Washington và Bắc Kinh vẫn đang đặt ra những kỳ vọng khác nhau cho sự kiện này. Việc này cho thấy, áp lực về mặt đối nội với chính quyền cả hai phía trong việc tránh để bị nhìn nhận là yếu mềm khi nối lại quan hệ.
Cuộc gặp tại Alaska giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của Mỹ với Ngoại trưởng Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì của Trung Quốc, là sự kiện cấp cao đầu tiên giữa quan chức hai nước, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Thế nhưng hai bên đã xảy ra bất đồng trong việc xác định cuộc gặp này có phải là "đối thoại chiến lược" hay không. Đó là cơ chế đối thoại thường xuyên từng bị hủy bỏ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hôm 11/3, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với các nghị sỹ Quốc hội rằng: "Đây không phải là một cuộc đối thoại chiến lược - ở thời điểm này chúng tôi vẫn chưa có ý định tổ chức hàng loạt các chương trình tiếp xúc". Phản ứng về phát biểu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, cuộc gặp song phương vào ngày 18 – 19/3 tới là một cuộc đối thoại chiến lược cấp cao được tổ chức theo lời mời của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc vẫn đang bất đồng về bản chất cuộc gặp song phương quan trọng, dự kiến diễn ra vào ngày 18, 19/3 tới. |
Quan điểm khác biệt của hai nước phản ánh tính chất căng thẳng của cuộc gặp, sự kiện sẽ định hình sắc thái của cặp quan hệ quan trọng nhất thế giới. Trong khi Tổng thống Joe Biden cần thỏa mãn yêu cầu từ lưỡng đảng về việc duy trì cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump trong quan hệ với Bắc Kinh thì Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải đương đầu với chủ nghĩa dân tộc trong nước ủng hộ việc đáp trả Mỹ gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề thương mại và Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, cuộc gặp cũng thể hiện sự sẵn sàng tái can dự của hai nước sau khi mối quan hệ chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái. Khi đó, hai nước đã gia tăng các biện pháp trừng phạt và nâng thuế với nhau, thậm chí trục xuất nhà báo và đóng cửa lãnh sự quán của nước kia. Washington và Bắc Kinh đều bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và thể hiện sự cởi mở để đưa ra các cử chỉ thiện chí sớm.
Ông Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nhận xét: "Đó là một cử chỉ tốt đẹp của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh chính trị nội bộ Mỹ như vậy". Ông nói thêm: "Cả hai bên đều ép nhau phải sửa chữa những sai lầm. Sẽ là một kết quả tích cực nếu hai nước có thể tiến xa hơn những lời xã giao và bắt đầu nối lại cơ chế đối thoại về các vấn đề đáng quan tâm, chẳng hạn như phân tách công nghệ, Đài Loan và thương mại".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức thường niên hôm 11-3 tại Bắc Kinh rằng ông hy vọng được chứng kiến "đối thoại ở nhiều cấp" với chính quyền Mỹ hiện nay. Ông nhấn mạnh: "Ngay cả khi chúng ta không thể giải quyết mọi việc sớm thì việc trao đổi quan điểm như vậy sẽ giúp tăng cường lòng tin và xóa tan những nghi ngờ".
Cuộc gặp trực tiếp Mỹ - Trung sẽ diễn ra vài ngày sau hội nghị trực tuyến giữa quan chức cấp cao của Mỹ với các đối tác chủ chốt ở khu vực Á - Thái Bình Dương, hay còn gọi là Nhóm Bộ tứ (QUAD). Lịch trình và địa điểm của cuộc gặp diễn ra trên đất Mỹ cho phép nước chủ nhà có thể phô diễn sức mạnh.
Ngoại trưởng Antony Blinken phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng giữa hai bên có thể đi đến các cam kết chỉ khi Washington thấy rõ những tiến triển thực sự trong các vấn đề Mỹ quan tâm. Ông bổ sung: "Nhưng đây là cơ hội để chúng tôi đặt nó lên bàn đàm phán".
Phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Alaska vài ngày sau khi các đại biểu quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu thông qua quy định liên quan đến quyền bầu cử ở Hong Kong (Trung Quốc). Quy định trên được thông qua trong kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc), với nội dung chính của kỳ họp là thảo luận về mở rộng nền kinh tế, hiện đại hóa quân đội và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Việc làm này đã và đang chịu sự chỉ trích của Mỹ và một số quốc gia phương Tây, đồng thời trở thành nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên.
Cả ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều gợi ý trong các phát biểu gần đây rằng phía Mỹ phải có trách nhiệm trong việc sửa chữa mối quan hệ sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Họ cũng cho biết đã thúc đẩy Washington tái khởi động các cơ chế đối thoại thường xuyên.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ chấp nhận một thái độ khách quan và phù hợp đối với các mối quan hệ song phương; từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và tư duy tổng bằng không; tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc; ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc", ông Triệu Lập Kiên phát biểu vào hôm 11/3.
Nguồn:cand.com.vn