Là đất nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều năm qua Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn, nhằm giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn.
Gần 13 nghìn tỷ khắc phục hậu quả bom mìn
Theo đánh giá của VNMAC, ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Bom mìn còn sót lại này những năm qua vẫn đang gây ra những hệ lụy đau xót trong cuộc sống thường nhật của người dân. Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi... có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485 nghìn ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, tăng 35% so với giai đoạn trước). Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích.
Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng - Cơ quan thường trực đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. “Giai đoạn 2010 - 2020, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Đó là xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, làm cơ sở chắc chắn cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Đã tiến hành khảo sát, rà phá được gần 500 nghìn ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn, đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ các tổ chức quốc tế gần 100 triệu USD”, Đại tá, TS Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc VNMAC cho biết.
Luôn quan tâm, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng bom mìn
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, cả nước có khoảng 3,4 triệu đối tượng người khuyết tật (trong đó có nạn nhân bom mìn) đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 1,1 triệu người khuyết tật nặng. 100% người khuyết tật nặng là nạn nhân bom mìn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, gia đình nạn nhân bom mìn thuộc diện khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 1 định xuất nuôi dưỡng, chăm sóc. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1942/QĐ-TTg ngày 18/01/2021 phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.
Trong đó có nội dung tăng cường hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật là nạn nhân bom mìn, phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn. “Hiện nay, các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, trong đó có 18 tỉnh triển khai toàn bộ tại các huyện, các xã. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được đầu tư củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố có bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng; đối với tuyến huyện hiện nay, hầu hết đều có các tổ, khoa phục hồi chức năng lồng ghép với khoa Nội hoặc Y học cổ truyền, cung cấp được nhiều dịch vụ phục hồi chức năng, chủ yếu là vật lý trị liệu đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn”, ông Vũ Xuân Hân, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng hoạt động mạnh mẽ để hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn nhiều năm qua. Trong nhiệm kỳ (2014-2021), từ nguồn quỹ Hội và sự tài trợ của Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, của các doanh nghiệp, tổ chức nhân đạo, từ thiện, các nhà hảo tâm trong cả nước… Hội đã tiến hành hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 21 lượt tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn. “Đến nay, tổng số nạn nhân bom mìn đã được hỗ trợ sinh kế trên 5.500 người, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Mỗi nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể bằng nhiều hình thức tặng nhà tình nghĩa trị giá 35 triệu đồng/nhà; hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ từ 5-12 triệu đồng/hộ, tặng phương tiện nghe nhìn tivi, radio, hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho các nạn nhân.
Cùng với đó, hội cũng tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ đột xuất tới gia đình các nạn nhân với hàng trăm triệu đồng được trao trực tiếp hỗ trợ các nạn nhân và gia đình vượt qua khó khăn”, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết. Lãnh đạo hội cho biết thêm, Trung ương hội đang định hướng và hướng dẫn một số chi hội tiếp tục có sự chuẩn bị các điều kiện nếu có thể tiến tới thành lập thêm hội cấp tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn.
Nguồn: cand.com.vn