CÔNG AN BẠC LIÊU
Nhức nhối nạn tin giả trước thềm bầu cử Tổng thống Philippines
Cập nhật ngày: 6-05-2022, lượt xem: 75
Các chuyên gia phân tích về xã hội học và truyền thông số cho biết, trong bối cảnh chỉ còn ít tuần nữa là cuộc bầu cử tổng thống Philippines sẽ diễn ra, các thành phần bất hảo trên mạng Internet đã gây rối bằng cách phát tán tin giả đúng vào giai đoạn nước rút của cuộc tổng tuyển cử này.

Theo các chuyên gia, hoạt động phát tán tin giả trên mạng không chỉ là những hành vi gây rối nhỏ lẻ của các “anh hùng bàn phím” nghiệp dư, mà chính các nhà điều hành chính trị vô đạo đức đang tài trợ rất nhiều cho hoạt động này.

Ông Jonathan Ong, Phó Giáo sư ngành truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Massachusetts, người chuyên nghiên cứu về hiện tượng này, nhận định: “Đó là một bí mật mở về những nhân vật này, các chiến lược gia chính trị này hoạt động trong những không gian rất lớn, họ nắm trong tay các nhóm đối tác và khách hàng chính trị, và vẫn được hưởng mức độ bảo vệ rất cao, thậm chí là từ giới tinh hoa chính trị”. Ông không chỉ đích danh ai, nhưng cũng nói rằng cần “định hình lại các biện pháp quy trách nhiệm giải trình” khoảng một tháng trước khi 65,7 triệu người Philippines dự kiến đi bỏ phiếu vào ngày 9/5.

Tại hội nghị chuyên đề do công ty bảo vệ các quyền trên không gian mạng EngageMedia tổ chức hôm 9/4, Phó Giáo sư Jonathan Ong cho biết, các hoạt động can thiệp sẽ tập trung vào việc xác minh sự thật, phổ biến thông tin và kỹ năng truyền thông. Ông nói: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực thi để truy lùng những kẻ điều hành các tài khoản mạng xã hội giả mạo nhằm vạch mặt những nhân vật đứng sau chúng, nhưng chúng ta đã làm rất ít để quy trách nhiệm cho những kẻ đứng đằng sau giật dây. Đó là lý do tại sao ngay cả các nhà lập pháp cấp tiến cũng ngần ngại nhắm mục tiêu vào những thành phần này và vẫn chỉ truy lùng những nhân vật nhỏ hoặc tài khoản ẩn danh”.

Nhức nhối nạn tin giả trước thềm bầu cử Tổng thống Philippines -0
Các ứng viên tiềm năng cho cương vị Tổng thống Philippines năm 2022. Ảnh: Inquirer

Theo ông, những kẻ điều hành các tài khoản này không chỉ được thúc đẩy bởi các động cơ chính trị mà còn cả tiền bạc.Ngoài ra, sự phân cực nặng nề đã xảy ra trước cuộc bầu cử, đến mức hầu hết các ứng cử viên tổng thống phải thuê riêng các chuyên gia và những người có ảnh hưởng sử dụng những ngôn ngữ phần lớn là không chính thống để truyền bá thông tin.

Vị Phó Giáo sư đưa ra ví dụ về cách những người ủng hộ Phó Tổng thống Leni Robredo và Ferdinand Marcos Jr đang điều hành các chiến dịch tranh cử tổng thống của họ trên mạng. Những người ủng hộ của cả hai phe đã tham gia vào các cuộc chiến lan truyền các ý tưởng trên mạng xã hội và các cuộc chiến hạ gục đối thủ, cùng một số hoạt động trực tuyến khác. Ông Ong cho biết, bà Robredo đã phải hứng chịu những đợt tấn công tồi tệ nhất. Các hoạt động tuyên truyền đã gộp những cuộc công kích ác ý nhắm vào con gái lớn của vị Phó Tổng thống bằng cách đưa tên cô này lên các trang web khiêu dâm.

Ngày 11/4, phát ngôn viên của bà Robredo, ông Barry Gutierrez đã lên án một đoạn phim khiêu dâm đang lan truyền trên mạng và bị cho là nhắm vào một trong ba cô con gái của ứng cử viên này. Ông Gutierrez khẳng định: “Đây là hành động cố ý thêu dệt và chúng tôi đã báo cáo các nội dung này trên các nền tảng xã hội, nên chúng đã bị gỡ xuống. Các luật sư của chúng tôi đang nghiên cứu các lựa chọn của chúng tôi để đưa vấn đề này ra trước pháp luật”. Ông cho biết, vụ công kích này không ngoài gì khác là một sự “đánh lạc hướng” khi chiến dịch tranh cử của bà Robredo đang huy động được sự ủng hộ rất lớn trong vài tuần gần đây. Theo các nhà tổ chức vận động địa phương, hôm 9/4, hơn 200.000 người đã tham gia vào cuộc tập hợp ngoài trời ủng hộ bà Robredo tại thành phố San Fernado thuộc phía Bắc Manila.

Người phát ngôn Gutierrez nhấn mạnh rằng, ê-kíp tranh cử của bà Robredo được cố vấn là hãy tỏ ra “cứng rắn nhưng thân thiện” khi đính chính các thông tin trên mạng, cho dù những thông tin đó có vô liêm sỉ đến thế nào. Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Ramon Casiple cho biết ngày càng có ít người ra ngoài đường để tổ chức hoặc tham gia các sự kiện tập hợp công chúng phục vụ vận động tranh cử vì lý do đại dịch COVID-19, thay vào đó họ có xu hướng sử dụng mạng xã hội để phổ biến thông tin.

Giống như Phó Giáo sư Ong, chuyên gia Casiple cho rằng, sự phổ biến của các hoạt động tuyên truyền trực tuyến không phải điều gì mới. Điều khiến cuộc bầu cử lần này khác biệt, theo ông Casiple, là việc nhắm mục tiêu một cách ác ý vào những người trẻ khi tuyên truyền cho họ những thông tin giả mạo, sai sự thật, đặc biệt là về thời kỳ thiết quân luật dưới sự lãnh đạo của ông Ferdinand Marcos. Chuyên gia Casiple cho biết, đây có thể là lý do tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên Marcos trong các cuộc thăm dò rất cao, và hầu hết những người ủng hộ ông trong số đó đều thuộc lớp trẻ. Ông nói: “Điều này thật tồi tệ bởi thế hệ trẻ không có nhiều kinh nghiệm chính trị”.

Trong khi đó, theo bà Nicole Curato, giảng viên xã hội học tại Trường Đại học Canberra, việc đối phó với tin giả không chỉ hạn chế ở việc phát động một cuộc chiến chống tin giả. Bà nói: “Làm thế nào để bắt những kẻ chủ mưu phải chịu trách nhiệm? Cần phải xử lý bằng chính trị và tiền bạc”.

Cũng trong diễn đàn nói trên, bà phát biểu rằng: “Khi nói đến tin giả và bầu cử, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ về cách đánh giá mức độ của vấn đề tin giả. Chúng ta vẫn cần đặt câu hỏi rằng liệu tin giả có đặt ra mối đe dọa lớn hơn các vấn đề lâu nay về mua phiếu bầu, gian lận bầu cử, các triều đại chính trị, tước quyền và bạo lực… hay không”.

Về phần mình, ông Red Tani, Giám đốc truyền thông của EngageMedia, công ty ủng hộ các quyền trên không gian mạng ở Đông Nam Á, cho biết, các nghiên cứu riêng biệt của bà Curato và ông Ong đã xác nhận “những tiết lộ trước đây về các công ty tiếp thị điều hành các chiến dịch tin giả với các động cơ chính trị”. EngageMedia lưu ý rằng, những thực tế như vậy đang đe dọa dân chủ và nhân quyền, những vấn đề mà “chúng ta cần nâng cao nhận thức, khuyến khích hành động và yêu cầu trách nhiệm giải trình. Tuần trước, Facebook đã thông báo trên trang web của mình rằng họ đã xóa hơn 400 tài khoản, trang và nhóm ở Philippines vì những vi phạm một cách có hệ thống Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi và trốn tránh việc thực thi”. Thông báo này đã được đưa vào một bài đăng giải thích cách Facebook sẽ kích hoạt một trung tâm điều hành bầu cử trong khi giải quyết những giọng điệu thù địch và nội dung ác ý. Facebook cũng thảo luận về những nỗ lực để phá vỡ các trang web độc hại và chống tin giả. Hồi tháng 1, Twitter cũng đã đình chỉ hơn 300 tài khoản có liên quan đến chiến dịch vận động của Marcos.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác