Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã "đăng đàn" trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
33,5 nghìn tỷ đồng phục hồi kinh tế - xã hội
Phát biểu trước phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, đến hết tháng 5/2022 Chính phủ đã giải ngân khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất, trong đó, hoàn thành, ban hành 4 văn bản trong tháng 6/2022.
Về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, căn cứ Nghị quyết số 517 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách Trung ương 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. "Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng trên phạm vi cả nước và phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra", Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ rõ.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, quá trình thực hiện còn chưa đạt yêu cầu về thời gian do ảnh hưởng nhất định của dịch bệnh COVID-19; phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình phải căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 (tháng 7/2021) và hằng năm (tháng 10/2021). Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt mất nhiều thời gian do có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực và phải tuân thủ đúng pháp luật; một số bộ, ngành, địa phương chậm đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn và chưa chủ động, tích cực trong công tác phối hợp...
Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 22,37%
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31/5/2022, đã giải ngân 22,37% kế hoạch (trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%).
Trong tháng 5/2022, 6 Tổ công tác đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.
"Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%", Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Đề xuất phương án phù hợp để việc học môn Lịch sử được tăng cường
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đặt câu hỏi về môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ có chỉ đạo gì về việc này?
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn Lịch sử đều rất cụ thể. Giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp Tiểu học và THCS); giai đoạn định hướng nghề nghiệp (3 năm THPT). Trong giai đoạn 1 là giáo dục cơ bản thì có môn Lịch sử, còn giai đoạn hai có tính chất định hướng nghề nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh từ lớp 4 đến lớp 9 môn Lịch sử và Địa lý là bắt buộc, thời lượng 560 tiết; riêng Lịch sử chiếm 280 tiết. Từ lớp 10 đến 12, Lịch sử là môn học trong tổ hợp khoa học xã hội, được dạy ở tất cả trường THPT. Về một số ý kiến cho rằng môn Lịch sử là tự chọn dẫn đến "bỏ hoặc khai tử môn Sử", Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng điều đó không đúng.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổ chức hội thảo để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học môn Lịch sử, kiến thức lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường...
Rà soát đất công hoang hóa, không sử dụng
Trả lời ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP Hồ Chí Minh) về quản lý, sử dụng tài sản công, "tình trạng đất đai bỏ hoang nhiều năm", Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ đã có những văn bản quy định về vấn đề này. Đó là Nghị định 67/2021 rà soát các cơ sở nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý mà không có nhu cầu sử dụng. Cơ quan đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý và thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về cho địa phương quản lý.
Theo tổng hợp của 9 bộ, cơ quan Trung ương và 45 địa phương thì tổng số cơ sở nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là hơn 10.200. Qua kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư, sễ tiếp tục sử dụng hơn 8.100 cơ sở; thu hồi 117 cơ sở; điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế; bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236; phương án 302 cơ sở chuyển giao về cho địa phương xử lý. Hiện khoảng 1.000 cơ sở chưa xử lý.
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục cùng các bộ ngành, địa phương rà soát cơ sở nhà đất, đặc biệt là khu vực để hoang hóa, không sử dụng. Đây cũng là tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương về sử dụng hiệu quả đất đai trên cả nước.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết, khi ĐBQH chất vấn tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chậm, Bộ trường Bộ Tài chính đã nêu rõ nguyên nhân, đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ trách nhiệm, chúng ta đã xử lý ai chưa? Nếu chưa thì vì sao?
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng, việc cổ phần hóa không theo đúng kế hoạch, mới chiếm 30% kế hoạch là do có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn vừa qua là nhiều doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, đất đai, là những vấn đề cần giải quyết trước khi cổ phấn hoá. Bên cạnh đó, nhiều quy định về cổ phần hóa, thoái vốn được bàn hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước nên quy trình thực hiện dài hơn.
Rồi việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công… Nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý một số vấn đề như xử lý đất đai theo quy định. Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn để tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao hiệu quả trong công tác này...
Nguồn: cand.com.vn