CÔNG AN BẠC LIÊU
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật
Cập nhật ngày: 15-04-2022, lượt xem: 48
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 10, xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó phần lớn nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp và định hướng nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về công tác lập pháp, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa;

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp sáng nay.

UBTVQH cũng cho ý kiến 5 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế. Công tác phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tổ chức hữu quan ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.

Với tinh thần tích cực, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, có nhiều nhiệm vụ lập pháp đã được các cơ quan chuẩn bị sớm và chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, UBTVQH; nhiều dự án luật được đưa vào chương trình; số lượng văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH được xem xét, thông qua ngày càng tăng; chất lượng cũng được nâng lên. Đặc biệt là kịp thời thông qua các văn bản phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, các dự án quan trọng quốc gia, gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về thể chế để kiến tạo, phát triển, nhất là phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở các hồ sơ, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đề nghị UBTVQH cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng các dự án luật, nghị quyết dự kiến đưa vào chương trình. "Đảm bảo tính khả thi cao nhất, sát thực với yêu cầu của thực tiễn, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, kiên trì khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập như phải điều chỉnh nhiều lần, rút ra rút vào, hồ sơ gửi chậm, các cơ quan của Quốc hội không đủ thời gian xem xét... Trên tinh thần phải thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội nhiệm kỳ này hết sức coi trọng công tác xây dựng pháp luật, ngay từ đầu đã xem xét các chính sách rất kỹ. Ví dụ, Luật Khám chữa bệnh mặc dù quan trọng, cấp bách nhưng phải hai lần trình UBTVQH mới đủ điều kiện xem xét, cho ý kiến. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, dự án luật nào chưa đủ điều kiện, chưa "chín" thì để lại, đồng thời Ủy ban nào đề xuất mà sau này không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm.

Về Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, UBTVQH chỉ cho ý kiến, còn thẩm quyền ban hành thuộc về Chính phủ. Đây là dự án luật quan trọng, tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng...; tính chất nhạy cảm rất lớn, nhiều vấn đề liên quan quyền công dân, do đó cũng cần phải được xem xét, kỹ lưỡng.

Về công tác giám sát, UBTVQH sẽ cho ý kiến đối với các nội dung: dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành"; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội.

Về xem xét các vấn đề quan trọng khác, UBTVQH xem xét, quyết định số lượng thành viên của Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội; Đề án, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Đồng thời, UBTVQH cũng cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14); cho ý kiến về báo cáo tài chính nhà nước năm 2020; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, phiên họp tháng 10 khối lượng công việc nhiều, thời gian họp kéo dài, bố trí làm việc một ngày thứ 7, do đó UBTVQH cần tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp...




Nguồn: cand.com.vn
Các tin khác