CÔNG AN BẠC LIÊU
NATO thắt chặt quan hệ với đối tác chủ chốt châu Á
Cập nhật ngày: 31-01-2023, lượt xem: 99
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có chuyến công du nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác với hai đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn nữa của Hàn Quốc và Nhật Bản cho Ukraine. Tuy nhiên, tham vọng này vấp phải sự phản đối của Triều Tiên.

Thủ đô Seoul là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày của ông Stoltenberg ở châu Á, nơi ông có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk-yeol cùng các quan chức cấp cao trong hai ngày 29 và 30/1.

nato han nhat.jpg -0
NATO được cho là đang tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn nữa của Hàn Quốc và Nhật Bản trong vấn đề Ukraine. Ảnh: GettyImages.

Yonhap dẫn lời bà Kim Eun-hye, thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết, các nội dung chính được ông Yoon bàn bạc với Tổng thư ký NATO gồm mối quan hệ song phương, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc và tình hình Triều Tiên.

Khi thảo luận về Ukraine, ông Stoltenberg đề cao sự trợ giúp hữu ích của Hàn Quốc dành cho Kiev. Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi Hàn Quốc tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Hàn Quốc cam kết “hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong trợ giúp người dân Ukraine”. Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Hàn Quốc đã viện trợ Kiev một số lô hàng phi sát thương nhưng chưa chuyển giao các loại khí tài. Tổng thống Yoon từng loại trừ khả năng này vì luật pháp Hàn Quốc không cho phép cung cấp vũ khí tới khu vực xung đột.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, Tổng thư ký NATO thể hiện sự ủng hộ dành cho Seoul khi bày tỏ quan ngại về chương trình hạt nhân và các vụ thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. Ông Stoltenberg đề cập đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, cho rằng những diễn biến gần đây có thể “kéo theo những hệ quả nghiêm trọng tại châu Á”.

Đáp lại, Ngoại trưởng Park nhắc đến “giá trị chung” giữa các thành viên NATO và Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối tác của hai bên. “Trước những thách thức toàn cầu chưa từng có, sự đoàn kết giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị chung là vô cùng quan trọng. Hàn Quốc mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với NATO để giải quyết các nguy cơ an ninh”, ông Park phát biểu.

 Ngay sau khi rời Seoul, quan chức NATO đáp chuyến bay tới thủ đô Tokyo để dự họp với các quan chức cấp cao Nhật Bản. Ông Stoltenberg dự kiến gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay (31/1). “Những gì xảy ra ở châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quan trọng đối với châu Âu, NATO và ngược lại. Chúng ta cần giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác khu vực”, ông Stoltenberg phát biểu trước thềm chuyến thăm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục phủ bóng chương trình nghị sự của ông Stoltenberg ở Nhật Bản, vào thời điểm phương Tây đang tìm kiếm sự ủng hộ rộng hơn trong cách tiếp cận tình hình ở Ukraine. Bản thân ông Stoltenberg từng tiết lộ, ông cũng rất muốn mở rộng quan hệ Nhật Bản-NATO trong lĩnh vực công nghệ và tiến hành các cuộc tập trận chung trên biển.

Theo Reuters, chuyến đi của ông Stoltenberg diễn ra vài tháng sau sự xuất hiện được mô tả là lịch sử các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6/2022. Liên minh quân sự này khi đó đánh giá Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương”, còn Hàn Quốc và Nhật Bản mong muốn tăng cường quan hệ với NATO để ứng phó với các vấn đề phát sinh tại khu vực. Sau hội nghị ở Madrid, Hàn Quốc thậm chí đã lập phái đoàn ngoại giao đầu tiên tại NATO.

Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản đề cao sự hiện diện của ông Stoltenberg, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 30/1 đăng tải bài viết của nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Kim Tong-myong cho rằng, chuyến đi của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Hàn Quốc, Nhật Bản là tiền đề cho đối đầu, bởi động thái này kéo theo đám mây đen của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đến châu Á - Thái Bình Dương”.

Chuyên gia Triều Tiên nêu quan điểm, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, Tổng thư ký NATO có thể đề cập sự cần thiết phải thành lập “NATO phiên bản châu Á”, cũng như gây áp lực để Tokyo và Seoul hỗ trợ quân sự cho Ukraine, sau khi Washington quyết định chuyển xe tăng cho Kiev.

Cách đây vài ngày, Triều Tiên cũng từng lên án quyết định của Mỹ về việc chuyển xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, coi đây là hành động vượt “lằn ranh đỏ”. NATO hiện chưa bình luận về quan điểm của Triều Tiên, song những tuyên bố này là chỉ dấu cho thấy căng thẳng có thể tiếp tục leo thang ở khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tới Hàn Quốc

Cùng ngày ông Stoltenberg kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chiều 30/1 đã đáp máy bay đến thủ đô Seoul để gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup, trước khi lên đường sang thăm Philippines. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, môi trường an ninh ở khu vực ngày càng trở nên phức tạp nên Washington tin rằng họ cần “củng cố các liên minh và đối tác khu vực để đảm bảo khả năng răn đe kết hợp mạnh mẽ, với mục tiêu duy trì và đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực”. Trong khi đó, Yonhap dẫn nguồn tin riêng khẳng định, các bên cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác ba bên Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản xung quanh vấn đề Triều Tiên và tình hình ở Ukraine.


Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác