Nhân viên y tế di chuyển một người nhiễm COVID-19 tại Mỹ. Ảnh: ITN |
Straits Times ngày 24/11 dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường kinh tế quốc tế HEC Paris, Pháp và Đại học Bocconi ở Milan, Italia chỉ ra rằng, việc các bang của Mỹ áp đặt các lệnh phong toả COVID-19 từ giữa tháng 3 đến tháng 5 đã cứu được 29.000 người.
Tuy nhiên, khoản tổn thất về kinh tế cho việc phong toả là 169 tỷ USD, tức khoảng 5,8 triệu USD cho một người được cứu sống. "Các thống đốc Mỹ một mặt đã cứu được nhiều mạng người, nhưng mặt khác đã hi sinh nền kinh tế", giáo sư Jean-Noel Barrot của trường HEC Paris nói.
Làm cách nào đối phó dịch COVID-19 đã trở thành vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ. Trong khi nhiều người ủng hộ phong toả để ngăn dịch lây lan, phần còn lại phản đối phong toả vì lo ngại nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Tính đến chiều 24/11, Mỹ ghi nhận gần 12,8 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó gần 260.000 người đã tử vong. Số ca nhiễm mới ở nước này đang tiếp tục đà gia tăng chóng mặt, ở mốc hơn 170.000 ca chỉ trong 24h gần nhất.
Theo lời giáo sư Jean-Noel Barrot, chỉ khi người Mỹ có trách nhiệm hơn với việc đeo khẩu trang và tuân thủ các quy tắc, số ca nhiễm mới có thể giảm dần.
Trước đó, hồi giữa tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ không áp đặt lệnh phong toả toàn quốc vì COVID-19 và tin rằng bất cứ chính quyền nào khác ở Mỹ cũng sẽ không làm như vậy.
Theo lời nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm, nước này sẽ phân phối vaccine COVID-19 của hãng dược Pfizer tới toàn bộ công dân Mỹ vào tháng 4/2021, trừ người dân New York do yếu tố chính trị.
Nguồn: cand.com.vn