Vượt qua những thách thức không gian và thời gian mà COVID-19 gây ra, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khép lại, với thông điệp mạnh mẽ về việc chung tay phòng ngừa và ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh đến nỗ lực hợp tác toàn cầu, hỗ trợ tập trung vào những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất và những quốc gia khó khăn nhất để cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển vững mạnh hơn.
Cam kết quan trọng nhằm giải bài toán vaccine
Tại lễ bế mạc hội nghị diễn ra ngày 22/11 (giờ địa phương), Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud đã khẳng định, thành công lớn nhất của kỳ hội nghị năm nay chính là việc “gửi đi thông điệp về hy vọng và sự bảo đảm dành cho người dân khối G20 cũng như người dân toàn thế giới, được minh chứng bằng Tuyên bố chung hội nghị mà tất cả các nước thành viên đã thông qua”.
Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức trực tuyến. Ảnh: France24 |
Các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để bảo vệ cuộc sống và hỗ trợ người dân, trong đó tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. “Chúng tôi duy trì quyết tâm hỗ trợ tất cả các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, vốn đang đối mặt với những hệ lụy sức khỏe, kinh tế và xã hội của COVID-19”, tuyên bố nêu rõ.
Một trong những thành công lớn của thượng đỉnh G20 năm nay, đó là việc các nước thành viên nhất trí huy động các nguồn lực để cung cấp tài chính cho nền y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn vaccine và chẩn đoán, điều trị COVID-19 hiệu quả.
G20 cam kết sẽ “dốc mọi nỗ lực” để đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người, ủng hộ chương trình hợp tác toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A) và Quỹ vaccine toàn cầu.
G20 đồng thời kêu gọi các ngân hàng phát triển đa phương tăng cường hỗ trợ tài chính để các quốc gia có thể tiếp cận với các công cụ đối phó với COVID-19. “Chúng tôi công nhận vai trò của tiêm chủng mở rộng như một lợi ích công cộng toàn cầu”, tuyên bố nhấn mạnh.
Hoạch định lộ trình phục hồi bền vững
Tại hội nghị, các nước G20 công nhận sự suy thoái mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu do tác động của COVID-19, nhấn mạnh những nỗ lực mở cửa trở lại với các chính sách phục hồi kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, sự phục hồi ở các quốc gia là không đồng đều, thiếu sự chắc chắn và có nhiều rủi ro, bao gồm cả những rủi ro phát sinh từ các đợt bùng phát dịch mới ở một số nền kinh tế. Vì thế, G20 nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải kiểm soát sự lây lan của COVID-19, coi đây là “chìa khóa” để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Chúng tôi quyết tâm tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có, miễn là cần thiết, để bảo vệ cuộc sống, việc làm và thu nhập của mọi người, hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính”, Tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh G20 nêu rõ.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng khẳng định sẽ thực hiện các động thái ổn định tài khóa, tiền tệ và tài chính chưa từng có để vực dậy nền kinh tế toàn cầu, đồng thời đảm bảo rằng các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức quốc tế có liên quan tiếp tục hỗ trợ quan trọng cho các nước mới nổi, đang phát triển và có thu nhập thấp.
Theo đó, G20 tán thành kế hoạch kéo dài chương trình đóng băng những khoản nợ cho các nước nghèo cho đến tháng 6 năm sau. Cho đến tháng 6 năm 2021, nhóm G20 dự kiến sẽ mở rộng sáng kiến giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo. Trong một nỗ lực vực dậy nền kinh tế, G20 cam kết thực hiện mục tiêu về một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, bao trùm, không phân biệt đối xử, minh bạch, ổn định, đồng thời giữ cho thị trường G20 luôn cởi mở.
The Washington Post nhận định, hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong một điều kiện khó khăn, khi dịch COVID-19 đang tấn công trầm trọng các quốc gia thành viên, buộc hội nghị phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trong những thành viên quan trọng của G20, lại tỏ ra thờ ơ với kỳ hội nghị lần này.
Đặc biệt, ngày 22/11, vào đúng thời điểm các nhà lãnh đạo G20 ra tuyên bố chung, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, nước này không còn là một bên tham gia ký kết Hiệp ước Bầu trời Mở. Mặc dù vắng bóng Mỹ, nhưng theo Washington Post, kết quả của hai ngày làm việc vẫn gặt hái nhiều thành công, nhất là trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước đói nghèo cả về tài chính lẫn phương án đối phó COVID-19.
Kỳ thượng đỉnh G20 năm 2020 khép lại cũng vào thời điểm làn sóng COVID-19 lần hai đang càn quét thế giới. Và đây là lúc G20 cụ thể hóa những tuyên bố chung thành hành động.