Trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là việc định giá sách giáo khoa, kiến nghị đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá.
Sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá
Chất vấn về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Dung (Hải Dương) hỏi việc kê khai giá sách giáo khoa và có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Quyền quyết định giá thuộc nhà xuất bản, nhà sản xuất sách giáo khoa. Trên cơ sở đó, người mua lựa chọn, mua chỗ nào số lượng và chất lượng tốt nhất trên tinh thần minh bạch, niêm yết giá công khai.
Nhà nước thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách Nhà nước nên khi xuất cấp ngân sách thì phải thẩm định mặt hàng, loại sản phẩm Nhà nước mua.
Có đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá được không?
Trả lời đại biểu Châu Quỳnh Dao về việc đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá, Luật Giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, việc có được đưa vào hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội. Còn đề xuất là việc của các bộ tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ sẽ tham mưu cho Quốc hội.
“Quốc hội quyết định có đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá hay không, có nghĩa là có đưa vào Luật giá hay không. Hiện nay, Luật giá đang sửa, theo lộ trình các kỳ họp tới sẽ bàn về Luật giá” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đồng thời thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục đã trao đổi, làm việc, thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa đề xuất sách giáo khoa vào Luật giá. Còn được quyết định hay không là do Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội cho rằng, cần đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt và thẩm định giá. Đặc biệt, cần trợ giá sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá ý kiến này rất hay nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc này chỉ có Quốc hội quyết định, các cơ quan dưới không thể quyết định. Nếu kỳ họp này Quốc hội thống nhất, đưa vào nghị quyết thì Bộ Tài chính sẽ tranh thủ hướng dẫn và tiến hành triển khai ngay vì Luật giá quy định chỉ kê khai và không có trong khung định giá. Nếu làm được như vậy sẽ đảm bảo tính hợp lý về giá cả, giảm khó khăn cho người dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Cần làm rõ nguyên nhân sách giáo khoa tăng cao
Tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, sách giáo khoa tăng cao thì phải tìm rõ nguyên nhân vì đâu mà tăng cao? Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIII giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn đưa vào sử dụng một bộ sách giáo khoa cùng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn và phát hành. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 năm học mà các doanh nghiệp này vẫn “một mình một sân” như vậy thì liệu chúng ta chưa đưa vào định giá sách giáo khoa có phải là một việc sơ suất. Liệu có phải việc định giá sách là do Quốc hội khóa XIII chưa đưa vào Nghị quyết 88 hay không? Đề nghị hai Bộ trưởng Tài chính, Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải suy nghĩ và trao đổi thêm để trả lời trước cử tri cả nước về việc tăng ngân sách sách giáo khoa do chưa chấp hành nghị quyết của Quốc hội hay là do chúng ta chưa đưa vào mặt hàng định giá của Nhà nước.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực soạn Thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách. Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành canh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.
Nguồn: cand.com.vn