Tuyên bố chung của Ngoại trưởng 5 nước chỉ trích chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng bạo lực để đối phó với các cuộc biểu tình của người dân Syria dẫn tới tình trạng nội chiến ở nước này trong những năm qua.
Sau nhiều năm xung đột, nền kinh tế Syria đã tan vỡ, hơn một nửa dân số Syria, khoảng 13 triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Hàng triệu người tị nạn Syria được tiếp nhận bởi các nước lân cận bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon, Iraq, và Ai Cập đã không thể trở về nhà do nỗi sợ bạo lực và bị bắt giữ.
Xung đột tiếp diễn cũng tạo không gian cho các phần tử khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động. Tuyên bố kêu gọi chính phủ Syria và các lực lượng ủng hộ tham gia nghiêm túc vào tiến trình chính trị và cho phép viện trợ nhân đạo được vận chuyển tới các cộng đồng đang cần.
Tuyên bố cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Syria dự kiến trong năm nay sẽ không tự do và công bằng và cũng sẽ không dẫn tới bất kỳ biện pháp nào giúp bình thường hóa quan hệ quốc tế với chính phủ Syria. Tuyên bố nêu rõ, mọi tiến trình chính trị cần có sự tham gia và tiếng nói của người dân Syria.
Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy khẳng định cam kết theo đuổi một giải pháp hòa bình nhằm bảo vệ quyền và thịnh vượng trong tương lai của người dân Syria dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an (HĐBA). Ngoại trưởng 5 nước nhấn mạnh sẽ không khoan nhượng trước việc Syria không tuân thủ Công ước vũ khí hóa học đồng thời khẳng định ủng hộ công việc của Tổ chức cấm vũ khí hóa học trong vấn đề này.
Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy nhấn mạnh sẽ tiếp tục kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc, tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo được vận chuyển qua mọi tuyến đường tới những nơi cần thiết, thả những người bị bắt giữ tùy tiện, tổ chức bầu cử tự do và công bằng dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) và sự tham gia của mọi người dân Syria bao gồm cả những người đang sống lưu vong. Theo Ngoại trưởng 5 nước, việc thực hiện nghị quyết 2254 của HĐBA là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Trẻ em Syria là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc nội chiến. Ảnh: PBS. |
Trong khi đó, đánh dấu 10 năm cuộc chiến ở Syria, tại cuộc họp HĐBA diễn ra cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi cuộc chiến ở Syria là "ác mộng giữa đời thường": "10 năm về trước, từ các cuộc biểu tình bạo lực, Syria đã bị đẩy vào một cuộc chiến kinh hoàng. Sau một thập kỷ xung đột, giữa thời điểm thế giới xảy ra đại dịch COVID-19, Syria đã rời khỏi bản đồ thế giới và tình hình ở Syria vẫn là "ác mộng giữa đời thường".
Theo thống kê của LHQ, chiến tranh ở Syria đến nay đã khiến 500.000 người chết, hơn 1 triệu người khác bị thương và một nửa dân số nước này phải tha hương, trong số này có đến 5 triệu người phải tị nạn ở nước ngoài. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, cộng thêm sự lan rộng của dịch COVID-19, cuộc sống của người dân Syria vô cùng khó khăn.
Tổng Thư ký LHQ nhận định những gì mà người dân Syria phải chịu đựng đã vượt quá sức chịu đựng của con người, có thể gây sốc "lương tâm của nhân loại". Nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, 60% người dân Syria có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay.
Ông kêu gọi đẩy nhanh tiếp cận hỗ trợ nhân đạo và chuyển giao lương thực, cũng như các khoản hỗ trợ cho người dân tại khu vực biên giới và giữa các khu vực xung đột ở Syria. Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng kêu gọi các bên đẩy nhanh tiến trình hòa bình và xây dựng hiến pháp mới ở Syria, xem đây là giải pháp để Syria trở lại bản đồ chính trị thế giới, mang lại cuộc sống hòa bình thực sự cho người dân.
"Các bên có cơ hội thể hiện thiện chí tìm kiếm điểm chung và nhận thức rõ nhu cầu của người dân mong muốn thoát khỏi cuộc xung đột hiện nay. Đây là con đường dẫn đến một giải pháp nhằm đáp ứng những khát khao hợp pháp của tất cả người dân, tạo điều kiện cần thiết cho người tị nạn được hưởng an toàn và quyền con người cơ bản, cũng như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của đất nước Syria", người đứng đầu LHQ nhấn mạnh.
Sau một thập niên chiến tranh khiến hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người phải đi sơ tán, Chính phủ Syria đã giành lại gần hết quyền kiểm soát lãnh thổ dưới sự hỗ trợ của Nga và Iran. Tuy nhiên, hậu quả cuộc chiến vẫn còn đó. Hậu quả nhãn tiền là 60% dân số nước này đứng trước nạn đói. Hạ tầng cơ sở bị tàn phá nặng nề.
Chưa hết, theo một thông tin gây shock của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện có hàng triệu trẻ em ở Syria không biết đến bất cứ thứ gì ngoài cái chết, ly tán và sự tàn phá.
Theo báo cáo, cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng gồm bạo lực, suy giảm kinh tế và đại dịch COVID-19, cuộc sống của nhiều gia đình ở Syria vô cùng bi đát. Cứ 3 gia đình có đến 2 gia đình cho biết, họ không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất như ăn, mặc.
Trẻ em là đối tượng bị tác động nặng nề nhất. Ước tính có đến 90% trẻ em đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Gần 5 triệu trẻ em được sinh ra ở Syria trong vòng 10 năm qua và hơn 1 triệu trẻ em được sinh trong các trại tị nạn, ngoài Syria.
Dẫn số liệu đã được xác minh, đại diện UNICEF tại Syria Bo Viktor Nylund cũng cho biết, từ giữa năm 2011 đến năm 2020 có những trẻ em ở 7 tuổi ở Syria đã được tuyển làm lính. Trong giai đoạn 2011-2020, hơn 1.300 cơ sở giáo dục và y tế ở quốc gia Trung Đông này trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Hệ quả là giáo dục ở Syria đang phải đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.
Rõ ràng, để khôi phục lại một đất nước Syria, chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều năm nữa với sự chung tay của cộng đồng thế giới.
Nguồn: cand.com.vn