Trong bối cảnh đó, chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố thiết quân luật tại một số khu vực, còn đại diện phía dân sự cam kết sẽ tìm cách trao cho người dân các quyền hợp pháp để tự vệ.
Reuters ngày 15/3 đã dẫn lại phát ngôn về tình hình Myanmar ở thời điểm hiện tại của ông Mahn Win Khaing Than - người được đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) bổ nhiệm làm quyền phó tổng thống để thay mặt Tổng thống Win Myint và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi hiện đang bị giới chức quân đội bắt giữ.
Theo đó, ông Mahn Win Khaing Than nêu rõ: "Đây là thời điểm đen tối nhất của đất nước và bình minh cũng đang cận kề". Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Myanmar tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị bằng các cuộc biểu tình hàng loạt tại thủ đô Naypyitaw và nhiều thành phố lớn nhằm phản đối chính biến.
Cụ thể, Reuters cho biết, hôm 14/3, ít nhất 22 người biểu tình đã bị bắn chết ở khu công nghiệp thị trấn Hlaing Tharyar, ngoại ô thành phố Yangon. Ngoài ra, 16 người biểu tình khác và một cảnh sát cũng thiệt mạng ở Mandalay, Bago, Hpakan, đánh dấu một trong những ngày biểu tình "đau thương nhất" ở nước này kể từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người tử vong trong các cuộc biểu tình ở Myanmar đã tăng lên đến con số 80 và hơn 2.100 người bị bắt. Trước tình hình trên, ông Khaing Than cam kết rằng chính phủ dân sự sẽ "cố gắng thảo ra các luật cần thiết để người dân có quyền tự vệ" trước cuộc trấn áp của quân đội, việc quản lý hành chính công sẽ được một "nhóm điều hành lâm thời của nhân dân" đảm nhiệm, đồng thời kêu gọi "các sắc tộc anh em" đồng lòng xây dựng một "nền dân chủ liên bang".
Về phía chính quyền quân sự, hiện chưa có bất kể phản ứng nào đối với phát biểu trên của ông Mahn Win Khaing Than. Tuy nhiên, lệnh thiết quân luật đã được chính quyền quân sự tiếp tục mở rộng ở một số quận thuộc Yangon bao gồm North Dagon, South Dagon, Dagon Seikkan và North Okkalapa.
Trước đó, lệnh này đã được ban bố tại quận Hlaingthaya và Shwe Pyi Thar sau khi xảy ra vụ việc một số nhà máy ở các địa phương này bị đốt phá. Được biết, thiết quân luật là hành động áp đặt kiểm soát quân sự trực tiếp đối với các chức năng dân sự thông thường hoặc đình chỉ luật dân sự của chính phủ, thường là nhằm đối phó với những tình huống khẩn cấp.
Việc áp dụng thiết quân luật thường đi kèm với lệnh giới nghiêm, đình chỉ pháp luật dân sự, giảm các quyền dân sự thông thường của công dân, đồng thời quy định nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn luật bình thường.
Hiện tại, Hội đồng Hành pháp Nhà nước Myanmar đã trao quyền hành pháp và tư pháp cho chỉ huy vùng Yangon để đảm bảo an ninh và duy trì luật pháp, cũng như sự yên bình cho địa phương. Thế nhưng nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là những nước có các nhà máy bị ảnh hưởng do đảo chính ở Myanmar, vẫn tiếp tục hối thúc nước này tiến hành thêm các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tất cả các hành động bạo lực.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc gọi tình trạng bạo lực tại Myanmar là sự việc "đau lòng". Nguồn: Reuters. |
Đại sứ quán Trung Quốc mô tả tình hình "rất nghiêm trọng" bởi 32 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc tại thành phố Yangon đã bị đập phá khiến nhiều nhân viên Trung Quốc bị thương và mắc kẹt, thiệt hại tài sản cũng lên tới 240 triệu nhân dân tệ (36,89 triệu USD).
"Trung Quốc kêu gọi Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar", tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ.
Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener cũng đều lên án mạnh mẽ việc lực lượng quân đội sử dụng vũ lực chết người đối với dân thường" và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự được bầu cử một cách dân chủ.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Tom Andrews cũng kêu gọi các quốc gia ngừng cung cấp tiền mặt và vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar. Theo các chuyên gia, đảo chính dẫn đến bạo lực kinh hoàng diễn ra suốt thời gian qua không phải là giải pháp cho quốc gia này.
Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, nhận định, quân đội Myanmar đang ở thế khó khi vừa phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài lẫn bên trong.
Ông Kipgen gọi lý do "gian lận bầu cử" mà quân đội Myanmar đưa nghe có vẻ hợp lý song cách thức giải quyết lại sai hoàn toàn. Ông Kipgen cho rằng lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar vẫn còn. Các thành viên được bầu hợp lệ trong quốc hội có thể cân nhắc thành lập ủy ban điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử như quân đội đề xuất. Chỉ có cách đó mới chấm dứt mọi tranh cãi và tạo nền tảng cho việc giải quyết những khiếu nại gian lận nếu có trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, Khin Maung Zaw, luật sư của bà Suu Kyi thông báo phiên tòa ngày 15/3 của Cố vấn Nhà nước Myanmar đã bị hoãn tới ngày 24/3. Luật sư Maung Zaw cho biết tòa án thuộc chính quyền quân đội Myanmar chỉ cho phép hai luật sư cấp thấp đại diện cho bà Suu Kyi.
Hiện bà Suu Kyi đang phải đối mặt với ít nhất bốn cáo buộc bao gồm sở hữu máy bộ đàm không có giấy phép, vi phạm các quy định chống dịch COVID-19, vi phạm luật viễn thông và có ý định gây bất ổn cho công chúng.
Các nhà chức trách quân sự cũng nghi ngờ bà Suu Kyi đã nhận các khoản thanh toán bất hợp pháp, 600.000 USD tiền mặt, cũng như một số lượng lớn vàng - những cáo buộc mà luật sư của bà nói là "vô căn cứ".