Hãng tin Telegraph của Anh ngày 21/3 dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo châu Âu có thể đối mặt với làn sóng người tị nạn khổng lồ lên đến 8 triệu người đến từ Ukraine, trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.
Theo bà Baerbock, mỗi nước ở châu Âu cần sẵn sàng cho việc tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn, cũng như "phân phối một số qua Đại Tây Dương". Bà đề nghị thiết lập một "cầu hàng không" để đưa một số người dân Ukraine rời bỏ đất nước Ukraine sang Mỹ.
"Chúng ta không chỉ cần hành lang an toàn, mà cần cả một cầu hàng không đoàn kết", Ngoại trưởng Đức phát biểu, gửi thông điệp đến "châu Âu, cộng đồng quốc tế và đối tác xuyên Đại Tây Dương".
Số liệu của cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng khoảng 3,4 triệu người đã rời bỏ Ukraine do chiến sự. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cùng ngày nói với tờ Telegraph rằng một "cầu hàng không" theo đề nghị của Đức là "một ý tưởng hay".
Thông điệp được bà Baerbock đưa ra ngay trước thềm chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Washington không thể hiện vai trò đáng kể trong nỗ lực hòa giải Nga-Ukraine, nhưng ủng hộ Kiev nhiều lô vũ khí sát thương và các biện pháp cấm vận chống Nga.
Telegraph cho biết, Tổng thống Mỹ ngày 11/3 nói rằng ông sẽ chào đón những người tị nạn Ukraine với "vòng tay rộng mở". Tuy nhiên, Washington chỉ bố trí chỗ ở cho 7 người Ukraine từ ngày 1 đến 16/3. Trong tháng 1 và 2/2022, Mỹ tiếp nhận khoảng 500 người tị nạn Ukraine, con số không đáng kể so với lượng người Ukraine mà châu Âu tiếp nhận.
Một số người Ukraine cố gắng nhập cảnh vào Mỹ từ biên giới Mexico, nhưng bị từ chối. Một số ít công dân Ukraine khác đến Mỹ bằng visa du lịch, nhưng việc xin cấp visa diễn ra rất phức tạp.
Mỹ hiện chưa bình luận gì về lời kêu gọi của Ngoại trưởng Đức. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhóm họp ngày 23/3 để lên kế hoạch thiết lập một "nền tảng điều phối" giúp các nước ngoài EU tiếp nhận người tị nạn Ukraine.
Truyền thông phương Tây cho biết, làn sóng người tị nạn đã tạo ra rất nhiều áp lực lên nền kinh tế các nước châu Âu, nhất là tại các nước Đông Âu, vốn đang cố gắng vực dậy từ sau đại dịch COVID-19 cũng như đà tăng giá chóng mặt của nhiên liệu.
Ở Ba Lan, thủ đô Warsaw của nước này đã thực sự ngột ngạt vì dòng người tị nạn khi trung tâm tiếp nhận người tị nạn lớn nhất đã quá tải. Người tị nạn hiện chiếm hơn 10% dân số thành phố.
"Chúng tôi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai... Tình hình trở nên khó khăn hơn mỗi ngày", AP dẫn lời Thị trưởng Warsaw Rafal Trzaskowski tiết lộ.
Bộ trưởng Nội vụ Czech Vit Rakusan ngày 20/3 cho biết chính phủ nước này đang tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dòng người di tản từ Ukraine. Giới chức Czech đã đưa những người Ukraine mới đến sang các thành phố khác thay vì thủ đô Prague nhằm giảm sức ép.
Nguồn: cand.com.vn