CÔNG AN BẠC LIÊU
Các nước ASEAN thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025
Cập nhật ngày: 4-04-2022, lượt xem: 65
Đại diện Campuchia nhấn mạnh việc giải quyết các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đòi hỏi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải có hành động và phản ứng chung, đặc biệt là trong bối cảnh siêu xu hướng và bối cảnh địa chính trị và kinh tế đang thay đổi nhanh chóng.

Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 đã họp phiên đầu tiên tại Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta (Indonesia), thảo luận về Kế hoạch Công tác năm 2022, Quy trình nghị sự (RoP) của HLTF và các nội dung cốt lõi của Tầm nhìn. Cuộc họp do Campuchia, Chủ tịch đương nhiệm ASEAN và Malaysia, Chủ tịch Thường trực HLTF, đồng chủ trì và có sự tham dự của các thành viên HLTF từ 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Quốc gia Chủ tịch ASEAN - Campuchia nhấn mạnh việc giải quyết các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống đòi hỏi ASEAN phải có hành động và phản ứng chung, đặc biệt là trong bối cảnh siêu xu hướng và bối cảnh địa chính trị và kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Trong khi đó, quốc gia đồng chủ trì Malaysia khẳng định, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều “thực sự có mong muốn mạnh mẽ tận dụng các cơ hội và giải quyết các thách thức theo cách hợp tác, phù hợp và mang tính xây dựng nhất có thể”.

Các nước ASEAN thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025 -0
Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.

Quy tụ các nhân vật nổi tiếng (EP), đại diện cấp cao (HLR) từ mỗi quốc gia thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN, HLTF có nhiệm vụ phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. HLTF cũng đang thực hiện Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 do các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020, trong đó quy định “việc phát triển Tầm nhìn sau năm 2025 sẽ được tiến hành toàn diện, thực chất, cân đối, bao trùm và phối hợp; sử dụng cách tiếp cận toàn Cộng đồng để phối hợp các nỗ lực liên trụ cột của Cộng đồng ASEAN và giữa các cơ quan ban ngành nhằm giải quyết sự phức tạp ngày càng gia tăng của các cơ hội và thách thức mà ASEAN phải đối mặt”.

Tại phiên họp, HLTF đã thông qua RoP và Kế hoạch Công tác năm 2022. Trong khi đó, Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN và chia sẻ quan điểm về Tầm nhìn sau năm 2025.

Trước đó, ngày 30/3, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 27 đã được tổ chức nhằm thảo luận về các vấn đề và phương hướng chiến lược của trụ cột văn hóa - xã hội. Đây là sự kiện quan trọng và là cuộc họp đầu tiên trong năm của ASCC. Hội nghị đã ủng hộ các ưu tiên của Năm chủ tịch ASEAN Campuchia 2022 với chủ đề “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”, nhấn mạnh tinh thần “cùng” của Cộng đồng ASEAN, cũng như ý chí chung trong nỗ lực tập thể nhằm giải quyết và vượt qua các thách thức đang phải đối mặt. Hội nghị cũng đánh giá cao các cơ quan ngành của ASCC đã có những nỗ lực kịp thời và các sáng kiến quan trọng, cũng như các văn kiện dự kiến trình lên các nhà lãnh đạo xem xét thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Hội nghị ghi nhận nỗ lực của ASCC trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19. Theo khuyến nghị trong Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch tổng thể ASCC 2025, ASCC đã điều chỉnh các Kế hoạch Công tác sau năm 2020 theo Khung phục hồi tổng thể ASEAN và kế hoạch thực hiện. Hội nghị ghi nhận Hướng dẫn mở cửa trở lại trường học an toàn, khôi phục và tiếp tục học tập tại khu vực ASEAN như một phần trong nỗ lực khôi phục các dịch vụ giáo dục cho trẻ em bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.

Hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề chiến lược thuộc trụ cột ASCC, nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao và việc tiếp tục trao quyền cho thanh niên, phát triển nguồn nhân lực, phát triển phụ nữ và lồng ghép giới, xây dựng khả năng phục hồi trong tương lai theo hướng xanh, tiếp cận bình đẳng với kỹ thuật số, giảm nghèo, và các hình thức hỗ trợ phát triển bền vững khác tại khu vực ASEAN.

Hội nghị cũng nhấn mạnh một số ưu tiên, bao gồm xây dựng Tuyên bố về tận dụng vai trò của thể thao trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy Tuyên bố về tăng cường bản sắc ASEAN thông qua việc bảo tồn các trò chơi và các môn thể thao truyền thống trong thế giới hiện đại; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Năm thanh niên ASEAN 2022; và Tuyên bố Siem Reap về thúc đẩy Cộng đồng ASEAN sáng tạo và thích ứng nhằm hỗ trợ nền kinh tế văn hóa và sáng tạo, cũng như thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và sáng tạo ASEAN. Các ưu tiên này nhằm mục đích nâng cao các giá trị, nhận thức và bản sắc ASEAN; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và trao quyền cho phụ nữ; tăng cường sức khỏe, hạnh phúc và bảo trợ xã hội cho người dân ASEAN; tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASCC.



Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác