CÔNG AN BẠC LIÊU
Lật lại hồ sơ dự án Iceworm và căn cứ Camp Century
Cập nhật ngày: 6-05-2022, lượt xem: 88
Iceworm (Sâu băng) là mật danh cho một chương trình thử nghiệm bố trí vũ khí của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Dự án bắt đầu từ năm 1958 nhằm tạo nên một mạng lưới gồm chủ yếu vũ khí hạt nhân lưu động trong lòng núi băng lục địa ở đảo Greenland, thuộc Đan Mạch.

Dự án Iceworm tuyệt mật

Trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang diễn ra căng thẳng, cả hai siêu cường đều đã trang bị cho mình thế hệ vũ khí nguyên tử hủy diệt.

Nếu như người Mỹ mở ra "bình minh kỷ nguyên nguyên tử" bằng việc thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên mang mật danh "Trinity" vào ngày 16-7-1945, thì 16 năm sau, Liên Xô chế tạo thành công quả bom nguyên tử mạnh nhất trong lịch sử nhân loại - Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) vào ngày 30-10-1961.

Khi công thức chế tạo vũ khí hủy diệt đều đã được hai bên nắm rõ và quá trình sản xuất ra loại bom có sức công phá khủng khiếp chỉ còn là vấn đề thời gian thì việc xây dựng các căn cứ chứa bom nguyên tử để đối phó với địch thủ là nhu cầu hiển nhiên. Đó là lý do giải thích vì sao, trong hơn 4 thập niên diễn ra Chiến tranh Lạnh (1946- 1989), có rất nhiều thành phố, căn cứ bí mật, không có trên bản đồ của Mỹ và Liên Xô "mọc lên".

Lật lại hồ sơ dự án Iceworm và căn cứ Camp Century -0
Các kĩ sư Mỹ lấy lõi băng tại Camp Century năm 1966.

Trong khi Liên Xô đầu tư chế tạo các đoàn tàu bọc thép có thể vận chuyển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khổng lồ của họ quanh Siberia, Mỹ cũng tìm kiếm những giải pháp mới bố trí vũ khí hạt nhân cả ở nước ngoài. Iceworm là mật danh của một dự án tối mật núp dưới tên “Camp Century” (Trại Thế kỷ) của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh nhằm triển khai mạng lưới bệ phóng ICBM tầm trung di động dưới lớp băng Greenland (Đan Mạch).

Về bản chất, Trại Thế kỷ là một căn cứ quân sự ngầm của Mỹ, tuy nhiên người Mỹ giải thích rằng Trại chỉ là một trung tâm nghiên cứu nơi các nhà khoa học trực tiếp sinh sống và tìm hiểu cách thức cơ thể con người thích nghi như thế nào dưới môi trường băng đá lạnh giá.

Nằm cách Bắc Cực không xa, nhiệt độ xung quanh khu vực Camp Century (nằm ở độ cao 2.000 m) cách căn cứ quân sự Thule của Mỹ 240 km, thường ở mức -23 độ C, nhiều khi lạnh tới -70 độ C; lượng tuyết trung bình tích lũy trong khu vực vào thời điểm đó là trên 1m/ năm, gió giật với tốc độ 115 km/h. Do đó, việc xây dựng cơ sở quân sự trên bề mặt của tảng băng phía Bắc Greenland là điều không thể.

Bắt đầu từ năm 1959, sử dụng những cỗ máy xới đất khổng lồ do Thụy Sĩ chế tạo, Công binh Mỹ bắt đầu đào những đường hầm bên dưới lớp băng phía Bắc Greenland bằng phương pháp được gọi là “cắt và đắp”. Quân đội Mỹ đã tạo ra những đường hầm hiệu quả bên dưới mái vòm bằng thép và lớp băng tuyết, có thể được sử dụng để làm văn phòng, nhà ở và thậm chí là các hoạt động giải trí...

Mục đích thực sự đằng sau các hoạt động này là thiết lập một hệ thống đường hầm khổng lồ có thiết kế đặc biệt dưới băng, có khả năng hỗ trợ việc tàng trữ, vận chuyển và phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân. Bằng cách tận dụng các đường hầm dưới lớp băng cho mục đích này, Mỹ có thể phóng hàng loạt vũ khí hạt nhân vào Liên Xô, đồng thời di chuyển tên lửa định kỳ thường xuyên khiến Liên Xô gần như không thể phòng thủ hoặc tấn công đúng vị trí đặt tên lửa.

Thực hiện dự án, 21 đường hầm với tổng chiều dài 4.000 m cùng một bệnh viện, một cửa hàng, một nhà hát, một nhà thờ và các cơ sở khác đã được xây dựng dưới lớp băng. Tổng số nhân viên tham gia xây dựng và sống dưới lớp băng khoảng 200 người. Từ năm 1960 đến 1963, việc cung cấp điện được thực hiện thông qua lò phản ứng hạt nhân di động đầu tiên "PM-2A" do Alco thiết kế cho Quân đội Mỹ; nước được lấy trực tiếp từ các sông băng và được kiểm tra vi trùng dịch hạch.

Lật lại hồ sơ dự án Iceworm và căn cứ Camp Century -0
Dự án quân sự Iceworm dưới danh nghĩa cơ sở nghiên cứu khoa học.

Theo các tài liệu do Đan Mạch công bố năm 1997, mạng lưới tên lửa "Iceworm" đã được phác thảo trong một báo cáo năm 1960 có tiêu đề "Giá trị chiến lược của Greenland Icecap" của Quân đội Mỹ. Nếu được thực hiện đầy đủ, dự án sẽ có diện tích 130.000 km2, gấp gần 3 lần diện tích Đan Mạch, cùng khoảng 11.000 nhân viên quân sự. Hàng nghìn đường hầm sẽ được tạo ra mỗi năm để sau 5 năm có hàng nghìn vị trí khai hỏa, và có thể luân chuyển vài trăm tên lửa.

Các tầng bố trí tổ hợp phóng nằm dưới bề mặt 8,5m, với các bệ phóng tên lửa thậm chí còn sâu hơn và các trung tâm phóng tên lửa sẽ cách nhau 6,4 km. Giới chức Mỹ dự định triển khai một phiên bản rút gọn hai tầng của tên lửa Minuteman của Không quân Mỹ, biến thể mà Lục quân gọi là Người băng (Iceman). Những thông tin này được giữ bí mật tuyệt đối với chính phủ Đan Mạch.

Điều mà người dân Đan Mạch không biết vào thời điểm đó là kể từ năm 1961, các máy bay ném bom B-52 trang bị vũ khí hạt nhân đã liên tục bay vòng quanh Căn cứ Không quân Thule. Không chỉ vậy, khoảng 50 vũ khí hạt nhân cũng đã được cất giữ tại căn cứ từ năm 1958 đến năm 1965. Vụ hạ cánh của một pháo đài bay B-52 chứa đầy vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Greenland vào năm 1968 đã đưa mọi thứ ra ánh sáng.

Dự án phá sản nhưng vẫn còn nguy cơ cho tương lai

Ba năm sau khi dự án bắt đầu đã phát sinh tình huống ngoài dự kiến đó là tình trạng băng tan, các đường hầm nứt nẻ, dịch chuyển, từ từ biến dạng theo thời gian và không còn an toàn để sử dụng. Sự di chuyển lan rộng này khiến các đường hầm và hào bị thu hẹp, do tường của chúng biến dạng và phình ra, cuối cùng dẫn đến sập trần. Giữa năm 1962, trần của phòng điều hành Camp Century đã bị tụt và phải được nâng lên 1,5m.

Sau kế hoạch làm nguội lò phản ứng PM-2A để bảo trì vào cuối tháng 7-1963, Mỹ quyết định vận hành Camp Century như một cơ sở chỉ dành cho mùa hè và không kích hoạt lại lò phản ứng. Căn cứ tiếp tục hoạt động vào năm 1964 sử dụng máy phát điện diesel dự phòng, lò phản ứng di động bị dỡ bỏ vào mùa hè năm đó.

Lật lại hồ sơ dự án Iceworm và căn cứ Camp Century -0
Dự án Iceworm cất giữ khoảng 600 tên lửa hạt nhân của Mỹ.

Năm 1967, giới kỹ sư Mỹ nhanh chóng phát hiện ra điểm bất lợi: Vùng băng xây dựng căn cứ ngầm của Camp Century thay vì là một khối rắn vững chắc đang dần dần chuyển động. Sự chuyển động này về sau có thể khiến thành phố ngầm bị đứt gãy, sụp đổ.

Việc xử lý lớp băng tuyết dày (bỏ đi khoảng 120 tấn băng tuyết mỗi tháng) phía trên thành phố ngầm của Camp Century (nhằm tránh cho thành phố bị sức nặng của băng tuyết làm sập) đã khiến cho kết cấu của băng tại khu vực này giảm dần độ vững chắc.

Cuối cùng, vào năm 1967, căn cứ buộc phải hủy bỏ. Các mẫu lõi băng do các nhà địa chất làm việc tại Camp Century lấy đã cho thấy sông băng di chuyển nhanh hơn nhiều so với dự tính và sẽ phá hủy các đường hầm cũng như các trạm phóng dự kiến trong khoảng hai năm. Rõ ràng đây không phải là nơi để con người sinh sống, chưa nói đến việc lưu trữ vũ khí hạt nhân. Quân đội Mỹ buộc phải di chuyển 600 tên lửa hạt nhân ra khỏi Camp Century. Năm 1969, khi người Mỹ quay lại để kiểm tra thì trước mắt họ chỉ còn là đống đổ nát. Phần lớn các công trình bên trong đều bị phá hủy, nghiền nát bởi băng tuyết.

Lật lại hồ sơ dự án Iceworm và căn cứ Camp Century -0
Dù dự án Iceworm và căn cứ Camp Century không còn hoạt động nữa nhưng nó đã để lại mối nguy vô cùng to lớn.

Nhìn một cách tích cực, dự án đã tạo ra thông tin khoa học có giá trị và cung cấp cho các nhà khoa học một số lõi băng đầu tiên, số liệu khoa học vẫn được các nhà khí hậu học sử dụng cho đến ngày nay. Lớp băng lưu trữ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu hàng nghìn năm lịch sử khí hậu. Họ cũng có thể quay ngược thời gian bằng cách quan sát vi trùng được bảo quản trong nước tan chảy từ các sông băng.

Thông tin về dự án được tiết lộ trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 1997, khi Quốc hội Đan Mạch ủy quyền cho Viện Chính sách Đối ngoại Đan Mạch (DUPI) nghiên cứu lịch sử việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Greenland liên quan đến bê bối về vụ rơi máy bay ở căn cứ Thule.

Điều tệ hại hơn đã xảy ra, vào năm 2016, nghiên cứu của các nhà khoa học tiết lộ, do biến đổi khí hậu, lớp băng bao phủ căn cứ ngầm này sẽ dần tan chảy vào cuối thế kỷ 21. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, các nhà khoa học thuộc Đại học York, Canada, đã đo đạc lượng chất thải nguy hại còn sót lại tại căn cứ Camp Century, đồng thời sử dụng mô hình biến đổi khí hậu xác định nguy cơ tiềm ẩn mà chúng gây ra trong tương lai.

Khi điều này xảy ra, khoảng 200.000 lít nhiên liệu diesel và lượng nước thải tương tự cùng với một lượng chất ô nhiễm độc hại và chất làm mát phóng xạ sẽ phóng thích ra môi trường. Họ kết luận, khoảng vào năm 2090, phơi nhiễm phóng xạ là kịch bản không thể tránh khỏi, tất nhiên, điều nguy hiểm này còn phụ thuộc nhiều vào cường độ tăng tốc của biến đổi khí hậu.

Từ sau khi hình thành (1959) đến thời gian dự đoán của các nhà khoa học (2090), có thể Camp Century không trực tiếp gây ra bất cứ cuộc xung đột hạt nhân chết chóc nào thời Chiến tranh Lạnh, nhưng hệ quả từ việc xử lý chất thải cẩu thả ngày ấy có thể khiến môi trường và con người gặp nguy hiểm về sau.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác