CÔNG AN BẠC LIÊU
Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm
Cập nhật ngày: 4-04-2022, lượt xem: 94
Chỉ trong ngày 30-3, hàng loạt cuộc điện đàm của các nguyên thủ quốc gia đã được thực hiện, mà nội dung của chúng đều xoay quanh những căng thẳng liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Chiến sự đã bước sang tuần thứ sáu và những hệ lụy của nó, từ lâu, đã vượt khỏi phạm vi biên giới của hai quốc gia ấy, để mỗi lúc một ảnh hưởng trầm trọng tới các vấn đề kinh tế - xã hội toàn cầu.

Những đường dây nóng bỏng

Ngày 1-4, Nga và Ukraine nối lại đàm phán hòa bình theo hình thức trực tuyến. Trước đó, mặc dù cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn hai nước diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29-3) được “người trong cuộc” đánh giá là đã khép lại một cách “có ý nghĩa”, thì Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vẫn nhận định rằng, ông chưa thấy có dấu hiệu đột phá nào trong các phiên thảo luận, trong khi xung đột vẫn tiếp diễn.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp, Paris sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cách thức bảo đảm an ninh cho quốc gia Đông Âu này. Đồng thời, ông nhấn mạnh: Cần có một cuộc đàm phán đúng nghĩa thực thụ và vì thế, Nga và Ukraine cần phải tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước.

Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm -0
Chưa có điểm thỏa hiệp, cũng chưa có đột phá sau những cuộc thương thảo.

Trong khi đó, theo Điện Kremlin, vào ngày 30-3, thông qua điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí rằng các chuyên gia hai nước sẽ thảo luận về cách thức thanh toán khi mua khí đốt xuất khẩu của Nga bằng đồng Ruble. Cùng ngày, một cuộc điện đàm khác giữa Thủ tướng Italy Mario Draghi với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kéo dài tới 1 giờ đồng hồ. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Italy cho biết, "cuộc điện đàm tập trung vào những diễn biến mới nhất trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine". Ông Draghi đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một lệnh ngừng bắn sớm nhất có thể".

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Draghi và Tổng thống Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch tại Ukraine ngày 24-2 và hai nhà lãnh đạo nhất trí giữ liên lạc. Về phần mình, Tổng thống Putin cũng thông báo cho nhà lãnh đạo Italy về một hệ thống thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng Ruble thay vì đồng Euro hoặc đồng USD như thông thường, do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Từ châu Phi, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo: Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky về những diễn biến mới nhất liên quan các cuộc hòa đàm giữa Ukraine và Nga.

Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm -0
Hàng loạt cuộc điện đàm thể hiện sự quan ngại của thế giới đối với cuộc khủng hoảng.

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên đối thoại và các giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, khẳng định Ai Cập ủng hộ tất cả các nỗ lực để tiến tới giải pháp hòa bình. Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa nhà lãnh đạo Ai Cập và Tổng thống Ukraine chỉ trong vòng 8 ngày qua. Trước khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ, quan hệ kinh tế giữa Cairo và Kiev phát triển tích cực, trong đó Ai Cập nhập khẩu 30% lúa mì từ Ukraine.

Hồi đầu tháng 3, Tổng thống El-Sisi cũng đã điện đàm Tổng thống Nga Vladimir Putin, bày tỏ Ai Cập sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một thỏa thuận chính trị giữa Moscow và Kiyv để chấm dứt xung đột, đồng thời duy trì an ninh và ổn định quốc tế.

Từ bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông thông báo: Washington sẽ viện trợ trực tiếp cho chính phủ ở Kiev 500 triệu USD. Nhà Trắng nêu rõ: "Lãnh đạo hai nước đã thảo luận về những nỗ lực không ngừng của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác nhằm xác định cách bổ sung năng lực để trợ giúp quân đội Ukraine bảo vệ đất nước".

Ông Zelensky đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình sau cuộc nói chuyện điện thoại này: "Chúng tôi vừa kết thúc cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ. Chúng tôi chia sẻ những đánh giá về tình hình chiến trường và tại bàn đàm phán.Chúng tôi cũng thảo luận những hỗ trợ cụ thể để phòng thủ, một gói trừng phạt tăng cường mới, trợ giúp tài chính vĩ mô và viện trợ nhân đạo".

Như vậy, có 2 xu hướng được khắc họa khá rõ nét, thông qua những nỗ lực kết nối từ cộng đồng quốc tế đến 2 vị nguyên thủ của 2 quốc gia đối địch đang “lâm chiến”: Thứ nhất là niềm mong mỏi chiến sự sớm chấm dứt, hòa bình và ổn định sớm được vãn hồi. Và, thứ hai, ở chiều ngược lại, vẫn sẽ có những tác động gián tiếp từ bên ngoài được thực hiện nhằm tạo nên các điểm nhấn trên thực địa chiến trường, từ đó quyết định vị thế đàm phán cho những người trong cuộc.

Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm -0
Năng lượng sạch - một lối thoát mà thế giới hướng đến.

Đi tìm điểm thỏa hiệp

Ít nhất thì với những nỗ lực đối thoại đã được thực hiện, như đại tá Mikhail Mizintsev - người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Liên bang Nga - thông báo ngày 31-3: “Theo yêu cầu cá nhân của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ 10 giờ Moscow ngày 1-4, Các lực lượng vũ trang Nga sẽ mở lại hành lang nhân đạo từ Mariupol đến Zaporozhye (với điểm trung gian tại Berdyansk). Để thực hiện thành công, hoạt động nhân đạo này được đề xuất thực hiện với sự tham gia trực tiếp của đại diện Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC)”. Trước đó, trong ngày 31-3, Nga đã mở 10 hành lang nhân đạo theo các hướng Kiev, Chernihiv, Sumy, Kharkov và Mariupol.

Đây hiển nhiên là một tín hiệu tích cực, khi nó giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra những thảm họa nhân đạo ở các vùng giao tranh. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các nước láng giềng của Ukraine nói riêng cũng như châu Âu nói chung sẽ tiếp tục phải chịu thêm những gánh nặng không nhỏ, đến từ các dòng người di tản. Hiện tại, đã có hơn 10 triệu người mất nhà cửa và hơn 4 triệu người phải rời khỏi đất nước.

Cùng lúc, guồng máy kinh tế toàn cầu cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc giá dầu liên tục giữ ở trên ngưỡng 100 USD/thùng, kể từ khi chiến sự bùng nổ. Trong khi đó, không chỉ khí đốt, sự thiếu hụt nguồn cung của những sản phẩm quan trọng như lúa mỳ hay phân bón (đến từ 2 nhà cung cấp hàng đầu thế giới, chính là Ukraine và Nga) cũng đang tạo nên những nỗi ám ảnh về một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đã bắt đầu đe dọa thế giới.

Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm -0
Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động rất tích cực trong vai trò trung gian.

Đến lúc này, những lệnh trừng phạt vẫn liên tục được Mỹ, Anh, châu Âu cũng như toàn phương Tây nói chung áp đặt lên các định chế hay cá nhân thuộc Liên bang Nga. Rõ ràng, cùng với mọi yếu tố trên, các biện pháp cấm vận ấy sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hòa đàm, bên cạnh các diễn biến quân sự.

Nói một cách ngắn gọn, trong những cuộc “thương thuyết” Nga - Ukraine vẫn đang tồn tại những điểm mà cả hai phía chắc chắn đều chưa sẵn sàng nhượng bộ, đơn cử như quy chế chính thức dành cho các vùng ly khai ở Donbass phía Đông Ukraine. Kyiv không chấp nhận từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình ở đây, như Moscow đòi hỏi. Do đó, tranh luận vẫn sẽ tiếp tục diễn ra (và thậm chí diễn ra trong bế tắc), cho đến khi diễn biến chiến tranh đẩy một trong hai phía (hoặc có thể cả hai) đến giới hạn chịu đựng tổn thất cuối cùng.

Ở một tương quan rộng lớn hơn, cả chiến sự lẫn hòa đàm Nga - Ukraine đang cùng khắc họa xung đột Nga - phương Tây, thể hiện các nhu cầu cũng như vận động cụ thể nhằm định hình một trật tự thế giới mới - không phải là thế giới đơn cực cũ. Do đó, phương Tây vừa cố gắng hậu thuẫn Kiyv, vừa tập trung giải quyết các vấn đề chuyển đổi nội tại, để vừa tránh “trở thành con tin” bởi các nguồn cung nhiên liệu từ Nga, vừa góp phần làm suy yếu vị thế của Moscow trên bàn đàm phán.

Thí dụ, trong diễn biến mới nhất ngày 31-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu - một hành động “chưa từng có tiền lệ”, gia tăng sức nặng cho các lệnh cấm vận. Cùng đó, Anh, Pháp, Đức... và rất nhiều quốc gia khác đang ráo riết xây dựng các kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung, xây thêm các kho dự trữ nhiên liệu hoặc chuyển đổi mạnh mẽ hơn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.

Triển vọng tương lai Ukraine từ những cuộc điện đàm -0
Nhà Trắng đã quyết định mở kho dự trữ dầu.

Một điểm thỏa hiệp chấp nhận được cho cả Nga lẫn Ukraine trên bàn đàm phán, vì vậy, dường như vẫn còn khá mờ mịt. Trong khi đó, cho dù phía Nga đã tuyên bố khép lại giai đoạn thứ nhất trên thực địa chiến trường thì theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia đang hoạt động năng nổ trong vai trò trung gian) Mevlut Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ chưa thấy các quyết định từ cuộc đàm phán ở Istanbul được thực hiện đầy đủ, trong đó có cả việc rút các lực lượng Nga khỏi một số khu vực, cho dù đàm phán vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể.

Và, như thế, kể cả trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ có kết nối và sắp xếp được một cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba thì hiện trạng trước mắt dành cho cả hai phía vẫn là “vừa đánh, vừa đàm”...



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác