Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khảo sát dữ liệu tại gần 6.500 thành phố trên thế giới trong năm 2021.
Theo khuyến nghị an toàn của WHO, chỉ số bụi mịn PM2.5 (các hạt bụi nhỏ có khả năng gây nguy hiểm cho đường hô hấp trong không khí) không được vượt quá 5 microgram trên mét khối. Năm ngoái, WHO đưa ra cảnh báo rằng ngay cả khi có nồng độ thấp hơn mức “chuẩn”, các hạt này vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tuy vậy, chỉ có 3,4% các thành phố được khảo sát đạt tiêu chuẩn này vào năm 2021, theo dữ liệu của IQAir, một công ty giám sát chất lượng không khí của Thụy Sĩ. Có tới 93 thành phố có mức PM2.5 cao gấp 10 lần mức khuyến nghị.
Một số nước đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm lượng khí thải và ô nhiễm không khí. Christi Schroeder, đại diện IQAir, cho biết “Trung Quốc từng là một nước với chỉ số ô nhiễm không khí rất cao, tuy nhiên, đã có cải thiện trong những năm gần đây”.
Theo dữ liệu của IQAir, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng PM2.5 vào năm 2021, từ vị trí thứ 14 một năm trước đó. Hòa Điền, thành phố cấp huyện ở Tân Cương, là đô thị với chỉ số chất lượng không khí kém nhất ở Trung Quốc, phần lớn do bão cát sa mạc gây ra.
Trái lại, tình hình lại xấu đi ở nhiều nước. Điển hình là Ấn Độ với mức độ ô nhiễm nói chung trở nên tồi tệ hơn trong năm 2021, New Delhi vẫn giữ vị trí là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Trong khi đó, Bangladesh là đất nước có chất lượng không khí kém nhất, không thay đổi vị trí so với năm trước đó. Xếp sau Bangladesh là Chad, một quốc gia châu Phi.
Nguồn: cand.com.vn