Sau vài tháng hè hạ nhiệt, đại dịch COVID-19 một lần nữa đặt ra những thách thức nghiêm trọng chưa từng có cho châu Âu khi số ca nhiễm mới tại lục địa này đang gia tăng nhanh chóng mặt, hiện đã vượt xa châu Á và châu Mỹ.
Bên trong một bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19 ở châu Âu. Ảnh: Getty Images |
Số liệu trên Worldometer tính đến 9h sáng nay (31/10) cho thấy tổng số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là hơn 9,71 triệu người. Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 30/10 sấp sỉ 300.000 ca, chiếm hơn 50% tổng số ca nhiễm mới toàn cầu.
Cụ thể, Pháp hiện là nước có số ca nhiễm mới cao nhất khu vực, với 49.215 ca nhiễm và 545 ca tử vong trong ngày gần nhất, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.331.984 và 36.565. Tổng số người bệnh tại Pháp hiện chỉ thấp hơn Nga, nhưng khả năng sẽ vượt Nga trong tuần tới.
Từ 29/10, Pháp buộc phải quay lại giai đoạn đóng cửa nhiều quán bar, nhà hàng. Nước này cũng cấm người dân tự ý rời khỏi nhà. Các dịch vụ khác được hoạt động, song với quy định giãn cách nghiêm ngặt để hạn chế thiệt hại kinh tế, đồng thời làm chậm đà lây lan của bệnh.
Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, báo cáo tới 19.367 ca nhiễm mới trong một ngày, nâng tổng số người bệnh lên trên mốc 500.000 ca. Số ca nhiễm hiện tại của Đức cao gấp 3 lần làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi tháng 3.
Theo Reuters, chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel mới đây lệnh áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức độ nhẹ từ ngày 2/11 đến 30/11. Người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả việc đi lại không cần thiết và hạn chế du lịch.
Italia ngày 30/10 cũng ghi nhận tới 31.084 người nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số người bệnh lên gần 648.000. Tại Italia, 38.321 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh. Chính quyền Italia mới đây đề nghị người dân đi lại "ít nhất có thể" để ngăn nguy cơ nhiễm bệnh.
Tây Ban Nha, nơi từng là ổ dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận 1.264.517 ca nhiễm và 35.878 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 25.595 và 239 ca.
Cách đây nửa năm, người ta nói về chuyện Tây Ban Nha đã điêu đứng ra sao vì số người nhiễm COVID-19 cao. Nay, số người nhiễm mới nhiều gấp 5 lần giai đoạn tháng 3-4. Các bệnh viện tại quốc gia châu Âu này đang vật lộn với tình trạng quá tải người bệnh.
Tuy nhiên, thay vì các lệnh phong toả nghiêm ngặt để hạn chế đà lây lan như trước đây, Tây Ban Nha hiện giờ buộc phải lựa chọn phương án sống chung với dịch bệnh như các nước châu Âu khác để ngăn chặn thiệt hại kinh tế.
Tại Anh, giới chức nước này báo cáo thêm 24.405 ca nhiễm và 274 ca tử vong trong ngày 30/10, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 989.745 và 46.229. Bất chấp việc gia tăng ca nhiễm và tử vong, Anh khẳng định sẽ không ban hành các biện pháp đóng cửa toàn quốc.
Tỷ lệ lây nhiễm ở Bỉ, nơi đặt trụ sở chính của EU, hiện tệ nhất trong khối. Quốc gia hơn 11 triệu dân này ngày 30/10 ghi nhận tới gần 24.000 ca nhiễm. Tổng số người bệnh ở Bỉ là 392.258 ca, cao thứ 7 châu lục, trong đó hơn 11.300 ca đã tử vong.
Nguồn: cand.com.vn