát triển thêm các mạng viễn thông của phương Tây để đối trọng với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc; chào đón thêm các chuyên gia về chip máy tính của Ấn Độ đến Mỹ và khuyến khích các công ty của cả hai nước hợp tác trong lĩnh vực vũ khí như các hệ thống pháo binh, sản xuất động cơ phản lực dùng trong các máy bay do quốc gia Nam Á vận hành và chế tạo.

Theo Washington Post, iCET cũng được hiện thực hoá vào thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang năm thứ hai và New Delhi cũng đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc kéo dài hàng thập kỷ vào các thiết bị quân sự nhập khẩu từ Nga. Ngoài ra, sáng kiến mới còn bao gồm tăng cường hợp tác về không gian như Mỹ sẽ giúp Ấn Độ đào tạo các phi hành gia, lĩnh vực vũ trụ thương mại và vai trò của họ trong việc bảo vệ hành tinh cũng như điện toán lượng tử hiệu suất cao. Trước đó, hôm 30/1, ông Sullivan và ông Doval đã tham gia một sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ với lãnh đạo các tập đoàn vũ khí và công nghệ gồm Lockheed Martin, Adani Enterprises và Applied Materials.

Giới chuyên gia nhận định, iCET ra đời phản ánh sự coi trọng của phía Mỹ với vị thế địa - chính trị của Ấn Độ tại khu vực. Song trong mỗi lĩnh vực, Nhà Trắng đều phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm những giới hạn của Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ quân sự hay việc cấp thị thực cho lao động nhập cư. Trước đó, New Delhi từng khiến Washington phật lòng khi tham gia các cuộc tập trận quân sự và tăng cường mua dầu thô của Nga - vốn được phương Tây coi là nguồn tài trợ chính cho chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Tuy nhiên phía Mỹ không đề cập công khai đến vấn đề này bởi theo Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks việc xây dựng liên minh và quan hệ đối tác lâu dài là ưu tiên hàng đầu. Được biết, cuộc họp tại Washington giữa hai Cố vấn An ninh quốc gia trùng vào thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thăm New Delhi. Chuyến công du này sẽ tạo tiền đề cho các chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 3 tới và sau đó là chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng 9 trong khuôn khổ thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) mà Ấn Độ đăng cai.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác