CÔNG AN BẠC LIÊU
Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 của Trung Quốc tập trung vấn đề quy hoạch và phát triển
Cập nhật ngày: 31-10-2020, lượt xem: 40
Từ ngày 26 đến 29/10, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19 đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và gần 400 Ủy viên Trung ương, Ủy viên Trung ương dự khuyết Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.

Trọng tâm của kỳ hội nghị lần này gồm nhiều vấn đề về quy hoạch và phát triển đất nước, trong bối cảnh Trung Quốc đang đối diện nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước như dịch COVID-19 hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đáng chú ý nhất là lần đầu tiên trong 25 năm qua, giới chức Trung Quốc đã cùng bàn thảo xem xét kế hoạch và mục tiêu cho 15 năm tới - đến năm 2035.
 

Những điểm nổi bật nhất trong kế hoạch này
 

Hội nghị Trung ương 5 đã khép lại với việc xem xét, thông qua Kiến nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035. Thông cáo sau hội nghị đã đề cập đến tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc cần phải tuân thủ và mục tiêu tổng thể của 5 năm sắp tới.
 

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc sẽ phải đạt được các kết quả mới, thành tựu mới và bước tiến mới trong 6 lĩnh vực chính, gồm phát triển kinh tế, cải cách mở cửa, văn minh xã hội, văn minh sinh thái, phúc lợi cho người dân và hiệu quả quản trị quốc gia.
 

Hội nghị cũng đưa ra 12 giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó sáng tạo và tự lực tự cường về khoa học công nghệ được đặt lên hàng đầu, đóng vai trò trọng tâm chiến lược trong việc hiện đại hóa và sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, thông cáo hội nghị chưa đề cập đến mục tiêu tăng trưởng cụ thể của nền kinh tế nước này trong 5 năm tới.
 

Nếu trong cuộc họp báo giới thiệu về tinh thần Hội nghị Trung ương 5 mà mục tiêu này vẫn không được nhắc tới, thì đây có thể là lần đầu tiên kể từ năm 1986 đến nay, Bắc Kinh không ấn định chỉ tiêu tăng trưởng trong quy hoạch phát triển 5 năm, mà theo các nhà phân tích là có thể sẽ vào khoảng 5% trong thời gian tới. Điều này cũng cho thấy, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng.
 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã chính thức đưa khái niệm “Tuần hoàn kép” vào tư tưởng chỉ đạo, các nguyên tắc cần phải tuân thủ và các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Theo đó, Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh việc xây dựng “cục diện phát triển mới” lấy “đại tuần hoàn trong nước” làm chủ thể, “tuần hoàn kép” trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau. Đây được coi là kim chỉ nam cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.
 

Nội hàm của khái niệm này gồm 2 phần: “tuần hoàn trong nước” và “tuần hoàn quốc tế”, trong đó tuần hoàn trong nước tập trung vào thị trường nội địa và tuần hoàn quốc tế là giao thương với bên ngoài. Với việc xây dựng cục diện phát triển mới này, Trung Quốc được cho là sẽ tập trung đẩy mạnh nhu cầu nội địa và tận dụng thị trường trong nước, nâng cao năng lực tự cung tự cấp, trong bối cảnh phần còn lại của thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19.
 

Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19. Ảnh: Tân Hoa Xã.
 

Động lực và mục tiêu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc
 

Có chuyên gia Trung Quốc nhận định, Hội nghị Trung ương 5 lần này diễn ra trong thời kỳ “bước ngoặt lớn” của Trung Quốc, do vậy việc kết hợp xem xét mục tiêu dài hạn đến năm 2035 với kế hoạch 5 năm sắp tới là một “sự kiện lịch sử trọng đại”.
 

Năm 2021 đánh dấu việc Trung Quốc hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2 vào năm 2049 khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi, Đại hội Đảng lần thứ 19 của nước này diễn ra năm 2017 đã đưa ra lộ trình 2 bước. Đó là từ 2020 đến 2035 cơ bản thực hiện việc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, từ 2035 đến giữa thế kỷ 21 hoàn thành việc xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại.
 

Do vậy, năm 2035 được coi là thời điểm mấu chốt mang tính bản lề để lãnh đạo Trung Quốc thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ 2 đầy tham vọng. Ngoài ra, việc xem xét và thông qua một chương trình nghị sự lên tới 15 năm cũng cho thấy về khả năng tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ thứ 2 kết thúc vào năm 2022 của lãnh đạo Tập Cận Bình. Rõ ràng, kế hoạch của 5 năm tới và sau đó được xây dựng trên những gì mà ông đã gặt hái được sau 8 năm cầm quyền vừa qua.
 

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ về mọi mặt và chưa thể ước tính chính xác thiệt hại cho cả 2 bên, một kế hoạch đầy tham vọng đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị Trung ương lần này là “tập trung đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế và mở cửa hơn nữa với bên ngoài”. Kể cả trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cũng như Tầm nhìn đến năm 2035, các vấn đề về đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế và mở cửa đều được Trung Quốc hết sức quan tâm.
 

Với kế hoạch trong 5 năm tới, phát triển kinh tế được đạt lên vị trí số 1 trong các mục tiêu của giai đoạn này, trong đó nhấn mạnh năng lực sáng tạo phải được nâng cao rõ rệt. Mục tiêu thứ 2 là cải cách mở cửa có những bước tiến mới. Trong khi đó, mục tiêu đầu tiên mà Bắc Kinh đề ra cho 15 năm tới, tức là đến năm 2035, là sức mạnh kinh tế, khoa học công nghệ và sức mạnh tổng hợp tăng vượt bậc, tổng lượng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị và nông thôn tiếp tục tăng mạnh lên một tầm cao mới, đạt đột phá lớn trong các công nghệ then chốt cốt lõi và đi đầu trong các quốc gia sáng tạo.
 

Trong 12 nhóm giải pháp quan trọng mà hội nghị đề ra để thực hiện các mục tiêu, sáng tạo và tự lực tự cường về khoa học công nghệ cũng được đặt lên hàng đầu. Trong đó, sáng tạo được đặt ở vị trí trung tâm trong toàn bộ công tác xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc, còn tự lực tự cường về khoa học công nghệ là điểm tựa chiến lược để nước này phát triển.
 

Nhóm giải pháp thứ 3 là hình thành thị trường trong nước lớn mạnh, thiết lập cục diện phát triển mới với nền tảng chiến lược là mở rộng nhu cầu nội địa, thúc đẩy “tuần hoàn kép”, tức nâng cao năng lực tự cung tự cấp. Nhóm giải pháp thứ 9 là mở cửa với bên ngoài ở cấp độ cao và mở ra cục diện hợp tác cùng thắng mới. 
 

Đáng chú ý, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ đang trở nên căng thẳng trên hầu hết mọi mặt trận, hội nghị lần này nhận định, môi trường phát triển của Trung Quốc đang phải đối mặt với những thay đổi sâu sắc phức tạp; cho rằng, hiện nay và trong giai đoạn sắp tới, sự phát triển của nước này vẫn ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, nhưng thời cơ và thách thức đã có những diễn biến và thay đổi mới. Môi trường quốc tế ngày càng phức tạp, tính không ổn định và không xác định tăng lên rõ rệt.
 

Điều đó cho thấy, trước những khó khăn hiện nay, Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị cho các điều chỉnh trong tương lai. Bởi hơn ai hết nước này hiểu rằng, dù ai thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới thì quan hệ Trung-Mỹ cũng khó có những cải thiện rõ rệt, thậm chí sẽ tiếp tục căng thẳng và cạnh tranh toàn diện trong thời gian dài, do vậy cần có những tính toán và bước đi lâu dài, bài bản với khả năng ứng phó và đứng vững trước những thay đổi của thời cuộc, mà như bản thông cáo của hội nghị đã đề cập là cần “nhận thức chuẩn xác sự thay đổi, đối phó khoa học với thay đổi và chủ động thay đổi”.




Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác